Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2021 với chủ đề Chuyển đổi số: Từ nhận thức đến hành động |
Chương trình được ra mắt trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2021 nhân dịp Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) kỷ niệm 20 năm thành lập.
Chọn chủ đề Chuyển đổi số: Từ nhận thức đến hành động, Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2021 cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ nằm trong nỗ lực của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI và UN Women trong các hoạt động tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chuyển đổi số, phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và dưới tác động của đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu với các quốc gia, các doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Tại nước ta, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: trong giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.
“Hai năm qua, đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, đã cướp đi sinh mạng trên 5 triệu người, tàn phá nền kinh tế các nước, hàng triệu doanh nghiệp đã ngục ngã, các hoạt động kinh tế bị đứt gãy. Trong bối cảnh này, chuyển đổi số chính là một cứu cánh cho các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp do nữ làm chủ”, ông Công nhận định.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp có sức chống chọi tốt nhất với dịch Covid-19 chính là các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số tốt nhất. Quản trị doanh nghiệp thông minh, vận hành trên nền tảng số, thương mại điện tử, đàm phán, hội họp trực tuyến chính là cách để doanh nghiệp duy trì hoạt động không bị gián đoạn.
Vào tháng 9 vừa qua, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19, kết nối hàng nghìn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với nhau và với các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương.
“Hội đồng được vận hành trên nền tảng số, tương tác trực tuyến 24/7 để cùng hợp sức ứng phó đại dịch COVID-19, không cần các tiếp xúc trực tiếp, đây cũng là 1 ví dụ về chuyển đổi số trong phòng chống dịch”, ông Công cho biết thêm.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ: “Đây là lúc doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số để nuôi dưỡng và gặt hái các kết quả kinh doanh bền vững, phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới".
Chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang và sẽ là xu thế tất yếu, đồng thời đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng với đại dịch Covid-19.
Các doanh nhân nữ nhận thức, để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần luôn không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi “nhận thức” của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời “hành động” để bứt phá vượt qua đại dịch, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hơn 300 đại biểu từ các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân các tỉnh, thành phố và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên cả nước đã tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết: Các thế hệ lãnh đạo Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền tảng, là điểm tựa vững chắc cho Hội đồng kế tục và phát huy. Chắc chắn, thế hệ kế tiếp sẽ hoàn thành sứ mệnh của tổ chức.