Năm 2021 của doanh nhân Mai Hữu Tín đã kết thúc thế nào? Điều gì ông muốn nhắc đến vào thời điểm đầu năm 2022 này?
Đưa được TTF trở lại hoạt động như một doanh nghiệp bình thường với các nhà máy đầy việc là một điều đáng mừng. Nhưng cùng các cộng sự cố gắng vượt qua dịch, nhất là khi chưa có vaccine, thật sự là một trải nghiệm tệ hại với cảm giác bất lực chưa từng có và sẽ không bao giờ muốn trải qua lần nữa.
Còn với Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Bình Dương Mai Hữu Tín?
Mọi doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đã hết lòng chia sẻ nguồn lực cùng chính quyền cứu dân và cứu chính người lao động của mình. Tinh thần đó thật đáng được ghi nhận và là một điểm son trong quan hệ giữa các lực lượng chính trong xã hội khi có khó khăn.
Vậy còn cá nhân ông, năm 2021 đã để lại những gì và có điều gì ông cảm thấy tiếc nuối vì nếu có thể làm được, tình hình có thể đã khác?
Năm của nhiều mất mát cá nhân khi phải xót xa chứng kiến sự ra đi của rất nhiều người cùng lúc và càng cảm thấy mình nhỏ bé trước những hiểm họa như vậy, càng thấm thía là mọi tiến bộ có được là vì có lý trí, có khoa học, và có chủ nghĩa nhân văn. Tiếc thay không phải lúc nào cũng có đủ những điều đó…
Thực ra, tôi cảm thấy đau đớn hơn là tiếc nuối. Mọi sự ngạo mạn đều sẽ trả giá, không chuẩn bị trước cho những tình huống xấu đương nhiên là phải trả giá…
Sẽ cần rất nhiều câu từ để nói về bài học mà năm 2021 dành cho chúng ta. Nhưng với cá nhân ông, bài học gì đáng giá nhất? Điều đó sẽ làm thay đổi quan điểm kinh doanh của ông không? Vì sao?
Những gì đã xảy ra (dịch, đỗ vỡ chuỗi cung ứng…) đều đã được tiên đoán trước. Chúng ta có thể thấy điều này khi đọc nghiên cứu của các tác giả Yuval Harari (Nhà nghiên cứu lịch sử người Irasel, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng toàn cầu là Sapiens: Lược sử loài người và Homo Deus: Lược sử tương lai - PV) hay Bill Gates…
Chúng tôi đã có những chuẩn bị nhất định về tâm lý. Những khiếm khuyết cụ thể xảy ra trong đời thực khi thật sự đối phó với chúng mới gây suy tư. Chấp nhận thay đổi và sẵn sàng thay đổi luôn nằm trong văn hóa kinh doanh của chúng tôi từ đầu. Chúng tôi sẽ cố gắng đi nhanh hơn nữa vì hiểu thêm rằng rủi ro thật sự sẽ lớn hơn điều mình nghĩ. Càng nhanh thì cơ hội tồn tại càng cao.
Sự bật nhanh trở lại sau dịch, tốc độ của các doanh nghiệp ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/2021/NQ-CP Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chúng ta đều hiểu là dù thế nào, doanh nghiệp cũng phải tìm cách để hoạt động, mở cửa, để có việc làm. Hơn thế thị trường bên ngoài đang phục hồi, cầu tăng...
Có rất nhiều từ "nếu như", nhưng thời gian không chờ ai cả. Tự cứu mình trước khi trời cứu luôn đúng.
Về các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang rốt ráo triển khai, ông có ý kiến, chờ đợi gi? Doanh nghiệp nói chung cần gì để phục hồi?
Trước hết là luôn cần có vốn với chi phí chấp nhận được. Và bất kỳ chính sách gì giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian đều quý, không phải chỉ vì dịch mà bởi vì chúng ta luôn phải cạnh tranh.
Năm 2022 trong kế hoạch của ông sẽ như thế nào?
Hết sức thận trọng. Vẫn chưa có gì rõ ràng về khả năng khống chế được dịch hoàn toàn. Những vấn đề lớn như vậy của nhân loại chỉ có thể nhờ cậy vào những bộ óc tốt nhất, nắm trong tay công nghệ tốt nhất và hoạt động trong môi trường tốt nhất.
Có thể thấy một TTF lột xác sau các bước tái cơ cấu?
Chắc chắn. Chúng tôi đang lấn sang các bước trong chuỗi giá trị trong ngành mà từ trước đến giờ chúng ta vẫn thua mọi người, đó là thiết kế, bán lẻ, thương hiệu lớn…
Có thể có sự bứt phá nào trong lĩnh vực nông nghiệp của UNIfarm (công ty thành viên của Công ty U&I)?
Nhu cầu còn rất lớn, việc tăng diện tích canh tác và mở rộng hệ thống phân phối là các ưu tiên lớn nhất.
Vậy còn cá nhân ông, ông sẽ ưu tiên gì trong năm 2022?
Học nhiều hơn và chuẩn bị tốt hơn, nhất là về quản trị, cập nhật những kiến thức mới nhất, những cách làm hiệu quả nhất. Tháng 1 tôi ở Harvard và tháng 6 sẽ đến Stanford.
Có thể nói Covid-19 "kiểm tra" năng lực thích ứng của cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân? Ông có nghĩ năm 2022 sẽ khởi đầu cho những tư duy mới, cách làm mới không?
Tôi cho rằng cả bộ máy đã làm rất tốt việc tìm đủ vaccine cho dân trong lúc khó khăn. Ứng vạn biến tiếp tục là một thế mạnh của người Việt, ở mọi nơi, mọi thành phần. Nhưng dịch, cũng như mọi khó khăn khác, là một phần của cuộc sống.
Rồi sẽ có những dịch khác, những khó khăn khác. Ai chuẩn bị tốt hơn sẽ dễ dàng vượt qua hơn. Và nếu có thể chuẩn bị cùng những người, những nơi tốt nhất thì hay biết bao.
Những thay đổi trên có làm sự phát triển bền vững hơn không?
Chỉ vài năm thôi mọi người sẽ quên những khó khăn, mất mát mà Covid 19 gây ra. Trí nhớ dài hạn của chúng ta thường bị những lo toan hàng ngày chiếm chỗ. Tôi tin hơn vào sự linh hoạt của doanh nghiệp, nhất là những nơi thật sự vận hành theo kinh tế thị trường.