Doanh nhân Nguyễn Hoài Chung, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Phaata, |
Khởi nghiệp để đón đầu xu hướng mới
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngoại thương, Đại học Cần Thơ năm 2002, ông Nguyễn Hoài Chung đã bắt đầu công việc của mình trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại một công ty chuyên về chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản của Cà Mau.
Tại đây, ông đã trải qua nhiều công việc với các nghiệp vụ như giao nhận vận tải quốc tế, thủ tục hải quan, chứng từ xuất nhập khẩu, kinh doanh quốc tế… Quá trình làm việc đã giúp ông có nhiều trải nghiệm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cũng từ đây, ông có cơ hội làm việc với nhiều hãng tàu và các công ty logistics dưới góc độ của một chủ hàng.
“Làm việc với các công ty logistics và các hãng tàu đã giúp tôi hiểu biết thêm về lĩnh vực logistics và vận tải quốc tế. Càng tìm hiểu, tôi càng thích lĩnh vực mới mẻ này và muốn được thử sức. Thế là tôi đã quyết định xin nghỉ việc ở công ty xuất nhập khẩu để bắt đầu công việc mới ở công ty logistics với vị trí “sales logistics”. Ở công ty logistics đã giúp tôi hiểu biết sâu hơn về các nghiệp vụ logistics, có cơ hội làm việc với nhiều chủ hàng/công ty xuất nhập khẩu và các hãng tàu. Thời gian này đã giúp tôi thấu hiểu được sâu sắc về nghề sales logistics”, ông Chung chia sẻ.
Ông Chung cho biết thêm, thời gian sau đó, ông đã chuyển sang làm sales và marketing cho hãng tàu COSCO. Đây là hãng tàu container lớn thứ 4 trên thế giới hiện nay.
Hơn 10 năm làm việc tại hãng tàu COSCO đã cho ông Chung hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực vận tải container quốc tế và có được tầm nhìn bao quát về ngành logistics và xuất nhập khẩu nói chung. Đặc biệt, ông đã có cơ hội làm việc với hàng ngàn chủ hàng và công ty logistics, nên ông có thể thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu và cái khó của hai nhóm khách hàng này.
Theo đó, các công ty logistics luôn phải đau đầu tìm lời giải cho câu hỏi: “Làm sao để phát triển khách hàng, làm sao phát triển doanh số và phát triển thương hiệu để có nhiều người biết tới?”. Còn đối với các chủ hàng thì xoay quanh các mong muốn: “Làm sao để có giá và dịch vụ logistics tốt hơn, làm sao để tìm kiếm thông tin dịch vụ logistics dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian hơn?”…
Với cách làm truyền thống trước đây, các vấn đề này đã dẫn đến sự lãng phí nguồn lực cũng như làm mất đi cơ hội kinh doanh rất lớn của cả chủ hàng và công ty logistics. Cụ thể, đối với chủ hàng, khi không tối ưu được chi phí logistics, dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội lên cao, không cạnh tranh được với đối thủ khác và dẫn đến mất cơ hội có được đơn hàng. Trong khi đó, nhiều công ty logistics trên thị trường có giá cước vận chuyển và dịch vụ logistics rất tốt, nhưng lại không thể kết nối với đúng các chủ hàng đang cần, dẫn đến bị lãng phí nguồn lực và mất đi cơ hội kinh doanh của mình.
Kể từ khi nhận ra các vấn đề này của thị trường logistics, ông Chung đã trăn trở liên tục trong suốt một thời gian dài để tìm giải pháp. Cuối cùng thì mô hình nền tảng sàn giao dịch logistics đặc thù đã được ông Chung nghiên cứu thiết kế ra để giải quyết được các vấn đề trên. Khi đã xác định được bản thiết kế cũng như mô hình kinh doanh cho sàn giao dịch logistics Phaata, ông Chung cũng đã mất nhiều thời gian và công sức đi tìm đối tác công nghệ phù hợp, để có thể bắt tay thực hiện ý tưởng từ cuối năm 2017.
Đến giữa năm 2019, ông Chung quyết định xin nghỉ việc ở hãng tàu COSCO để tập trung toàn thời gian cho dự án, để đảm bảo đến cuối năm 2019 phải hoàn thành được sản phẩm để giới thiệu đến một nhóm người dùng sớm.
“Đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với tôi khi phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều về việc xin nghỉ việc ở hãng tàu COSCO, nơi tôi đã gắn bó cống hiến suốt thời gian dài 14 năm và đang ở vị trí quản lý sales & marketing ở thị trường Việt Nam. Thực sự không dễ dàng để đi đến quyết định xin nghỉ việc, dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, dám bỏ hết tất cả mọi thành quả đã gây dựng được trong suốt 14 năm ở lại phía sau để bắt tay làm một thứ quá mới mẻ, còn rất mơ hồ với xác suất thất bại rất cao. Nhưng tôi vẫn kiên định xin nghỉ việc để thực hiện ý tưởng của mình, mặc dù có rất nhiều đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng khuyên ở lại. Bởi vì tôi biết rằng, nếu không đủ can đảm và dành hết tâm huyết để xây dựng Phaata, tôi sẽ hối tiếc về sau...”, ông Chung nhớ lại.
Khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động
Trong hành trình xây dựng Phaata, có một kỷ niệm mà ông Chung nhớ mãi, đó là trong khi nhiều người khuyên ông ở lại hãng tàu, thì có một khách hàng (giám đốc của một công ty logistics) đã ủng hộ quyết định của ông, mặc dù người này chưa hề biết ông sẽ làm gì trong tương lai (khi đó ông chưa chia sẻ về kế hoạch của mình vì còn quá sớm), nhưng vị khách hàng này nói rằng, luôn có niềm tin ở ông và đoán ông sẽ thành công.
“Tôi thực sự rất bất ngờ và xúc động trước niềm tin lớn từ vị khách hàng này dành cho tôi. Cuộc nói chuyện đã kéo dài suốt hơn 4 tiếng ở một quán cafe quen thuộc trước khi tôi nói lời tạm biệt và hẹn một ngày tôi sẽ quay lại”, ông Chung kể.
Hơn một năm sau, ông Chung đã quay lại gặp vị khách hàng này để giới thiệu về Phaata. Vị khách hàng này có quan tâm nhưng chưa sử dụng Phaata vì còn quá mới mẻ, nên e ngại về tính hiệu quả. Nhưng đến khoảng một năm sau đó, vị khách hàng này đã chủ động liên hệ lại ông Chung để sử dụng dịch vụ và đã trở thành một trong những khách hàng lớn đầu tiên của Phaata.
Câu chuyện này giúp ông Chung rút ra một điều, cho dù có ai đó có mối quan hệ tốt với bạn, tin tưởng vào con người của bạn thì không có nghĩa là họ sẽ mua sản phẩm của bạn làm ra. Họ chỉ bỏ tiền ra mua khi nhận thấy được giá trị và lợi ích xứng đáng từ sản phẩm đó mang lại. Vì vậy, hãy tập trung vào phát triển để sản phẩm trở nên thật tốt, thật khác biệt và mọi người sẽ cần đến nó.
Sau hơn 2 năm giới thiệu ra thị trường, Phaata hiện đã có hơn 1.300 gian hàng của các công ty logistics, hơn 10.000 yêu cầu báo giá từ chủ hàng được gửi lên, hơn 30.000 chào giá từ các công ty logistics, cùng với đó là số lượng người dùng truy cập hàng tháng tăng liên tục, đến nay đã đạt trên 100.000 người/tháng. Bên cạnh đó, ông Chung còn phát triển được cộng đồng “Logistics Vietnam” lớn và uy tín hàng đầu hiện nay với hơn 250.000 thành viên trên Facebook. Đến nay đã có những tín hiệu tốt, nhiều khách hàng lớn đãbiết đến và sử dụng Phaatanhư: Hãng tàu COSCO, Tổng công ty Tân cảng Sài gòn, Thilogi, U&I logistics, Cảng Đồng Nai, Interlink, Legend Cargo, ASL, Seahorse Shipping, Pacific Lines, AIL, Pam Cargo, Pigeon Logistics...
Ông Chung luôn quan niệm, khách hàng là trung tâm cho mọi hoạt động của công ty. Phaata phải liên tục gia tăng giá trị để làm cho khách hàng hài lòng hơn. Cũng chính vì lẽ đó mà trong văn phòng làm việc của Phaata có treo một tấm bảng với dòng chữ: “Hôm nay có gì làm tốt hơn cho khách hàng?”.
Khi được hỏi về kế hoạch phát triển của Phaata trong thời gian tới, ông Chung cho biết: “Phaata vẫn tiếp tục tập trung vào hoàn thiện sản phẩm, tăng trải nghiệm, mở thêm dịch vụ để tăng thêm giá trị và tiện ích cho người dùng. Trong 2 năm tới, Phaata đặt mục tiêu sẽ cố gắng mời được hầu hết doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam tham gia sử dụng, từ đó tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục mở rộng sang các nước Đông Nam Á trong tương lai”.
Đang giữ vị trí quản lý cấp cao của một hãng tàu lớn, ông đã quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp, đã có ai bảo ông là “điên” không?
Lúc tôi quyết định nghỉ việc tại hãng tàu COSCO thì có rất nhiều khách hàng, đồng nghiệp và cả cấp trên cũng khuyên tôi nên ở lại. Có người còn nói tôi bị “điên”, vì vị trí của tôi đang làm có rất nhiều người mong muốn mà không được, vậy mà lại quyết định từ bỏ.
Ai là người ủng hộ ông trong quyết định này?
Vợ là người ủng hộ lớn nhất trong quyết định này của tôi. Gia đình tôi luôn là chỗ dựa vững chắc nhất.
Triết lý kinh doanh của ông là gì?
Triết lý kinh doanh của tôi là: “Luôn nỗ lực tạo ra nhiều giá trị hơn để làm khách hàng hài lòng hơn”.
Tại Phaata, chúng tôi luôn lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động của mình. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe khách hàng để liên tục cải thiện sản phẩm, cải thiện quy trình, cải thiện chất lượng dịch vụ… Khách hàng là người dẫn đường cho chúng tôi đi, giúp chúng tôi không bị lạc lối.
Quan điểm của ông về một doanh nhân khởi nghiệp thành công là gì?
Đó là dám mạo hiểm, dám đương đầu với thử thách, nỗ lực kiên trì đến cùng để thực hiện ước mơ, phải tạo ra được nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống và được cộng đồng đón nhận.