Giải mã ẩn số Trung Nam
Chiều cuối năm 2016, theo chân vị Tổng giám đốc Trungnam Group ra công trình thi công giai đoạn I, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, cứ nghĩ ông ra chỉ đạo rồi về văn phòng, hóa ra, ông đã chuyển hẳn tới công trường, làm việc, ăn ngủ nghỉ tại công trường cùng với anh em công nhân.
Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng. Nhưng ông Tiến nói, Công ty đang đặt mục tiêu hoàn thành trong vòng 24 tháng. Ông nói, sẽ phải bám sát công trình đến ngày hoàn thành. Tới nay, dự án đã xong được khoảng 20% khối lượng công việc.
Doanh nhân Nguyễn Tâm Tiến (thứ hai từ phải sang) đưa đoàn lãnh đạo TP.HCM thị sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. |
Nói chuyện với anh em công nhân mới biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Tiến ăn ngủ cùng họ, cũng không phải lần đầu họ và Ban lãnh đạo Công ty cùng chung quyết tâm về đích sớm so với tiến độ. Thậm chí, anh em công nhân còn nói, vượt tiến độ là thương hiệu của Trung Nam, nên họ luôn sẵn sàng với các kế hoạch mà ban lãnh đạo đưa ra.
Có lẽ vậy mà Trung Nam đã vượt qua nhiều thách thức trong những bước đầu phát triển. Năm 2007, Trungnam Group triển khai thực hiện Dự án Thủy điện Đồng Nai 2. Vượt qua bao khó khăn, dự án đã hoàn thành và phát điện trong năm 2014. Cũng chính từ dự án này, Trung Nam trở thành ẩn số mới mà giới xây dựng để mắt.
Năm 2008, Trung Nam quyết định đầu tư các dự án lớn. Mở đầu là Dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley, có vốn đầu tư 150 triệu USD, diện tích sử dụng gần 20 ha. Năm 2010, Trung Nam đầu tư Dự án Thủy điện Krông Nô 2&3, tổng mức đầu tư trên 2.017 tỷ đồng, tại Đắc Lắc và Lâm Đồng.
Một năm sau, Công ty ghi tên mình làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái Golden Hills tại phía nam đèo Hải Vân và phía Bắc TP. Đà Nẵng. Tiếp theo đó là Dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài - giai đoạn I có vốn đầu tư 238 tỷ đồng tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng…
Hai năm sau, Trung Nam trở thành cái tên quen thuộc, được nhắc đến trong hàng loạt dự án lớn, mở đầu là Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã Ba Huế, có tổng mức đầu tư 2.689 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 18 tháng từ ngày 28/9/2013 đến 29/3/2015.
Kế đến là Dự án di dời đường dây 100 KW quanh khu vực Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam tại huyện Tuyện Bình, tỉnh Ninh Thuận với quy mô 90MW, tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng.
Sau khi khởi công Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”, Trungnam Group cũng đã nhanh chóng khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận với quy mô 90 MW, tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng.
Sự phát triển mạnh mẽ này của Trung Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp và người dân tò mò, thậm chí nhiều người đã đặt dấu hỏi lớn đối với khả năng của Công ty và uy tín ở các công trình mà Công ty đã thực hiện.
Ông Tiến cười và lý giải rằng: Công ty nhận được việc làm thực chứ không phải quảng bá. Trong ngành xây dựng, đối tác đánh giá chất lượng doanh nghiệp dựa vào các công trình thi công, chứ không phải những cái tên xuất hiện khắp các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Không ai sống bằng hào nhoáng bên ngoài, doanh nghiệp lại càng không. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư lên hàng ưu tiên, luôn ở tâm thế phải có câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để xây dựng một tương lai cho bản thân cũng như những thành viên từ công nhân tới nhân viên, cổ đông và xã hội? Đó là bài học thành công của chúng tôi !”, ông Tiến nói.
Dấu ấn Trungnam Group
Ông Tiến cho biết, Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I) sẽ là dấu án phát triển của Công ty trong năm 2017 và thời gian tới. Bởi, đây là dự án có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Trước đây, TP.HCM kêu gọi nhà đầu tư, nhưng khó tìm ra do vốn thực hiện quá lớn. Nhưng, ông Tiến tin rằng, đây lại là cơ hội của Trung Nam.
“Trong giai đoạn đầu, chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng vốn tự có để triển khai xây dựng 6 cống lớn, 2 cống nhỏ và gần 8 km đê kè cùng 25 cống nhỏ dưới đê kè. Để thực hiện được dự án, chúng tôi đã nghiên cứu phương án thực hiện hơn 1 năm, mời 4 đơn vị thiết kế nổi tiếng trong ngành thủy lợi của TP.HCM tham gia tính toán và thiết kế để thực hiện dự án”, ông Tiến kể lại.
Chính vì vậy, 5 tháng đầu trôi qua, Công ty đã xây dựng được 20% khối lượng công việc và quyết tâm rút ngắn thời gian thi công xuống 24 tháng. Khó khăn nhất của dự án là có những hạng mục lớn, doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm thi công, quản lý. Để làm được, Trung Nam phải áp dụng công nghệ tự động để điều khiển từ một trung tâm, đảm bảo được yêu cầu quản lý.
Ông Tiến cho hay, Trungnam Group đã sử dụng công nghệ móng cọc ống thép dạng giếng để thực hiện công trình lớn nhất của dự án - cống kiểm soát triều Mương Chuối. Công nghệ này tuy đã xuất hiện và áp dụng tại Dự án cầu Nhật Tân, Hà Nội, nhưng vẫn còn do người Nhật Bản trực tiếp thực hiện, trong khi, tại Dự án Giải quyết ngập, công nghệ sẽ do chính các kỹ sư Trung Nam thực hiện.
Một công nghệ khác được áp dụng chính là lắp đặt van cống chiều rộng 40 m, trọng lượng hơn 300 tấn. Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên công nghệ được áp dụng thực hiện. “Chúng tôi tự làm, nhưng thuê đơn vị nước ngoài đến thẩm định chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Cho dù, đây là lần đầu tiên một van cống lớn như vậy được xây dựng, nhưng với kinh nghiệm từ các công trình thủy điện có cửa van và hệ thống cống, chúng tôi tự tin với dự án”, ông Tiến nói.
Đặc biệt, Trungnam Group đang sở hữu một số quỹ đất tại TP.HCM, nhờ vào việc thực hiện các dự án theo hình thức BT, vì vậy, kế hoạch phát triển bất động sản tại TP.HCM cũng đã xuất hiện xuất hiện trong tầm nhìn của Công ty trong những năm tới.
Về thế mạnh trong lĩnh vực thủy điện, với 3 nhà máy đã được vận hành. Trong năm 2017, Trung Nam sẽ chạy thử và phát điện Nhà máy Điện gió Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận, đồng thời nghiên cứu phát triển Dự án Điện mặt trời tại này.
Việc Trung Nam hướng đến phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời được Tổng giám đốc Nguyễn Tâm Tiến lý giải là vì hiện có ít doanh nghiệp thực hiện hoặc đầu tư vào, chủ yếu là do giá mua điện chưa hợp lý, hoặc khấu hao từ máy móc cao…, nên nếu tối ưu hóa và khai thác đúng thì nhà đầu tư vẫn được lợi sau khi dự án triển khai.
Mục tiêu 3 tỷ USD
Ngồi lại công trình Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, ông Tâm Tiến kể nhiều về những ngày đầu Công ty được thành lập. Ông cho hay, tình keo sơn suốt 20 năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục gắn kết trong nhiều chục năm tới của những người bạn cùng chí hướng, đã đưa Trung Nam được như ngày hôm nay.
“Mỗi công ty, khi thành lập, đều có vô vàn khó khăn, Trungnam Group cũng vậy. Để vượt qua, chúng tôi đặt mục tiêu là mỗi viên gạch xây dựng nền móng, mỗi đồng vốn đón dòng thời cơ, tất cả đều quán triệt và tuân thủ định hướng “đầu tư bền vững - xây dựng tương lai”, ông Tiến cho biết.
Để có thể quản lý và phát triển các hạng mục, cũng như phát triển các công ty thành viên được đồng đều, Trungnam Group đã áp dụng biện pháp phân quyền, xây dựng hệ thống quản lý từ chính các công ty thành viên. Còn Trungnam Group thì xây dựng và quản lý chung về cơ chế, hỗ trợ các công ty thành viên vận hành.
“Trungnam Group đang phấn đấu đạt mục tiêu tới năm 2020 trở thành một tập đoàn đầu tư lớn mạnh về tài chính và nhân lực với tổng tài sản đạt 3 tỷ USD”, ông Tiến cho biết thêm.
Có thể Trungnam Group cũng sẽ vượt hạn định này của chính mình.