Đầu tư Phát triển bền vững
Doanh nhân nữ bàn kinh doanh có trách nhiệm
Khánh An - 03/03/2019 22:01
Hơn 300 doanh nhân nữ đã tham dự Diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm – nền tảng để bứt phá do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phối hợp với Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm – nền tảng để bứt phá do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) tổ chức 

Sau doanh nghiệp là 7.000 gia đình

Cuộc sống của 7.000 gia đình công nhân được nhắc đến nhiều lần trong câu trả lời của bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty may thêu giày An Phước về triết lý kinh doanh của mình và gia đình.

Là công ty gia đình, có tuổi đời 27 năm, nên những người sáng lập An Phước thừa hiểu nguyên tắc trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tạo ra lợi nhận của ông Milton Friedman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976. Nhưng, theo bà Điền, trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở lợi nhuận.

“Sau tôi không chỉ là 7.000 công nhân, mà là 7.000 gia đình. Tôi làm vì họ và họ cũng làm vì doanh nghiệp, vì sự thành công của chính tôi”, bà Điền lý giải.

Chính vì quan điểm này, mà triết lý kinh doanh làm tốt, làm chuẩn, làm chính xác của bà Điền và ban lãnh đạo Công ty An Phước được từng người công nhận thực hiện trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm.

Giấc mơ doanh nghiệp trăm năm

Thạc sỹ dược học Nguyễn Thị Hương Liên, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt là các sản phẩm thảo dược. Công ty đã có 80 sản phẩm từ thảo dược, đã xuất khẩu tới Mỹ, Nga, Trung Quốc. Năm 2019, đơn hàng đầu tiên tại EU đã có.

Nhưng, bà Liên lại dành thời gian để kể về những đối tác đặc biệt của Công ty.

“Họ là những nông dân vùng sâu, vùng xa, những người trồng các cây dược liệu. Họ đã cùng làm nên sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi luôn nghĩ như vậy trong các chương trình hỗ trợ, khám chữa bênh, tặng thuốc và đồ dùng miễn phí cho bà con nông dân”, bà Liên kể.

Bà Liên cũng là người khởi xướng chương trình Tủ sách lớp học, kêu gọi doanh nhân và trí thức tặng sách cho trẻ em nông thôn. Hiện chương trình đã được thực hiện thành công ở Nam Định...

“Tôi đã đọc nhiều sách về các doanh nghiệp trăm tuổi. Tôi cũng luôn quan sát những doanh nghiệp lớn, để thấy doanh nghiệp không thể tồn tại trăm năm nếu không mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người”, bà Liên nói.

Với bà Liên, kinh doanh nào mang đến càng nhiều niềm vui và hạnh phúc cho mọi người thì càng bền vững.

Doanh nhân nữ sẽ đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội

Trao đổi tại Diễn đàn, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã nhắc tới dấu ấn của doanh nhân nữ Việt Nam qua những con số ấn tượng và khẳng định sự đóng góp to lớn của các chị cho các mục tiêu kinh tế - xã hội và phát triển đất nước.

 Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm - Nền tảng để bứt phá

Để có thể có được điều đó là nhiều năm miệt mài, vất vả, nỗ lực, quên cả bản thân, là sự cộng đồng trách nhiệm của người lao động từ những ngày đầu hình thành doanh nghiệp đến lúc thành công và cả bây giờ vẫn không ngừng nỗ lực để giữ vững và phát triển doanh nghiệp, đằng sau hình ảnh một doanh nghiệp lớn mạnh là cả sự hy sinh, thăng trầm, đối mặt với sự khắc nghiệt của cạnh tranh trên thương trường, vượt qua những định kiến giới của một đất nước đậm nét văn hoá phương Đông như Việt Nam”, bà Mai chia sẻ.

Nhưng, chính các doanh nhân nữ cũng là người giữ gìn sự phát triển cân bằng của doanh nghiệp, trên cơ sở giữa lợi nhuận, trách nhiệm với con người, xã hội, với môi trường...

Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) tổ chức Diễn đàn "Kinh doanh có trách nhiệm – nền tảng để bứt phá" là cam kết của các doanh nhân nữ về phát triển kinh doanh có trách nhiệm.  

Ông Lộc nói: “Phát triển bứt phá và có trách nhiệm phải là bánh lái cho con tàu doanh nghiệp của đội quân thuyền trưởng tóc dài. Muốn bứt phá thì phải chuyên nghiệp về quản trị, phải đi đầu trong công nghệ số, phải đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và khác biệt. Muốn có trách nhiệm phải xây dựng tốt nền tảng văn hóa kinh doanh, phải liên kết và hội nhập; phải chăm lo quyền lợi của người lao động, của xã hội và cộng đồng; phải gìn giữ môi trường. Đó là con đường độc đạo cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và từng doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng, chị em doanh nhân – đội quân tóc dài trên mặt trận kinh tế sẽ đi tiên phong trên con đường vinh quang đó”.

Tham gia Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, có rất nhiều cơ hội để đồng thời đảm bảo được yếu tố lợi nhuận, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh này”.

Ông Ousmane Dione nói: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là phải nắm bắt những cơ hội này và tối đa hóa sự đóng góp của doanh nghiệp để đạt được không chỉ lợi nhuận mà cả lợi ích chung. Và nếu làm tốt, chính chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi sự khác biệt chúng ta tạo ra để tốt hơn cho hành tinh, con người và cả lợi nhuận”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) tổ chức Diễn đàn "Kinh doanh có trách nhiệm – nền tảng để bứt phá" là cam kết của các doanh nhân nữ về phát triển kinh doanh có trách nhiệm

Diễn đàn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam:

"Kinh doanh có trách nhiệm sẽ thể hiện được tính chuyên nghiệp, thể hiện được chữ “tâm”, chữ “tín”, kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận đơn thuần mà còn vì lợi ích chung của xã hội, từ đó sẽ xây dựng nên thương hiệu của doanh nhân, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu của sản phẩm – yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp”.
Tin liên quan
Tin khác