Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng. |
Đôi mắt nhiều suy tư
Sau chừng 3 năm, chúng tôi mới có cơ hội ngồi lại với nhau, bên chén trà nóng, trong một ngày đông lạnh cận kề Tết. Lần gặp này, không khí cuộc trò chuyện khác đi nhiều, bởi anh đã có nhiều đổi thay. Anh của 3 năm trước đây đầy nhiệt huyết, hưng phấn với nhiều kỳ vọng. Anh của hôm nay, tuy vẫn còn đó những say mê cho các kế hoạch kinh doanh, nhưng có gì đó trầm lắng. Giọng nói nhẹ nhàng, đôi mắt nhiều suy tư… “Tại sức ép lớn quá”, anh đáp lại thắc mắc của tôi.
Từ tháng 3/2015, anh đã được điều từ Sài Gòn ra Hải Phòng tiếp quản vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng và Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VLC. Anh còn là Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn VLC, đồng thời là thành viên HĐQT của 7 công ty thành viên. Khối lượng công việc tăng lên theo cấp số nhân, rất bề bộn, phức tạp.
“Lúc này, sức ép đến với tôi không phải chỉ từ cái bóng quá lớn của cha - một Anh hùng lao động, là người đã đưa một công ty đang bên vực thẳm phá sản thành một trong những doanh nghiệp sản xuất sơn hàng đầu Việt Nam với bề dày lịch sử gần 60 năm. Sức ép cũng đến từ hơn 1.500 người lao động của cả Tập đoàn VLC, từ các cổ đông, các đối tác…”, anh nói.
Với cha anh, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VLC, Chủ tịch HĐQT Sơn Hải Phòng, quyết định điều động trên là sự rẽ ngang với anh, nhưng anh nghĩ rằng, đó là sự nghiệp đã được xác định ngay từ đầu. Anh đã đồng hành với Sơn Hải Phòng từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, bắt đầu công việc từ những vị trí thấp nhất. Ở đây, anh có rất nhiều người thầy, người sếp cũ.
Cô Hoàng Thị Thu, Giám đốc kỹ thuật của Sơn Hải Phòng là một trong những người như thế. Theo lời kể của cô, cứ dịp hè là anh về Công ty để phụ giúp việc trong Phòng Kỹ thuật. Bất kỳ việc nặng nhọc nào anh cũng từng làm, từ đổ sơn cho đến đảo nhựa Alkyd (nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất sơn).
Rồi khi Sơn Hải Phòng thành lập Phòng Thử nghiệm - là một trong những phòng thí nghiệm về sơn đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn GUIDE 25 - mang mã số VILAS 031 (từ tháng 5/1995), anh là một trong những thành viên đầu tiên. 25 năm lăn lộn với ngành sơn, bắt đầu công việc từ kỹ thuật, đến marketing, bán hàng… và cả quãng thời gian đi “xứ” tại TP.HCM, tất cả đã tôi rèn nơi anh bản lĩnh của người làm khoa học, người làm kinh doanh, làm ông chủ.
Làm chủ, nhưng anh rất gần người lao động, còn gần hơn cả Chủ tịch công đoàn, khi mà sau mỗi trận cầu lông cuối ngày, anh thường rủ anh em đi uống vài cốc bia hơi. Anh muốn hiểu họ nghĩ gì, cần gì, có như vậy mới thu phục được nhân tâm. Cũng chính bởi càng gần, càng gắn kết, thì chữ “tình” càng lớn, khiến sức ép và trách nhiệm trên vai người kế nhiệm càng nặng nề.
Không chỉ chèo lái con thuyền Sơn Hải Phòng vượt qua những cơn khủng khoảng của thị trường, anh còn phải góp sức đưa còn tàu lớn VLC đi đến những bến bờ thành công mới. Chặng đường dài đó, chắc chắn sẽ gặp nhiều gian nan. Và tôi hiểu sự trầm tư trong đôi mắt anh…
Triết lý kinh doanh “nước máy”
“Kinh nghiệm từ việc hợp tác với Chugoku Marine Paints (Nhật Bản), một trong 6 công ty sơn hàng đầu thế giới từ những năm đầu thập niên 90, cùng với những quan sát trên thương trường đã giúp tôi nhận ra, chiều sâu của sản phẩm mới là cái quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp sản xuất”, anh chia sẻ.
Chiều sâu mà anh nhắc tới là chất lượng, là những giá trị mà sản phẩm đem lại cho xã hội, cho người tiêu dùng và cho chính người lao động. Từ lẽ đó mà những sản phẩm như sơn chống hà không độc, sơn chống hà tự mài bóng không hợp chất cơ thiếc, sơn hàm rắn cao, sơn không chì, không crôm… đạt yêu cầu của Công ước quốc tế IMO về bảo vệ môi trường của sơn tàu biển mang thương hiệu Sơn Hải Phòng đã ra đời.
“Không thể chỉ phát triển 1 - 2 loại sơn chủ lực, cần phải đa dạng dòng sản phẩm, phải làm ra những loại sơn mà trước đây phải nhập khẩu, để giảm chi phí cho khách hàng. Điều này cũng là để đảm bảo hoạt động ổn định của Công ty trước những diễn biến phức tạp của thị trường”, anh chia sẻ.
Các loại sơn giao thông, sơn chống cháy, sơn tấm lợp, sơn công nghiệp… đã lần lượt ra đời từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) của Sơn Hải Phòng. Dù doanh thu từ sơn tàu biển, sơn chống hà giảm do ngành hàng hải trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng nhờ những loại sơn mới, doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng tốt. Sau năm 2018 tăng 15% so với năm 2017, Sơn Hải Phòng tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng 20% trong năm 2019, doanh thu đạt 600 tỷ đồng.
Bên cạnh tư cách là “người thuyền trưởng”, anh cũng đã đóng góp cho sự thành công đó bằng chính những nghiên cứu, sáng chế của mình. Nhiều đề tài như sản xuất sơn chống cháy hệ không dung môi, hệ nước thân thiện với môi trường; hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất sơn Alkyd dung môi nước có hàm lượng VOC (chất hữu cơ dễ bay hơi) thấp (cấp bộ); sơn Economy nhanh khô, độ bóng cao, giá thành hạ… đã được anh thực hiện thành công cùng với các cộng sự.
Lý do anh cải tiến và tạo ra các sản phẩm mới khiến tôi nhớ đến triết lý kinh doanh “nước máy” của Matsushita Konosuke - người sáng lập Tập đoàn Matsushita nổi tiếng của Nhật Bản với thương hiệu Panasonic. Triết lý này được hiểu rằng, sứ mệnh của doanh nghiệp là phải tạo ra những sản phẩm cần thiết để làm cho cuộc sống con người dễ chịu hơn, để những sản phẩm đó, giống như nước máy được xử lý từ nước suối và nước sông, cung cấp một cách bình đẳng với giá rẻ nhất đến với mọi người”.
Một cuộc sống nhiều ý nghĩa
Không chỉ gắn bó với Sơn Hải Phòng, anh nói rằng, mình muốn tiếp nối cha đưa VLC trở thành tập đoàn mạnh, đa ngành nghề. Anh có tham vọng trong vòng 10 năm, từ 2015 - 2025, Tập đoàn sẽ xây dựng được 18 dự án, nhà máy mới, để mở rộng quy mô và nâng năng lực sản xuất.
Kế hoạch đó đang được triển khai tương đối thuận lợi và trong năm 2019, dự kiến 2 nhà máy mới tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) sẽ được khởi công. “Có thể tôi sẽ phải lùi thời gian hoàn thành kế hoạch này do những yếu tố khách quan, nhưng chắc chắn, sau khi đạt mục tiêu này, tôi sẽ lui về với vị trí người quan sát và giám sát”, anh nói.
Anh lý giải thêm: “Đó cũng coi như tôi nghỉ hưu sớm. Giờ dòng chảy công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 mạnh lắm, phải để cho lớp trẻ, những người có khả năng nắm bắt công nghệ tốt hơn mình có cơ hội được thể hiện sự sáng tạo, tạo động lực phát triển mới”.
Dự định nghỉ hưu sớm còn xuất phát từ một lý do khác nữa, đó là vì anh muốn được sống trọn vẹn hơn cho gia đình mình. Anh đã và đang lo cho người lao động những gì tốt nhất có thể. Anh đã cùng cha đưa sản phẩm của Sơn Hải Phòng hiện diện ở hàng trăm công trình lớn nhỏ trong cả nước, trên hàng trăm ngàn chiếc tàu lớn, bé… Nhưng những người thân thì chưa bao giờ có anh một cách trọn vẹn. Vậy nên, ngay từ khi lên kế hoạch trở về tiếp quản công việc, anh cũng lên kế hoạch về hưu sớm, để dành thời gian chăm sóc người thân, đi du lịch, đọc sách…
Nhưng để “buông tay” cả một cơ nghiệp lớn, đâu chỉ bằng một câu nói. Bởi vậy anh mới phải dụng công xây dựng một nền tảng văn hóa doanh nghiệp lấy tình yêu với công việc là trên hết và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghe anh miệt mài kể về các loại sơn, về các công trình nghiên cứu, tôi hoàn toàn tin tưởng vào những kế hoạch anh đưa ra.
Tôi cũng nhìn thấy niềm tin đó nơi ánh mắt của cô Thu, bác Khản, Trưởng phòng Hành chính, hay chú Dũng, Phó tổng giám đốc…, những người đã cống hiến cả tuổi trẻ cho Sơn Hải Phòng, họ từng là sếp của anh và đang yên tâm làm việc dưới sự điều hành của anh...
Những điều tâm đắc của doanh nhân Nguyễn Văn Dũng:
Văn hóa doanh nghiệp là phần hồn, là tài sản vô hình góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Văn hóa là một công cụ quan trọng và không thể thiếu trong quản lý điều hành, bất kể đó là quản lý điều hành một quốc gia, một xã hội, một doanh nghiệp hay một cơ quan.
Thành công không phải là việc bạn làm trọn được tất cả, mà là bạn chia sẻ và giúp người khác cũng được thành công.
Thành đạt không chỉ là những thành tích trong sự nghiệp, đó còn là chỉ số hạnh phúc bạn mang lại cho người thân, người lao động và cho chính mình.