- Doanh nhân Lương Duy Doanh, CEO FiveStar Travel: Không có người tiên phong, lối sẽ không thể mở
- Doanh nhân “binh nhì” Nguyễn Tiến Luận truyền cảm hứng học tập và làm giàu cho giới trẻ
- Trần Ngọc Thái, CEO Voiz FM: Dùng âm thanh kết nối và nâng tầm tri thức
- CEO Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến: Không thể đi mãi trên con đường mòn
Bốn năm trước, khi Novaon đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ mô hình đối tác quảng cáo cao cấp của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới (Google, Facebook...), ông Nguyễn Minh Quý bất ngờ “bẻ lái”, đầu tư vào các dòng sản phẩm công nghệ mang thương hiệu riêng. Chính quyết định này đã giúp Novaon có được lợi thế khác biệt, vững vàng trước “cơn bão” Covid-19 và tự tin tiến bước.
Doanh nhân Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Công ty Novaon. |
Chuyển đổi số bắt đầu từ chính mình
“Chúng tôi thật may mắn khi là một doanh nghiệp xuất phát từ Việt Nam”, ông Quý mở đầu câu chuyện. Tôi thấy, trong mắt vị doanh nhân 8x ánh lên niềm tự hào.
Là doanh nghiệp chuyên cung cấp nền tảng công nghệ trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến và thương mại, Novaon hoạt động tại nhiều quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, nên hơn ai hết, ông Quý hiểu rõ tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp.
Philippines và Indonesia, 2 thị trường nước ngoài tập trung đông nhân sự nhất của Novaon, vẫn đang trong cảnh “đìu hiu” vì phải thực hiện cách ly xã hội để phòng chống Covid-19, chưa rõ khi nào mới kết thúc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2020, nền kinh tế của cả hai quốc gia này đều tăng trưởng âm (Indonesia tăng trưởng âm 1% và Philippines tăng trưởng âm 8%).
Với bộ máy hơn 700 nhân sự, khi cầu thị trường giảm mạnh, mục tiêu tăng trưởng doanh thu buộc phải điều chỉnh, như bao doanh nghiệp khác, Novaon đứng trước những quyết định mang tính sống còn.
Mặc dù vậy, cắt giảm nhân sự hay giảm thu nhập của nhân viên không phải là cách mà người đứng đầu Novaon lựa chọn. Lý do là, theo dự báo của IMF, ngay khi đại dịch kết thúc, những thị trường trọng điểm của Novaon ở Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Indonesia… đều sẽ “bật dậy” với mức tăng trưởng cao (từ 4% đến 7%/năm). Novaon cần một đội ngũ “thiện chiến” gấp đôi bình thường để sẵn sàng tăng tốc. Hơn nữa, nhân sự công nghệ không dễ tuyển dụng hay đào tạo trong thời gian ngắn.
Ông Quý quyết định dồn trọng tâm vào chiến lược chuyển đổi số. 100% hợp đồng ký kết với khách hàng là hợp đồng điện tử; kết quả kinh doanh, chỉ tiêu đối với từng cá nhân được số hóa và cập nhật hằng ngày; việc tính lương, thưởng được thực hiện tự động; thậm chí, công tác luân chuyển nhân sự cũng được cập nhật theo thời gian thực…
Đặc biệt, bộ phận nhân sự có nhiều thay đổi trong cách thức hoạt động, với chức năng như một bộ phận chăm sóc khách hàng nội bộ (chăm sóc nhân viên) nhằm tăng tính kết nối giữa người lao động với Công ty. Ông Quý cho biết, việc cắt giảm các công việc giấy tờ thường ngày giúp Novaon có điều kiện tập trung nguồn lực nhiều hơn cho các hoạt động sáng tạo hỗ trợ kinh doanh.
“Khi doanh thu không thể tăng mạnh, chúng tôi phải tìm cách tăng năng suất làm việc, giảm chi phí không đáng có. Mục tiêu chính trong năm nay là đầu tư cho nhân sự và các sản phẩm lõi”, ông Quý chia sẻ.
Thật ra, đầu tư chuyển đổi số là bước đi nằm trong kế hoạch đã có tính toán kỹ càng của ông Quý và đội ngũ lãnh đạo Novaon. Công ty xác định, trong giai đoạn trước mắt, thị trường nội địa vẫn là mảng chủ lực, bởi kinh tế - xã hội trong nước phát triển ổn định và có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đang là “từ khóa” được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm đầu tư.
Theo báo cáo của IDC và Cisco, 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang đầu tư vào chuyển đổi số, nhu cầu này tăng gấp hai lần so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, mức độ cạnh tranh trên thị trường đang tăng nhiệt từng ngày. Chính vì thế, để thuyết phục khách hàng lựa chọn giải pháp của Novaon, trước tiên, bản thân doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.
“Anh không thể thuyết phục người khác, khi mà chính doanh nghiệp của anh không chuyển đổi số thành công”, ông Quý quả quyết.
Khát vọng hệ sinh thái số
Chuyển đổi số là mảng thứ 3 “made by Novaon”, cùng với các nền tảng tiếp thị trực tuyến và nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, dịch vụ tiếp thị trực tuyến thông qua hình thức là đối tác của Google, Facebook… vẫn là mảng cốt lõi, chiếm 50% nguồn thu của Novaon.
Những nền tảng này giúp các doanh nghiệp có thể quản lý tập trung doanh thu, số lượng đơn hàng hay chi phí tiếp thị khi kinh doanh trên nhiều công cụ quảng cáo trực tuyến, website bán hàng thương mại điện tử khác nhau.
Cả 3 nền tảng nói trên được đội ngũ Novaon nghiên cứu và phát triển từ năm 2016, thời điểm Công ty đã có 10 năm hoạt động theo mô hình đối tác cao cấp của các doanh nghiệp quảng cáo lớn trên thế giới như Google, Facebook, Alibaba… và đạt mức tăng trưởng mà nhiều doanh nghiệp cùng ngành mơ ước, khi nằm trong top 5 thị phần ở Thái Lan, Singapore, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Quyết định chuyển hướng của vị thuyền trưởng Novaon lúc bấy giờ có phần mạo hiểm và nhận về không ít ý kiến nghi ngại, vì đầu tư sản phẩm công nghệ là bài toán đường dài, đi kèm nhiều rủi ro. Nhưng, những ai đã từng gắn bó với ông Quý thì không quá ngạc nhiên với quyết định này, bởi họ đã từng chứng kiến ông chèo lái doanh nghiệp, nếm nhiều trái đắng với hơn 10 dự án khởi nghiệp…
Qua những lần va vấp, ông Quý càng hiểu rõ, xây dựng sản phẩm công nghệ đã khó, nhưng để có được sản phẩm công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Lựa chọn định hướng phát triển ra khu vực, ông Quý lý giải, vì thị trường Việt Nam cần có thời gian để phát triển. Hơn nữa, Novaon phải mở rộng kinh doanh từ các thị trường trong khu vực để tạo nền tảng vững vàng ở trong nước trước sự gia nhập của các doanh nghiệp ngoại.
Đặc biệt, việc mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á càng thúc đẩy quyết tâm tạo sản phẩm riêng của ông Quý, vì ở “xứ người”, Novaon cũng là đối tác cao cấp của Google, Facebook như bao doanh nghiệp địa phương khác, không có nhiều lợi thế khác biệt.
Để phát triển sản phẩm công nghệ riêng vươn tầm khu vực, ngay từ đầu, ông Quý đã xác định, việc xây dựng kiến trúc hệ thống, nền tảng, tiêu chuẩn của sản phẩm phải được lựa chọn và tính toán kỹ càng, chu đáo; đồng thời, phải gây dựng được một đội ngũ nhân sự tâm huyết có chung khát vọng và tầm nhìn.
Không nhiều người biết rằng, khát vọng tạo ra các sản phẩm công nghệ ở tầm khu vực để phục vụ đối tượng doanh nghiệp đã được ông Quý nuôi dưỡng từ khi còn là sinh viên Trường đại học Ngoại thương Hà Nội. Hành trình theo đuổi các mô hình kinh doanh trên Internet từ những ngày đầu ấy giúp ông hiểu rõ tầm quan trọng của sản phẩm công nghệ lõi trước sự thay đổi liên tục của môi trường này.
“Nếu không có sản phẩm công nghệ của riêng mình, chúng tôi không thể làm chủ tương lai”, Chủ tịch Novaon khẳng định.
Trước khi Covid-19 bùng phát, các sản phẩm công nghệ là nền tảng quảng cáo trực tuyến và thương mại điện tử của Novaon đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu hai chữ số hằng quý và lợi nhuận gộp tốt hơn nhiều hơn so với dịch vụ cốt lõi là tiếp thị trực tuyến.
Điều này đã chứng minh, lựa chọn chiến lược của ông Quý cho giai đoạn đầu đã phát huy tác dụng, tạo cơ sở để Novaon bước đi mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, khi xác định mảng công nghệ giữ vai trò chủ lực, trong đó, sản phẩm công nghệ mang thương hiệu riêng sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng và khẳng định vị thế của Novaon trên thị trường.
“Sau thời gian đi cùng những người khổng lồ, trong 5 năm tới, Novaon khát vọng kiến tạo một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ số giúp doanh nghiệp Việt Nam cũng như Đông Nam Á tăng trưởng và vận hành hiệu quả hơn”, ông Quý chia sẻ.
Sau ít phút buồn, để cân bằng lại, tôi sẽ dành nhiều ngày liền để suy ngẫm về sự việc để tìm ra bài học. Thất bại là một phần của “cuộc chơi”. Điều quan trọng là ta học được gì sau mỗi lần vấp ngã.
Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, sự kiện nào khiến ông cảm thấy được khích lệ nhất?
Đó là tư tưởng về sản phẩm công nghệ “Make in Việt Nam” của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Theo đó, các công ty công nghệ Việt Nam cần tự đặt cho mình sứ mệnh lớn hơn và khó khăn hơn, góp phần thay đổi cục diện của đất nước.
Những cuốn sách nào ông đặc biệt yêu thích và hay giới thiệu với bạn bè?
“Từ tốt tới vĩ đại” của Jim Collins và “Phương thức Amazon” của John Rossman