Doanh nhân Nguyễn Thanh Tuấn. |
Thực tiễn nhức mắt
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần CEKS Tư vấn đầu tư thương mại luôn cám cảnh với sự ẩm mốc, lụp sụp và đổ nát của những công trình nhà công vụ, văn phòng của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để không, gây mất mỹ quan đô thị mà không đem lại nguồn thu cho Nhà nước.
Đáng nói là, tồn tại một nghịch lý: trong khi nhiều diện tích đất công, văn phòng của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước bị bỏ phí, hoặc cho thuê dấm dúi kiểu có thể nay là cửa hàng, ki-ốt, nhưng mai lại đóng cửa để không, thì các start-up đang cần được hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ thuê văn phòng, trụ sở hoạt động để có thể tồn tại và ổn định.
Thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước đang cho thuê đất, văn phòng theo kiểu “không đúng, nhưng cũng chẳng sai” vì bản thân họ không có chức năng kinh doanh bất động sản. Theo quy định, đơn vị muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải có vốn điều lệ trên 20 tỷ đồng và đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề, môi giới, định giá.
Sự chuyên nghiệp của người làm nghề kiến trúc, xây dựng khiến ông Tuấn thấy “nhức mắt” và dấn thân giải quyết nghịch lý trên. “Phi vụ” đầu tiên của ông là đầu tư sửa sang một tòa nhà để không với tổng diện tích 2.200 m2 của một đơn vị đào tạo công lập tại Hà Nội. Thực tế, đơn vị này đã được đầu tư xây dựng một cơ sở mới và đang trong quá trình đợi để bàn giao tòa nhà bỏ hoang này.
Nhờ giá thuê thấp, ông Tuấn bỏ chi phí sửa sang, lắp đặt điện nước và đứng ra cho 40 doanh nghiệp thuê làm văn phòng hoạt động với giá “không tưởng” - chỉ 2,7 triệu đồng/tháng/25m2, trong khi giá thị trường lên tới 10 triệu đồng. “Từ thương vụ này, tôi nhận ra, hóa ra dư địa để triển khai mô hình này trên thị trường còn rất lớn”, ông Tuấn cho biết.
Tính toán sơ bộ của ông Tuấn cho thấy, có đến 26.000 m2 đất và văn phòng để không từ 800 khu vực, dự án của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Những khu đất, văn phòng để không này hoàn toàn có thể trở thành những tài sản hữu ích hơn cho Nhà nước, cho xã hội.
Chiếc lồng ấp khởi nghiệp
Thực tế cho thấy, tỷ lệ “chết yểu” của các start-up ở Việt Nam rất cao. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chi phí hoạt động và chi phí thuê văn phòng cùng các dịch vụ đi kèm quá sức với nhiều start-up.
Thời điểm này, ông Tuấn đã biến ấp ủ lâu nay về việc đáp ứng nhu cầu thuê văn phòng giá rẻ của start-up và giải bài toán hợp lý hóa cho thuê đất, văn phòng của cơ quan, đơn vị nhà nước thành Dự án Văn phòng Khởi nghiệp Việt Nam. Năm 2018, Công ty TNHH Xã hội Văn phòng Khởi nghiệp Việt Nam được thành lập, với sứ mệnh là tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển không gian văn phòng và các chương trình hỗ trợ start-up.
Gọi là phi lợi nhuận, nhưng Công ty không thể hoạt động mà không có lợi nhuận, mà bản chất là sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được sẽ dùng để tái đầu tư, tiếp tục mang lại giá trị cho cộng đồng start-up. Công ty sẽ vận động các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cho thuê lại đất và văn phòng đang để không, rồi cải tạo thành nơi làm việc, trụ sở cho các start-up. Các start-up sử dụng dịch vụ văn phòng giá rẻ của Công ty được ký hợp đồng thuê và có hóa đơn rõ ràng (miễn thuế VAT), được tính vào chi phí trong báo cáo thuế.
Đây là mô hình đặc chất “doanh nghiệp xã hội”, giống như “chiếc lồng ấp khởi nghiệp” có thể hỗ trợ các start-up mới khai sinh. Sau tối đa 24 tháng (mốc thời gian để doanh nghiệp có thể ổn định hoạt động, thậm chí chỉ 6 hay 9 tháng) được thụ hưởng dịch vụ giá rẻ, các start-up được khuyến khích rời đi và nhường chỗ cho các start-up cần được hỗ trợ hơn.
“Trong trường hợp muốn tiếp tục kéo dài thời gian thuê, họ phải chấp nhận giá thuê thương mại. Nếu còn nợ tiền thuê văn phòng, thì các start-up được phép trả nợ dần khi chuyển ra ngoài hoạt động”, ông Tuấn nói.
Không ngại trở thành nhà “vận động hành lang”
Ngoài việc hỗ trợ các start-up về văn phòng, Công ty TNHH Xã hội văn phòng khởi nghiệp Việt Nam cũng hướng đến vận động Nhà nước miễn thuế thu nhập cho start-up trong vòng 3 - 5 năm đầu hoạt động trong khu văn phòng do Công ty cung cấp. Việc lựa chọn các start-up đủ điều kiện được miễn thuế thu nhập do Công ty trực tiếp thẩm định, đánh giá và giám sát thực hiện hàng quý.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ kêu gọi các quỹ hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cải tạo đất và văn phòng bỏ không để cho thuê, hay gọi vốn từ các chương trình hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tiếp cận chính sách của Nhà nước cho các start-up.
Xem ra, Dự án Văn phòng Khởi nghiệp Việt Nam khá “đụng chạm”, vì việc vận động chính sách, kêu gọi hỗ trợ không hề đơn giản. Nhưng việc mô hình này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoan nghênh trở thành động lực lớn để ông Tuấn tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong năm 2020.
“Bản chất của việc vận động hành lang (lobby) không hề xấu, ở Mỹ, người ta coi đó là một nghề như bao nghề và có trên 200.000 nhà vận động (lobbist) hoạt động và sống bằng nghề này”, ông Tuấn nói.
Để không trở thành vụ “Vũ nhôm” thứ hai, Dự án Văn phòng Khởi nghiệp Việt Nam đảm bảo hoạt động phi lợi nhuận, chứ không mua bán, giao dịch đất và tài sản công bất hợp pháp. “Không thể có chuyện tham nhũng ở đây”, ông Tuấn khẳng định.
Một đất nước phát triển như Hàn Quốc vẫn liên tục hỗ trợ và cải thiện các yếu tố đầu vào để tạo điều kiện cho các start-up phát triển, thậm chí, chính phủ nước này còn mạnh tay chi hàng chục tỷ USD để hỗ trợ khởi nghiệp. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gỡ bỏ cả ngàn điều luật và hàng tấn giấy tờ để cởi trói cho các start-up và đầu tư thêm cho start-up bằng nguồn vận động xã hội hóa.
Việt Nam chưa có nguồn lực mạnh để hỗ trợ start-up, nhưng với mô hình nhỏ trên, ông Tuấn hy vọng, các doanh nghiệp khác có thể “copy” và nhân rộng trên thực tế để làm lợi cho xã hội, cho cộng đồng start-up. “Khởi nghiệp cũng giống như gieo trồng, nếu gieo trên nền bê tông thì vứt, còn gieo trên đất tơi xốp, hạt sẽ nảy mầm tươi tốt, ông Tuấn chiêm nghiệm.
Chưa dám chắc có thể thu lời từ mô hình Dự án Văn phòng Khởi nghiệp Việt Nam, nhưng doanh nhân 8X, người từng lăn lộn khởi nghiệp coi đó là khát vọng lớn của bản thân, là điều đáng làm và dành nhiều tâm huyết với hy vọng làm điều có ích cho cộng đồng start-up.