Doanh nhân
Doanh nhân Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Quý Gia: Biến đồng hoang thành khu du lịch sinh thái
Viễn Nguyệt - 30/10/2021 11:55
Thành quả từ bao tâm huyết của doanh nhân Nguyễn Xuân Lợi đã biến vùng đất hoang hóa thành khu du lịch bề thế gắn với Di tích lịch sử Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Quý Gia.

Nét chấm phá giữa núi rừng Hương Sơn

Giữa không gian yên tĩnh của vùng núi Hương Sơn với khung trời thơ mộng của núi rừng ngút ngàn cỏ cây hoa lá, phía xa là đỉnh dốc Truông Mung huyền thoại - nơi ghi dấu tích của một thời kháng chiến oanh liệt trên con đường huyết mạch Trường Sơn, bao quanh là dãy núi Minh Tự hùng vĩ, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng như một nét chấm phá đặc biệt.

“Trước đây, nơi này là đồng hoang cỏ dại, cát vàng sình lầy, chưa mưa đã ngập, nắng lên là khô cong, nứt nẻ. Người dân địa phương được giao đất, nhưng không thể trồng được cây gì, ngay cả cây keo là loài cây dễ sống nhất cũng không mọc được”, ông Lợi kể.

Mong muốn góp một phần sức lực, trí tuệ làm đẹp thêm mảnh đất quê hương Hương Sơn, ông Lợi trình bày với địa phương ý tưởng về một khu du lịch gắn với văn hóa để tôn vinh những đóng góp to lớn, gìn giữ những giá trị vật thể và phi vật thể của đại danh y Lê Hữu Trác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đề xuất của ông được chấp thuận và tên gọi của Khu du lịch Hải Thượng cũng bắt nguồn từ đó.

Một ý tưởng được ông Lợi ấp ủ từ lâu là đưa loại hình dân ca ví dặm kết hợp với nghệ thuật ẩm thực để tạo nên một sản phẩm đặc trưng, nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống, đồng thời là một hình thức quảng bá hình ảnh quê hương với khách phương xa. Ông đã lập Câu lạc bộ Cánh Diều với các thành viên đang làm việc tại Công ty TNHH Quý Gia để luyện tập và biểu diễn mỗi khi có sự kiện.

Được khởi công tháng 8/2012, sau đúng 2 năm khẩn trương thi công xây dựng, tháng 8/2014, các hạng mục cơ bản của Khu du lịch Hải Thượng hoàn thành trên diện tích 7 ha trong tổng diện tích quy hoạch 25 ha, được chia thành 2 khu vực. Trong khi khu phía ngoài cổng mang phong cách phương Đông đậm dấu ấn “hồn quê”, thì khu vực lưu trú mang phong cách hiện đại Tây phương, nhưng tất cả rất hài hòa trong không gian, kiến trúc tổng thể.

Cổng tam quan là mô hình cánh diều khổng lồ, thể hiện nét đặc trưng của Hải Thượng bởi sinh thời danh y Lê Hữu Trác là người có thú chơi diều, núi Minh Tự còn có tên là núi Cánh Diều, thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn vinh bậc thầy về y học của người dân nơi đây. Hình tượng người mẹ bồng con được tạc thành hòn non bộ trước sân mang ý nghĩa tình mẫu tử - khối tình thiêng liêng của đại danh y.

“Quê gốc cụ Hải Thượng ở Hưng Yên, sau khi rời chốn quan trường trở về quê mẹ Hà Tĩnh và thành danh. Đây là điều hiếm có bởi lẽ thường, người ta ‘tiến vi quan’ để thành danh, nhưng cụ lại từ quan ‘thoái vi dân’ rồi mới thành danh nơi đất mẹ Hương Sơn. Chính vì điều này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến đạo làm con để các thế hệ sau noi theo”, ông Lợi cho biết.

Một điểm thu hút sự chú ý của du khách tại Khu du lịch Hải Thượng là 2 ngôi nhà gỗ 5 gian được thiết kế theo kiểu cổ truyền dân tộc, một dùng để trưng bày những sản vật của địa phương và một dùng làm nơi bốc thuốc chữa bệnh Đông y. Trong Khu du lịch còn có nơi trưng bày các công cụ sản xuất và dụng cụ sinh hoạt của nền văn minh lúa nước, vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh - như một lời nhắn nhủ du khách hiểu hơn về cuộc sống vất vả, lam lũ, nhưng cần cù và thắm đượm tình người của người Hương Sơn nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.

Cảm nhận đối với bất cứ ai khi đặt chân đến nơi này là không gian của một làng quê yên bình với mái nhà tranh, giếng nước, mảnh vườn, hàng cau trước sân. Tại đây, ta thấy những vật dụng gắn với đời sống người nông dân như cối giã gạo, cối xay ngô, nơm bắt cá, chiếc chõng tre giản dị mà người quê thường hay kê ngoài sân để hóng gió hằng đêm, những chiếc áo tơi mộc mạc để che nắng khi đi làm đồng.

Ngôi đền mang tên Minh Tự Sơn nằm trên một trục thẳng với hòn non bộ và cổng tam quan. “Đây là nơi duy nhất trong ‘đại công trường’ không hề phải tôn thêm một xẻng đất nào khi chúng tôi tiến hành xây dựng. Vì thế, tôi quyết định đặt tại đây một công trình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhằm giáo dục thế hệ trẻ noi gương những bậc tiền nhân ưu tú, đồng thời là nơi để du khách thập phương tỏ lòng thành kính với các bậc cha ông, mong sao nguyên khí mãi trường tồn”, ông Lợi giãi bày.

Trong tổng thể Khu du lịch, khách sạn Minh Tự nổi bật với dáng vẻ hiện đại, là nơi đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách, đạt tiêu chuẩn 3 sao nằm trong khuôn viên thoáng mát, giữa 2 hồ thủy đình và hồ điều hòa, mặt trước nhìn ra núi Giả, mang đến cảm giác gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, sự thư thái bình yên cho du khách.

Khu du lịch Hải Thượng là một nét chấm phá giữa khung cảnh núi rừng, vừa mang tính cổ truyền, vừa hiện đại. Không những hội đủ các điều kiện tự nhiên, sinh thái, nơi đây còn bao hàm các giá trị văn hóa, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân quanh vùng. Tất cả được bao hàm trong 4 câu thơ mà ông Lợi cực kỳ tâm đắc:

Hồn đá Minh Tự khe Nước Cắn

Lãn Ông tâm lĩnh vút non ngàn

Cánh Diều sải muôn trùng xa thẳm

Bạn bầu cùng núi thắm trời xanh

Kiến tạo không gian cho hoạt động lễ hội

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là lễ hội truyền thống của địa phương, song do điều kiện kinh tế, do thiếu người khởi xướng cũng như không gian, địa điểm, nên dần mai một, chỉ còn là những hoạt động nhỏ lẻ để tưởng nhớ ông tổ nghề y. Việc đầu tư dự án du lịch hướng tới tạo không gian cho hoạt động lễ hội là động lực thôi thúc ông Lợi triển khai nhanh ý tưởng của mình.

Dịp khánh thành toàn bộ dự án (tháng 2/2015) cũng là Rằm tháng Giêng - ngày diễn ra Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông truyền thống. Lần đầu tiên, một lễ hội mang tầm quy mô lớn gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao hoành tráng đã được tổ chức, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân địa phương.

“Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bắc rất phong phú, lễ hội quanh năm, nhưng miền Trung thì rất ít, trong khi nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng và các giá trị tâm linh của bà con rất lớn. Ngoài việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân quê, Dự án còn tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn về những giá trị nhân văn sâu sắc mà Hải Thượng để lại cho hậu thế, nhất là nền y học rất đồ sộ và quý giá, bên cạnh giá trị về đời sống thực tế là những bài thuốc, những kinh nghiệm chữa bệnh, những trước tác của đại danh y”, ông Lợi tâm sự.

Khu du lịch đang từng bước trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân, mở rộng giao lưu các địa phương khác. Dịp 30/4 - 1/5 năm 2016, Công ty TNHH Quý Gia đã tổ chức rất thành công chương trình nghệ thuật “Linh thiêng hồn sông núi” do đoàn văn công Trường Sơn năm xưa (nay là Đoàn văn công quân khu 2) về biểu diễn, bà con rất phấn khởi vì “lâu lắm rồi không được xem văn nghệ hay và ý nghĩa như thế”.

Người dân Việt Nam ta rất coi trọng sức khỏe, gặp nhau là phải hỏi sức khỏe đầu tiên, ngày Tết cũng mở đầu bằng lời chúc sức khỏe. Cầu mong sức khỏe trong Lễ hội ông Tổ ngành y thì ý nghĩa tăng lên gấp bội. Với suy nghĩ này, ông Lợi đã dành tâm huyết đưa lễ hội cầu sức khỏe thành sự kiện chủ đạo trong Lễ hội Hải Thượng truyền thống.

Ông đã dành ngôi nhà 5 gian làm nơi chữa bệnh, bốc thuốc kê đơn và trưng bày các bài vị thuốc Nam theo tinh thần người Nam dùng thuốc Nam của cụ Hải Thượng. Điều khiến ông trăn trở là dù mải miết kiếm tìm, nhưng đến nay, ông chưa tìm được người “đồng thanh tương ứng” để triển khai. Tâm huyết của người hành nghề y dược theo nguyên tắc của cụ Hải Thượng là “Nhân, Minh, Đức, Trí, Lượng, Thành, Khiêm, Cần”, để cùng làm việc mà không đặt nặng mục tiêu kinh tế, trong thời “gạo châu, củi quế” là rất khó khăn.

Nói về tương lai, ông Lợi bảo, giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thành thi công khu khách sạn Minh Tự B và tiếp tục đầu tư các nhà nghỉ cuối tuần (bungalow), các khu thể thao gắn với dưỡng sức nhằm đồng bộ hóa với chữa bệnh kết hợp ngâm tẩm thuốc bắc, xông hơi bằng các loại thuốc Đông y cổ truyền, để kết hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Đây sẽ trở thành nơi chăm sóc, nghỉ dưỡng của người cao tuổi có nhu cầu. “Thực chất không hoàn toàn là chữa bệnh, mà là nơi dưỡng sức, dưỡng già bởi khí hậu, cảnh quan môi trường nơi đây rất phù hợp”, ông Lợi nói.

Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông, trong đó có Khu sinh thái Hải Thượng là một địa chỉ tham quan đặc sắc, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và giáo dục truyền thống tốt đẹp, cũng là nơi giao lưu các giá trị văn hóa của mảnh đất, con người Hương Sơn, Hà Tĩnh, là điểm du khách mọi miền nên ghé qua khi về thăm Hương Sơn...

Tin liên quan
Tin khác