- Doanh nhân Ngô Khánh Huy: Khẳng định giá trị của sen Tháp Mười
- Doanh nhân Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường: Người chắp cánh cho di sản bay xa
- Doanh nhân Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty Phú Sinh: Quyết tâm đưa tỏi Lý Sơn ra thế giới
- Doanh nhân Nguyễn Văn Phát: Sống là phải để lại giá trị cho cuộc đời
Doanh nhân Phan Bá Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An Vui. |
Xoay chuyển thế cục nhờ công nghệ
Inter Bus Lines là thương hiệu xe du lịch được nhiều khách lựa chọn khi có ý định lên thăm thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Trong ngành vận tải, Inter Bus Lines cũng thuộc top doanh nghiệp dẫn đầu, với hơn 100 xe và tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến trung bình đạt khoảng 87%.
Trong ký ức của doanh nhân Phan Bá Mạnh, có một Inter Bus Lines rất khác với hiện tại. Thời điểm tháng 7/2017, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Inter Bus Lines có ý định dừng hoạt động hãng xe. Nguyên nhân là dù đã ứng dụng phần mềm do một công ty trung gian bán vé cung cấp, Inter Bus Lines vẫn kinh doanh không hiệu quả. Trên mạng Internet, Inter Bus Lines là một thương hiệu mờ nhạt, bị các đối tượng khác giả mạo để trục lợi. Về mặt kinh doanh, Inter Bus Lines ghi nhận doanh thu thực nhận thấp, do bị các đại lý chiếm dụng vốn, trong khi lượng vé bán ra không ít. Đặc biệt, doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phụ thuộc vào một đại lý độc quyền, cũng là bên đang nắm giữ phần mềm bán vé.
Nhìn thấy vấn đề mình có thể giải quyết, An Vui đã tiếp cận Inter Bus Lines, đề nghị sẵn sàng cung cấp nền tảng công nghệ cho nhà xe, với điều kiện duy nhất là: “Nếu hiệu quả kinh doanh của Inter Bus Lines tăng thêm 10 đồng, An Vui xin nhận 1 đồng”. Ở thời điểm đó, An Vui mới ra mắt chưa đầy một tháng, chuyên về giải pháp quản trị toàn diện cho các nhà xe đường dài.
- Doanh nhân Phan Bá Mạnh
Inter Bus Lines đã đồng ý để An Vui đưa giải pháp vào thay thế hệ thống phần mềm cũ. Đầu tiên, là xây dựng hệ thống website theo nhận diện thương hiệu của Inter Bus Lines và chuẩn hóa để đúng tiêu chuẩn SEO. Tiếp theo, An Vui hỗ trợ Inter Bus Lines xây dựng ứng dụng đặt vé online để doanh nghiệp chủ động phát triển tệp khách hàng trung thành. Ngoài ra, An Vui còn giúp Inter Bus Lines phát triển phần mềm quản lý kênh bán, từ đó, nhà xe có thể chủ động mở rộng kênh bán vé qua các đại lý và kiểm soát tình trạng chiếm dụng vốn.
Trong vòng 2 năm sau đó, doanh thu của Inter Bus Lines tăng 200%; số lượng lao động giảm tới 1/3. Khoản chi phí Inter Bus Lines phải trả cho An Vui, nếu tính theo cam kết hợp tác lúc đầu, có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng. Vì thế, An Vui đã điều chỉnh lại chi phí theo tính năng mà Inter Bus Lines sử dụng. Bản thân khách hàng đầu tiên là Inter Bus Lines cũng giúp An Vui cải thiện sản phẩm từng ngày.
“Inter Bus Lines là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, sự chuyển mình mạnh mẽ bằng các ứng dụng công nghệ có thể giúp doanh nghiệp vận tải xoay chuyển cục diện kinh doanh”, đại diện An Vui cho biết.
Những chuyến xe “đi An về Vui”
Đến nay, sau 7 năm, Inter Bus Lines vẫn là khách hàng thân thiết của An Vui. Bên cạnh đó, An Vui có thêm khoảng 400 khách hàng nữa, đa phần là thương hiệu vận tải lớn như Kumho Samco, Sơn Tùng, Hào Hương, Bắc Sơn… Năm 2023, hệ thống An Vui ghi nhận hơn 9 triệu vé bán ra thị trường, tương đương doanh thu tiền bán vé là 400 tỷ đồng.
CEO Phan Bá Mạnh ước tính, 80% thị trường vận tải hành khách Việt Nam nằm trong tay 20% doanh nghiệp vận tải lớn. Trong số những doanh nghiệp vận tải lớn này, An Vui đã hợp tác với 50% doanh nghiệp, trở thành tên tuổi dẫn đầu thị trường giải pháp công nghệ cho nhà xe đường dài.
“Toàn bộ quá trình vận hành của doanh nghiệp được tự động hóa. Doanh nghiệp có thể quản lý theo giây, từ số lượng vé đã bán, vé tồn, lịch trình di chuyển, dòng tiền, lỗ, lãi. Phần mềm An Vui giúp nhà xe tiết kiệm 10 - 15% chi phí vận hành và tăng 15 - 30% doanh thu bán vé, nhờ việc cung cấp công cụ giao tiếp và tương tác khoa học giữa các bộ phận”, CEO sinh năm 1981 khẳng định.
Với những doanh nghiệp vận tải nhỏ, để họ không bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc đua chuyển đổi số, từ đầu năm 2022, An Vui phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình miễn phí khởi tạo phần mềm cho các nhà xe sở hữu dưới 5 xe. Mỗi chuyến xe lăn bánh, An Vui thu từ các nhà xe 5.000 đồng.
“Dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp vận tải chịu tác động nặng nề, đứng trước nguy cơ phá sản hoặc dừng hoạt động do không có khách hàng và không đủ chi phí duy trì. Đây là động lực để An Vui thực hiện chương trình hỗ trợ này, chung tay với các doanh nghiệp vận tải vượt qua thách thức”, CEO Phan Bá Mạnh chia sẻ.
Về phía khách hàng, khi các doanh nghiệp vận tải đưa công nghệ vào quản trị, họ có thể đặt vé dễ dàng hơn, không còn phải xếp hàng để chờ mua vé, được chủ động chọn chỗ ngồi, không bị nhồi nhét, chen lấn, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.
Phan Bá Mạnh rất thấu hiểu nỗi khổ của những hàng khách phải di chuyển đường dài bằng ô tô. 10 năm trước, sau thất bại của một dự án kinh doanh, chàng trai 30 tuổi Phan Bá Mạnh “bay” sạch vốn liếng. Anh khoác ba lô lang thang khắp vùng miền đất nước để tìm lại động lực và tìm kiếm cơ hội.
Trên hành trình vạn dặm ấy, anh đã gặp không ít khó khăn vì thiếu thông tin, thiếu công cụ đặt vé online; ngay cả khi đặt được vé rồi, thì cũng không ít lần bị lên nhầm chuyến, hoặc bị “thả” sai địa điểm cần đến… Từ đây, ý tưởng về những chuyến xe “đi An về Vui” cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp vận tải đã ra đời.
Vì một “nền công nghiệp vé” minh bạch
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, CEO Phan Bá Mạnh say sưa nói về mục tiêu của mình, đó là xây dựng một “nền công nghiệp vé” minh bạch, giảm thất thoát, lãng phí cho toàn xã hội. Từ nền tảng quản trị ban đầu hướng tới doanh nghiệp vận tải đường bộ, công nghệ của An Vui đã được áp dụng sang các ngành khác như bán vé xem phim, vé tàu thủy, vé khu tham quan, điểm du lịch…
Tuy nhiên, Phan Bá Mạnh không bao giờ quên những khó khăn để An Vui đi tới ngày hôm nay. Đến mức, anh thừa nhận, với hiểu biết của hiện tại, nếu được cho cơ hội, chưa chắc bản thân có dám bắt tay xây dựng An Vui một lần nữa.
Anh từng nghĩ đơn giản rằng, thị trường vận tải đường dài Việt Nam với giá trị hàng tỷ USD, lại chưa được vận hành chuyên nghiệp, sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp biết đưa công nghệ vào vận hành, kinh doanh. Anh cũng tự tin, mình sở hữu một sản phẩm đủ tốt để thị trường sẵn sàng chấp nhận. Nhưng càng làm, anh càng nhận ra, khó khăn lớn nhất không đến từ sản phẩm hay thị trường, mà vấn đề là phải làm sao để thay đổi nhận thức của các nhà xe.
Theo anh, đa phần người đứng đầu doanh nghiệp vận tải đều trưởng thành từ đội ngũ lái xe hoặc phụ xe. Họ lăn lộn với những gai góc của thị trường, mặc nhiên chấp nhận thất thoát, lãng phí là một phần tất yếu, thậm chí sẵn sàng trả các khoản phí phi chính thức hơn là đầu tư vào công nghệ. Vì vậy, con đường duy nhất của An Vui là kiên trì thuyết phục, không bỏ cuộc khi khách hàng liên tục nói “không”.
Trong đại dịch Covid-19, An Vui đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc. CEO Phan Bá Mạnh phải thốt lên rằng, “đây là thử thách trăm năm có một với các doanh nghiệp”. Tất cả doanh nghiệp vận tải là khách hàng của An Vui phải dừng hoạt động vì tình trạng giãn cách xã hội, khiến doanh thu của Công ty về 0 trong vòng 1 năm. Dù may mắn nhận được 2 vòng vốn đầu tư từ Quỹ VinaCapital trong năm 2019 và Hustle Fund trong năm 2020, An Vui vẫn vật lộn với bài toán tìm “cửa sống”.
Lúc này, CEO Phan Bá Mạnh nhận ra, doanh nghiệp lớn khó tồn tại, doanh nghiệp nhỏ cũng khó tồn tại, chỉ có doanh nghiệp linh hoạt thích ứng là có thể trụ lại.
Anh quyết liệt cắt giảm bộ phận kinh doanh từ 20 người xuống 2 người, mở rộng bộ phận phát triển sản phẩm từ 5 người lên 10 người. Cùng với đó, anh tập trung củng cố nội tại doanh nghiệp, tích hợp thêm nhiều tính năng mới như phát triển sàn vận tải hàng hóa, giúp nhà xe tận dụng cốp xe để tối ưu hoạt động chở hàng. An Vui cũng xây dựng kho vé chung cho các doanh nghiệp vận tải, sau đó kết nối kho vé này với đối tác trong và ngoài nước để giúp doanh nghiệp đa dạng kênh bán. Đến nay, vé xe khách bán qua 24 ứng dụng ngân hàng hay nền tảng VNPAY đều lấy nguồn từ kho vé của An Vui.
“Nhất quyết không đốt tiền để mua người dùng, mà phải lấy chiến lược lâu dài kết hợp giữa công nghệ và sự am hiểu sâu về ngành để làm lợi thế cạnh tranh”, doanh nhân Phan Bá Mạnh nói về chiến lược của mình.
Vượt qua hàng loạt thử thách, thời gian tới, An Vui sẽ tập trung cao độ vào phát triển thị trường trong nước để đưa sản phẩm đến nhiều nhà xe hơn nữa. Ngoài ra, An Vui cũng tính đến việc thâm nhập mảng bán vé sân vận động, phân khúc được đánh giá là “khó nhằn” hơn cả mảng vận tải hành khách. Từ đây, An Vui sẽ từng bước chinh phục thị trường các nước lân cận ở khu vực Đông Nam Á trong tương lai.
“Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm do người Việt tạo ra phục vụ được doanh nghiệp Việt và từ đó mở rộng thị phần ra nước ngoài. An Vui đã có chi nhánh tại Singapore, đây sẽ là đầu mối để mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực Đông Nam Á”, CEO Phan Bá Mạnh chia sẻ.