Doanh nhân
Doanh nhân Nguyễn Quang Huy: Câu chuyện thổ cẩm Việt Nam trên tà áo dài truyền thống
Viễn Nguyệt - 01/10/2023 09:54
Đau đáu với khát vọng lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trên tà áo dài Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Quang Huy đã lặn lội tìm kiếm những họa tiết thổ cẩm trên khắp các vùng, miền đất nước để đưa vào thiết kế của mình.
Doanh nhân Nguyễn Quang Huy, sáng lập thương hiệu Qhmode.

1.

Đến với ngành thiết kế thời trang hoàn toàn tình cờ, nhưng Nguyễn Quang Huy đã ghi những dấu ấn đậm nét của mình qua hàng loạt giải thưởng ngay sau khi vừa ra trường, như Chung kết Vietnam Collection 2001, Giải Nhất Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix 2004, Danh hiệu Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM năm 2005…

Không đơn thuần là thời trang trình diễn, điểm khác biệt trong thiết kế của Huy là tính ứng dụng cao, phù hợp xu hướng hiện đại, có thể sử dụng ngay sau khi bộ sưu tập vừa ra mắt. Chia sẻ điều này, nhà thiết kế trẻ giãi bày, do từ nhỏ đã đam mê kiến trúc, hội họa, nên những tác phẩm đều mang hơi hướng “thực dụng”…

Huy là sinh viên khóa đầu tiên Khoa Thiết kế thời trang (Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội).

Ngành học mới mẻ đó đã nhanh chóng cuốn hút Huy. Anh thỏa sức để trí tưởng tượng bay bổng trong những thiết kế đầu tay. 

Thiết kế mới lạ của anh được công chúng đón nhận với sự thích thú đáng ngạc nhiên. Quang Huy “nổi” đến mức, cửa hiệu thời trang của anh dù mới mở, song đã thu hút rất nhiều ca sỹ, nhóm nhạc đang nổi trên thị trường âm nhạc tìm đến đặt những bộ trang phục biểu diễn thiết kế riêng theo yêu cầu...

Dù “làm không hết việc”, “tiền không phải nghĩ”, nhưng Huy nhận thấy, công việc của người “làm theo đặt hàng” vô hình trung đẩy anh ngày càng xa khỏi môi trường của người làm thiết kế, bởi làm theo yêu cầu của khách đồng nghĩa với không cần ý tưởng sáng tạo.

Một ngày nọ, sau khi giao bộ thời trang biểu diễn cho khách, Huy bất chợt nhìn lên tường, nơi treo những tấm mặt nạ tuồng - bộ thiết kế thời sinh viên đã được chọn đi trình diễn, giao lưu các trường có Khoa Thiết kế - anh chợt bừng tỉnh. Huy nhớ lại quãng thời gian làm bộ thiết kế này với nhiệt huyết hừng hực, không quản xa xôi để tìm đến những nơi được xem là “cái nôi” của nghệ thuật tuồng để tìm tòi, nghiên cứu về chủ đề, sắc thái của từng tuyến nhân vật. Bộ mặt nạ đã thu hút sự quan tâm lớn của làng thiết kế thời trang lúc đó và mang lại cho anh danh hiệu tuổi trẻ sáng tạo đầy tự hào.

Huy nhớ đến câu nói của người thầy khả kính Kansai Yamamoto, đại ý là, nhà thiết kế nếu chỉ làm theo ý tưởng của người khác hoặc chạy đua theo trào lưu thì sẽ không bao giờ tạo dựng được phong cách riêng cho mình.

Huy quyết định đóng cửa hiệu thời trang và “Nam tiến”. Anh gọi đó là “chính thức bước chân vào ngưỡng cửa nghề”.

Bước vào “tâm điểm thời trang của cả nước”, bước khởi đầu của Huy chẳng mấy dễ dàng. Anh chấp nhận làm việc tại công ty thời trang nhỏ, làm các công đoạn của người thợ may bình thường, thu nhập chỉ tạm đủ để sống một cách tằn tiện ở một thành phố nổi tiếng là đắt đỏ. Thế rồi, anh từng bước tiếp cận những gương mặt lớn trong làng thời trang Việt, như Legafashion, Legamex.

Bước vào môi trường toàn những thương hiệu thời trang lớn là áp lực khá căng thẳng, nhất là trong công ty có nhiều người đoạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế toàn quốc và quốc tế, nhưng Huy luôn thầm nhủ, phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Được làm việc bên cạnh bậc thầy thiết kế, anh vỡ vạc ra nhiều điều.

Và rồi, “thần may mắn” mỉm cười với Huy, khi bà chủ Lega Fashion, nhà thiết kế Minh Hạnh - một gương mặt nổi tiếng trong làng thời trang Việt, trong một lần đến kiểm tra xưởng thiết kế đã chú ý đến ý tưởng thời trang phá cách khá táo bạo của chàng thanh niên Bắc kỳ trẻ tuổi. Huy bắt đầu được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà chủ.

Quan điểm sáng tạo của nhà thiết kế Minh Hạnh đã có sức ảnh hưởng rất lớn với Huy. “Tôi nhớ như in lời nói của chị, đó là phải thoáng trong cách nghĩ, rộng trong tương tác với nhiều đối tượng tiêu dùng và điều quan trọng nhất là phải tuyệt đối thoải mái trong tư tưởng. Đối với người làm sáng tạo nói chung và sáng tạo thời trang nói riêng, sự gò bó là điều tối kỵ, bởi nó bóp nghẹt những ý tưởng khi chỉ vừa mới hình thành”.

Nhận thấy nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực thời trang rất lớn, trong khi đội ngũ giảng dạy rất thiếu, anh chủ động tiếp cận các cơ sở đào tạo thời trang như Hội Mỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Hồng Bàng, Trường cao đẳng Đồng Nai… đề xuất phương án hợp tác đào tạo, rồi song song với công việc ở công ty, anh trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học viên.

 “Khi tiếp xúc với sinh viên, bản thân mình không những nắm được xu hướng của giới trẻ, mà còn giúp mình nhận biết những thiếu sót để từ đó cập nhật, hoàn thiện mình hơn. Giảng dạy cũng chính là môi trường để biến các ý tưởng thành hiện thực”, anh chia sẻ.

2.

Năm 2005, tại một lễ hội thời trang quy mô lớn tổ chức tại TP.HCM, quy tụ nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trong nước và quốc tế, nhà thiết kế Quang Huy gây ấn tượng đặc biệt với bộ sưu tập áo dài đầu tiên. Cơ duyên đến với Huy như một sự sắp đặt bởi vừa mới năm trước đó, anh đoạt giải Nhất Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix 2004 với thiết kế áo dài móc sợi thủ công, mới lạ và hoàn toàn khác biệt với các nhà thiết kế khác bởi sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; bởi sự biến hóa đầy tinh tế giữa phong cách trang nhã, thanh lịch trên chất liệu vô cùng cầu kỳ, tỷ mỷ, tạo nên một phong cách thực sự ấn tượng đối với các nhà chuyên môn và công chúng.

Chưa hết, bộ sưu tập áo dài đầu tay của Quang Huy được chọn lên bìa Tạp chí Mốt số Tết 2006 với sự trình diễn của 2 ngôi sao nổi nhất là Mỹ Tâm và Thanh Thúy.

Từ thành công đó, Nguyễn Quang Huy sáng lập thương hiệu Qhmode để phát triển thiết kế của mình. Bắt đầu từ thời điểm này, rất nhiều bộ sưu tập áo dài mang thương hiệu

Qhmode đã xuất hiện tại nhiều sự kiện lớn như Lễ hội áo dài - Hành trình di sản Hội An Mỹ Sơn (năm 2005); Chương trình Hà Nội Viên Ngọc tỏa sáng (đêm giao thừa năm 2008) tại cầu Thê Húc; Kỷ niệm 30 năm Giải phóng Sài Gòn (năm 2015); Festival Áo dài Hà Nội lần đầu tiên tại Hoàng thành Thăng Long (năm 2016); Chương trình “Nước Nga trong tà áo dài Việt Nam”, trình diễn bộ sưu tập áo dài tại Festival biển Nha Trang (2019); lễ phục cho Hội nghị Bộ trưởng Giao thông - Vận tải các nước ASEAN lần thứ 25 (2019); các chương trình Festival Huế từ năm 2008 đến nay…

Cùng với áo dài, nhiều sản phẩm của nhà thiết kế Quang Huy thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Điểm nhấn phải kể đến năm 2019, Huy tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhấtm tổ chức tại Đắk Nông với vai trò là người thiết kế mẫu sản phẩm. Dựa trên họa tiết thổ cẩm của người Mơ Nông, anh biến tấu để có thể dệt trên vải thông thường. Sáng kiến hiện thực hóa thành công với những chiếc khăn dệt được địa phương dùng làm quà tặng trong các sự kiện tại “sân nhà” cũng như các chương trình xúc tiến thương mại của Đắk Nông tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Từ thành công đó, những bộ áo dài, bộ thời trang trình diễn dựa trên trang phục người Mơ Nông, Tây Nguyên do Quang Huy thiết kế được đón nhận và đánh giá cao.

“Từ những sáng tạo dựa trên thủ công truyền thống tôi làm từ năm 2004, đến năm 2019, tôi mới định hình một hướng đi theo “kim chỉ nam” là văn hóa dân tộc. Đây là giá trị cốt lõi và chủ đề tôi quyết tâm theo đuổi là viết lên câu chuyện của thổ cẩm Việt Nam”, anh bày tỏ.

Chương trình văn hóa thổ cẩm Tây Bắc với thổ cẩm của dân tộc Xa Phó được Huy triển khai sau đó. Anh sử dụng họa tiết thổ cẩm của người Xa Phó để đưa vào bộ sưu tập mới. “Rất ít người biết đến dân tộc Xa Phó, nhưng khi biết rồi thì sẽ bị cuốn hút bởi văn hóa của họ. Họa tiết thổ cẩm Xa Phó cực kỳ hiện đại về màu sắc, được kết hợp 3 màu đỏ, đen, trắng. Hạt ý dĩ nhìn rất giống với hạt cườm, được họ trang trí trên áo. Đó là cái đặc trưng nhất mà tôi đưa vào thiết kế. Bộ sưu tập thổ cẩm Xa Phó trên áo dài đã trình diễn trong dịp kỷ niệm Sapa lên thị xã, rồi chương trình Tinh hoa Tây Bắc...”, Huy cho hay.

Đến nay, Nguyễn Quang Huy đã đưa thổ cẩm của 15 dân tộc lên thiết kế áo dài của mình, trong đó có các dân tộc Tày, Nùng, Dáy, Mông, Dao, Lô Lô…

Cũng với thổ cẩm, Huy có ý tưởng tạo tác một bức tranh thổ cẩm lớn nhất Việt Nam, bao gồm 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc là một mảnh ghép và nghệ nhân của mỗi dân tộc sẽ thực hiện “mảnh ghép” của chính họ. Rất tiếc, Covid-19 khiến kế hoạch không thể triển khai theo dự định.

Tin liên quan
Tin khác