- Doanh nhân Trần Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Colusa - Miliket: Khoác áo mới cho “huyền thoại” mì hai tôm
- Doanh nhân Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường: Người chắp cánh cho di sản bay xa
- [Emagazine] Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng: Người thủ lĩnh doanh nghiệp phải quyết đoán và quyết nhanh
- [Emagazine] Doanh nhân Kristian Petersen: Khát khao đưa vẻ đẹp và sự hiếu khách của Việt Nam ra thế giới
Doanh nhân Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings. |
1.
“Tháng 3 tới, Hội chợ Du lịch quốc tế lớn nhất thế giới là ITB Berlin (Đức) lại không có gian hàng chung của Việt Nam”, ông Ngô Minh Đức trăn trở. Năm ngoái, lần đầu tiên trong nhiều năm, Việt Nam cũng không có gian hàng chung tại Hội chợ Du lịch thế giới London 2023.
Làm du lịch gần 30 năm, ông Đức nhìn thấy rõ sự thay đổi của thị trường du lịch sau đại dịch Covid-19 và những đòi hỏi mới. Dòng khách Trung Quốc vốn chiếm hơn 30% lượng khách đến Việt Nam có thể chưa hồi phục khi chiến dịch thu hút khách du lịch nội địa của Trung Quốc đang rất lớn. Những khó khăn của kinh tế Mỹ, EU chắc chắn tác động không nhỏ tới các quyết định chi tiêu của người dân, trong đó có du lịch. Thị trường khách rất lớn của Việt Nam là Nhật Bản có nhiều tín hiệu không mấy tích cực khi đồng yên tiếp tục mất giá, giảm 6% so với USD kể từ đầu năm nay, nghĩa là giảm tới hơn 20% trong 2 năm qua, khiến người dân Nhật Bản vẫn chọn phương án “thắt lưng buộc bụng”.
Các quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… ngày càng thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc quảng bá, thu hút khách trở lại. Ông Đức cho biết, doanh nghiệp ở các quốc gia này đang rầm rộ quảng bá những chính sách thu hút khách, cộng với các nỗ lực kết nối, giảm chi phí cho du khách.
Trong khi đó, không khí quảng bá điểm đến Việt Nam dường như chưa đủ mạnh, dù có nhiều chính sách mới hấp dẫn như từ ngày 15/8/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ, thời hạn e-visa được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ đã nới thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước mà Việt Nam đơn phương miễn thị thực…
Đặc biệt, đầu năm 2024, theo đánh giá của nhiều nền tảng tư vấn du lịch quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khi không ít địa điểm được nhắc tới trong danh sách phải đến. Ngoài Hà Nội và Hội An có tên trong Top 10 điểm đến hàng đầu thế giới, vịnh Hạ Long và Sa Pa là 2 địa danh nổi tiếng của Việt Nam lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 5 trong danh sách các điểm đến thịnh hành của TripAdvisor. Hà Nội đứng ở vị trí thứ nhất với những món ăn hấp dẫn thực khách ở hạng mục ẩm thực…
“Sự đánh giá của du khách, việc cấp e-visa cho du khách tất cả các nước giúp ngành du lịch tăng vị thế cạnh tranh, nhưng chúng ta cần phải làm nhiều việc trong quảng bá điểm đến để du lịch Việt Nam có thể nhanh quay lại dấu mốc năm 2019. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch không thể đứng ngoài”, ông Đức chia sẻ khi nhắc tới con số hơn 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam và 8,6 triệu khách đến TP.HCM vào năm 2019 như một mục tiêu phải trở lại.
2.
HG Holdings là một trong những đơn vị đầu tiên đặt nền móng cho chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, đưa du khách Ấn Độ đến với Việt Nam ngay sau khi Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế.
Đây cũng là dòng khách hồi phục nhanh nhất của HG Group trong năm qua, ông Đức cho biết. Một phần vì HG Group là đại diện của IndiGo Airlines - hãng hàng không lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam kể từ khi IndiGo chính thức tham gia thị trường Việt Nam với đường bay thẳng kết nối Kolkata và Hà Nội, khai thác từ tháng 10/2019. Một phần vì ông cũng đã có được những trải nghiệm quý báu khi triển khai cách thức “đóng dần” từng khoang để tồn tại trong đại dịch, thay vì đóng cả, nghỉ hẳn, nên cũng có kinh nghiệm tìm các ngách để mở lại từng phần.
Hiện tại, ông Đức kể, việc kết nối cộng đồng Phật giáo tại Việt Nam với các thành phố tôn giáo quan trọng ở Ấn Độ đang tạo nên nguồn khách mới cho du lịch hai nước, cũng như các doanh nghiệp trong ngành. Sau dịch, IndiGo Airlines quay lại thị trường đầu tiên với chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ…
“Khó khăn, nhưng đây là cơ hội mà doanh nghiệp quyết tâm phải thực hiện được, dù chưa phải là giai đoạn tốt cho các khoản đầu tư lớn. Cũng vì vậy, thời điểm này rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, cộng đồng du lịch trong quảng bá điểm đến Việt Nam”, ông Đức chia sẻ quan điểm.
Năm nay, ngoài thị trường truyền thống là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, trong kế hoạch của ông Đức, HG Holdings sẽ xuất hiện dày đặc hơn ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, sau khi đã mở rộng ra thị trường Indonesia, Philippines vào năm 2023… Kế hoạch mở phòng sale tại thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Australia… cũng đã được đặt vào bệ phóng.
Đặc biệt, chiến lược sâu đậm hơn ở Thái Lan đang được ông Đức quan tâm, nhất là từ tháng 10 năm ngoái, Thai Airways quyết định đóng cửa văn phòng tại Việt Nam và chuyển sang hợp tác với HG Group trong khai thác các đường bay. Một cách thẳng thắn, Thái Lan là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Thai Airways có mạng bay rộng khắp thế giới, với nhiều đường bay trực tiếp kết nối với châu Âu, châu Mỹ.
Trong tính toán của ông Đức, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút khách từ thị trường xa. Thông qua trung tâm hàng không hàng đầu khu vực là Thái Lan, các doanh nghiệp sẽ phát triển ASEAN thành điểm đến chung, đẩy mạnh thu hút du khách phân khúc chi trả cao, cũng như các đoàn MICE đến Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn...
Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận, dù là cơ hội, nhưng đây là giai đoạn lãnh đạo doanh nghiệp phải tỉnh táo, sử dụng dòng tiền hiệu quả nhất…
Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách Trong ảnh: Hội An được TripAdvisor xếp vào Top 10 điểm đến hàng đầu thế giới. |
3.
Tới thời điểm này, ứng dụng đặt chỗ du lịch Gotadi đã lấy đi của ông Đức nhiều tâm lực.
Cách đây gần 10 năm, vào tháng 9/2014, thương hiệu Gotadi chính thức đi vào hoạt động sau 2 năm chuẩn bị và xây dựng hệ thống, dữ liệu. Đây là một dịch vụ trực tuyến, sản phẩm OTA (Online Travel Agent) toàn diện thuần Việt, dành riêng cho người Việt.
Trong tư duy và định hướng của nhà sáng lập Ngô Minh Đức, Gotadi cung cấp các dịch vụ du lịch toàn diện và trực tuyến chỉ trên duy nhất một trang mạng với quyết tâm tạo thói quen du lịch trực tuyến hiện đại dành riêng cho người Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận, thị trường OTA của Việt Nam phát triển rất nhanh, đã có một vài thương hiệu trong nước đáng chú ý và có ý thức tìm kiếm giải pháp giành lại thị phần (như Gotadi, iVivu, Chudu24, hay Mytour Vietnam) nhưng không dưới 80% thị phần nằm trong tay các “ông lớn” nước ngoài.
“OTA như “môn học” khó nhằn và tốn kém”, ông Đức thẳng thắn. Trong cuộc chơi này, doanh nghiệp vừa phải có công nghệ, vừa phải trường lực để đối chọi với doanh nghiệp nước ngoài vốn nhiều lợi thế, từ công nghệ, kinh nghiệm, uy tín thương hiệu và đặc biệt là tiền. Một số thông tin cho biết, các trang OTA nước ngoài chi không dưới 60 USD để có được một khách hàng.
Đây là lý do ông Đức xác định Gotadi phải khác biệt trong cách tiếp cận khách hàng lẫn tăng trưởng. Việc tập trung phục vụ doanh nghiệp, vì đây là nhóm khách hàng bền vững, có tính trung thành khá cao, được coi như chiến lược cốt lõi. Từ năm 2022, Gotadi ra mắt bộ giải pháp quản trị du lịch và tăng trưởng Gotadi Business Travel Management (BTM), nhằm phục vụ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mô hình này không mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp cần xuất hóa đơn và các OTA ngoại, phần lớn chỉ đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam, chưa thể thực hiện chức năng này. Nói cách khác, sự lựa chọn chiến lược ngách này không chỉ tránh được đại dương đỏ đang diễn ra ở mảng B2C, mà còn là khoảng không để Gotadi tự do vẫy vùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, nhà sáng lập Gotadi cho biết, thị trường mà nền tảng khai thác đang giảm nhu cầu, việc cạnh tranh với các OTA nước ngoài tăng và chưa nhiều chính sách bảo hộ doanh nghiệp Việt, khiến mức tăng trưởng của Gotadi vẫn âm. HG Holdings đang phải nuôi dưỡng Gotadi từ các nguồn khác.
“Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu trọng tâm là tái cấu trúc mạnh mẽ lại mảng công nghệ, tìm lại hướng đi mới với thị trường ngách, như khai thác nhóm doanh nghiệp dược, tài chính, dầu khí…, từ đó phát huy thế mạnh nhiều hơn và tiếp tục đầu tư để duy trì thương hiệu trong nền kinh tế còn nhiều khó khăn”, ông Đức chia sẻ.
Cụ thể, năm 2024, HG Group đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10% đến 15% khi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các nước trong khu vực, phát triển mảng kinh doanh du lịch, hàng không và tái cấu trúc Gotadi.
“Du lịch của Việt Nam không thể kém, bởi chúng ta có rất nhiều lợi thế và luôn có cơ hội, vấn đề là quyết tâm và nỗ lực của những người làm du lịch. Tôi tin tưởng vào điều này”, ông Ngô Minh Đức nói.