Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất dệt may Bình Anh được tôn vinh năm 2019, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. |
“Ngã rẽ” định mệnh
Thành lập năm 2001, với bước đột phá về công nghệ, Công ty TNHH Sản xuất dệt may Bình Anh đã trở thành một trong những nhà sản xuất khăn bông cao cấp hàng đầu của Việt Nam. Xác định thương hiệu là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Oanh đã tập trung vào vấn đề cốt lõi là chất lượng sản phẩm. Hơn 20 năm hoạt động, sản phẩm khăn bông mang thương hiệu Bình Anh không những được người tiêu dùng trong nước tin cậy, mà còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính…
“Trái ngọt không bao giờ tự dưng đến, mà là thành quả của chuỗi ngày nỗ lực, bền bỉ gieo trồng, vun xới mới có ngày gặt hái”, bà Oanh nhắc lại câu nói mà mình rất tâm đắc và nhập tâm từ khi nào chẳng rõ. Cách nói chuyện sâu sắc và đầy quyết đoán của bà toát lên sự từng trải của người nhiều năm lăn lộn chốn thương trường.
- Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Oanh
Bà sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, mẹ buôn bán ở phố cổ nổi tiếng sầm uất Hà thành, còn bố tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, sau trở về với tỷ lệ thương tật khá nặng. Tốt nghiệp trung học loại khá, bà học ngành sư phạm ngoại ngữ tiếng Nga ở Liên Xô (cũ) theo diện được hưởng chính sách ưu tiên dành cho gia đình có công với cách mạng.
Bà Oanh vẫn nhớ như in tâm trạng tự hào, vui sướng tột cùng bởi “vinh dự lắm mới được chọn đi du học nước ngoài” và “giàu đi Đức, kiến thức đi Nga”. Thời điểm những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, được xuất ngoại là một cái gì đó hãnh diện lắm, dù có là “đại gia” thế nào đi chăng nữa thì cũng không phải muốn đi là được…
“Mọi thứ đến rất tự nhiên cứ như thể có bàn tay vô hình nào đó sắp đặt. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ được đi nước ngoài, bố mẹ cũng chỉ nói ‘tùy con quyết định’. Thế nên, tôi cứ vậy lên đường mà không suy nghĩ gì nhiều”, bà kể.
Đặt chân đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, cách xa trung tâm Thủ đô Matxcơva tận 24h tàu hỏa, điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, không hề có đồng hương, đồ ăn không hợp, cô nữ sinh Hà thành bị sụt tới 10 kg chỉ trong 2 tuần đầu… Những đêm nằm nhìn tuyết phủ trắng xóa qua cửa kính, cảm giác nhớ nhà da diết, những kỷ niệm bên con phố cũ lại ùa về khiến hai hàng nước mắt bất chợt tuôn trào…
Thế nhưng, bằng sự cố gắng hết sức, cô nữ sinh ấy đã thích nghi và hòa nhập với vùng đất, văn hóa mới, chú tâm vào học tập với khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ. Song những biến động chính trị khiến Liên Xô bị xáo trộn rất mạnh, ngôn ngữ Nga không còn thích hợp với xu thế và là một trở ngại lớn cho những ai học tiếng Nga khi quay trở về nước tìm việc.
Chán nản vì đặt nhiều kỳ vọng vào ngành học yêu thích mà chẳng biết “dùng vào việc gì”, nhưng bà tự động viên rằng, ngoại ngữ là cửa sổ nhìn ra thế giới, biết thêm một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ là thế giới quan thêm rộng mở. Rời nước Nga, bà quyết định sang Trung Quốc học tiếng Trung và “ngã rẽ” này như một định mệnh…
Chữ “duyên” đưa lối
Những năm 1996 -1997, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cực kỳ sôi động. “Bắt nhịp” với guồng quay đó, bà Oanh trở thành một phiên dịch viên năng động trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, rồi làm đại diện cho một hãng lớn chuyên về máy móc, thiết bị, công nghệ dệt may của Trung Quốc.
Tại Triển lãm quốc tế Công nghệ dệt được tổ chức tại Hà Nội năm 2006, những người dân làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Tây cũ) lần đầu tiên được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” vào những chiếc máy dệt “siêu khủng” mà họ chỉ “gặp trong mơ”. “Làng có khoảng 5.000 máy dệt đạp chân, nếu ‘cơ giới hóa’ được 10% thôi thì tình hình sẽ khác”, một người dân nói với bà.
Thế rồi, thông qua bà Oanh, những chiếc máy dệt hiện đại đầu tiên được đưa về làng, mở ra một thời kỳ mới với làng nghề dệt nổi tiếng cả nước này. Điều tuyệt vời hơn nữa là tỷ lệ “cơ giới hóa” vượt xa con số 10% mơ ước của dân làng.
Công ty TNHH Sản xuất dệt may Bình Anh luôn sát cánh với làng nghề Phùng Xá trong quãng thời gian đó. Nhiều năm trôi qua, nhưng với bà Oanh, kỷ niệm những ngày đầu khảo sát thực địa vẫn mới nguyên như thuở ban đầu. Lúc đó, vào làng phải đi qua sông trên một chiếc cầu phao bập bềnh nguy hiểm, đi ô tô phải vòng thêm một quãng đường xa mới vào được.
“Các chuyên gia đến làng lắp đặt máy móc và chuyển giao công nghệ. Tôi trực tiếp phụ trách và thông dịch cả một quá trình như thế, nên áp lực công việc rất lớn. Hơn nữa, theo yêu cầu của khách, phải đẩy nhanh tiến độ, nên có những hôm xong việc là 3 giờ sáng, vẫn phải chạy xe về Hà Nội để hôm sau kịp lịch làm việc đối tác...”, bà Oanh nhớ lại.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, người dân làng nghề đã làm chủ công nghệ. Không những thế, họ còn đề xuất những ý tưởng cải tiến quy trình sản xuất phù hợp hơn với trình độ của người dân, khiến các chuyên gia cũng bất ngờ và công nhận “đó là những phát hiện xác đáng” và đồng ý chỉnh sửa.
Từ khi có máy về, sức lao động được giải phóng rất nhiều, thay vì phải ngồi đạp bằng chân, nay người thợ chỉ cần bấm nút là máy sẽ chạy hoàn toàn tự động. Thế nhưng, không ỷ vào máy móc, người dân làm việc chăm hơn, công nghệ mới càng kích thích sự hăng say lao động ở họ.
Bà Oanh chia sẻ, những năm 2000, thị trường dệt may Việt Nam được rất nhiều hãng máy nước ngoài quan tâm, trong đó có nhiều hãng danh tiếng của châu Âu. Thế nhưng, thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam lại là các hãng máy Trung Quốc bởi giá máy rẻ hơn khoảng 5 lần, trong khi năng suất, chất lượng không có sự chênh lệch quá lớn. Hơn nữa, máy châu Âu tương đối phức tạp, đòi hỏi những người thực sự có trình độ mới có khả năng học và sử dụng được…
Mang lại hạnh phúc cho nhiều người
Không chỉ được biết đến là người góp phần thay đổi diện mạo ngành dệt, doanh nhân Nguyễn Thị Kim Oanh còn thường mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác với tâm niệm “hạnh phúc lớn nhất là mang lại hạnh phúc cho mọi người”.
Mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện về nữ doanh nhân này khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng. Đó là từ Việt Nam, bằng sự trợ giúp ngôn ngữ, bà Oanh đã thông tin kịp thời tới các cơ quan y tế ở tận Los Angeles (California, Mỹ) để đưa một trường hợp sống trong khu người Hoa nhưng không biết tiếng tới bệnh viện cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng.
Còn nhiều câu chuyện khác nữa về sự trợ giúp ngôn ngữ qua điện thoại mà bà Oanh không thể nhớ hết được. “Thời gian mới sang Nga, tôi gặp nhiều tình huống dở khóc, dở cười vì chưa biết tiếng. Vì thế, tôi rất hiểu sự quý giá khi được trợ giúp về ngôn ngữ trong trường hợp cấp thiết và sẽ giúp hết sức có thể trong khả năng của mình”, bà Oanh bộc bạch.
Nhớ lại thời gian sản xuất ở Phùng Xá, Công ty TNHH Sản xuất dệt may Bình Anh là đơn vị duy nhất đóng bảo hiểm cho nhân viên 100%. Có trường hợp thai sản được hưởng chế độ bảo hiểm gần 30 triệu đồng còn ngỡ ngàng bởi “đây là điều chưa xảy ra”…
Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Oanh luôn nặng lòng với công tác xã hội, nhất là những mảnh đời sau chiến tranh… Từ nhiều năm nay, bà thường xuyên tổ chức chương trình thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng khu vực phía Bắc vào những ngày lễ, tết.
Từng thấy sự đau đớn của bố vì vết thương chiến tranh hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nên bà Oanh rất hiểu và chia sẻ với những nỗi đau hậu chiến tranh. Ngày 27/7 hằng năm, bà đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các thương binh tại khu điều dưỡng Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ…
“‘Vì chiến tranh, vì đất nước, nếu như có lặp lại như vậy thì chúng tôi vẫn sẵn sàng’, câu nói của một Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Ninh Bình khiến tôi vô cùng cảm động và thầm nhủ sẽ làm hết sức có thể để tri ân những người có công với đất nước…”, bà Oanh bày tỏ.