Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái. |
1.
Đầu tháng 9/2023, trong khi giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu đổ dồn mối quan tâm về Việt Nam khi thông tin chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam trong hai ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được chính thức phát ra, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đáp chuyến bay sang Mỹ, cùng với vài cộng sự quan trọng. Các cuộc làm việc dày đặc được lên kế hoạch, kéo dài gần nửa tháng.
Ông cùng các cộng sự đã đến thăm, làm việc với các cơ sở sản xuất và các trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Caterpillar (Mỹ) - tập đoàn sản xuất máy xây dựng, thiết bị khai mỏ, động cơ diesel, động cơ thủy, máy phát điện… lớn nhất thế giới. Đồng thời, ông cũng tiến hành các cuộc gặp với những đối tác lớn của Tập đoàn tại Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ và cả các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Mỹ...
“Chúng tôi đã nói với nhau về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, nói về các kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp Mỹ, nhất là các tập đoàn lớn đều mong chờ chuyến thăm đặc biệt này, đặt niềm tin vào cam kết chính trị từ các nhà lãnh đạo”, ông Phạm Đình Đoàn kể lại chuyến công tác mà ông gọi là lịch sử của mình.
Chuyến đi này diễn ra chưa đầy 1 tháng, sau chuyến thăm của ông D. James Umpleby, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành Caterpillar Inc. tới Phú Thai Cat - đơn vị thành viên của Phú Thái Holdings Group (Tập đoàn Phú Thái). Ông James Umpleby là lãnh đạo cấp cao nhất của Caterpillar đến Việt Nam sau hơn 30 năm mở đại lý tại Việt Nam.
“Khi tới Việt Nam, ông Chủ tịch đánh giá cao nỗ lực của Phú Thái Cat, một trong những đại lý trẻ nhất của Caterpillar trên thế giới, đồng thời đề nghị đẩy mạnh tăng cường hợp tác giữa hai bên. Đây là lý do chúng tôi có mặt ở Mỹ cùng thời điểm với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. Tôi tin đây là thời điểm phù hợp để thảo luận cụ thể hơn về kế hoạch này”, ông Đoàn chia sẻ.
Việc thuyết phục Caterpillar đầu tư sản xuất tại Việt Nam vốn được Chủ tịch Phú Thái bắt đầu ngay từ khi trở thành đại lý độc quyền của Caterpillar tại Việt Nam cách đây 13 năm. Dù ông thừa nhận, việc đó không hề đơn giản, khi tập đoàn này đã có các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, Ấn Độ…
“Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn có cơ sở sản xuất của Caterpillar tại Việt Nam, để có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới. Điều này sẽ thay đổi không chỉ Phú Thái Cat, mà cả ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam”, ông Đoàn nói.
Ông D. James Umpleby, Chủ tịch Caterpillar (áo xanh) trong chuyến thăm Phú Thái Cat. |
2.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
“Ngay trong thời điểm lịch sử này, cuối năm 1995, chúng tôi đã bắt đầu làm ăn với đối tác Mỹ và đối tác đầu tiên là Procter & Gamble (P&G). Năm 1995 cũng là thời điểm P&G chính thức xuất hiện trên thị trường Việt Nam, với sự ra mắt của P&G Việt Nam vào tháng 11/1994”, ông Đoàn kể lại.
Cho đến giờ, sau 28 năm, Phú Thái Hà Nội vẫn là nhà phân phối chính thức các sản phẩm của P&G Việt Nam.
Kể lại quyết định lịch sử này, ông Đoàn nói, hợp tác với các tập đoàn lớn của Mỹ là quyết định dũng cảm, đúng đắn. Chơi với những đối tác lớn hơn về mọi mặt đã đặt cá nhân ông và Phú Thái vào thế phải vươn lên, vượt qua điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ, non trẻ để phát triển mạnh hơn, cả về quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch trong quản trị và định hướng phát triển bền vững.
Hồi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là mới và nhỏ, nếu nói về năng lực thì không thể sòng phẳng làm với các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế đã kéo họ đến, sẵn sàng chọn chơi với doanh nghiệp Việt để có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam. Ông Đoàn kể, nhờ tận dụng khả năng ngoại ngữ, có thể nói chuyện, đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài, nên ông đã chớp được cơ hội “đứng trên vai người khổng lồ”. Sau này, Phú Thái trở thành đối tác của nhiều tập đoàn danh tiếng toàn cầu, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Thời điểm này, lịch sử đang lặp lại, nhưng ở một nấc thang cao hơn. Phú Thái cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh hơn, đạt chuẩn mực “quốc tế hóa”, sẵn sàng có các kế hoạch làm ăn đẳng cấp, với những chuẩn mực cao nhất.
Mặc dù các nhà đầu tư Việt Nam và Mỹ đang nói nhiều về cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn, khi lãnh đạo hai nước dành nhiều tuyên bố về nỗ lực từng bước định hình ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, nhưng đương nhiên không có giới hạn nào trong việc tăng cường hợp tác giữa hai bên.
“Điều quan trọng là nhiều doanh nghiệp Việt sẵn sàng bắt tay với những đối tác lớn, đẳng cấp, đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cách họ xem xét cơ hội kinh doanh và mối quan hệ đối tác trên trường quốc tế”, ông Đoàn tin tưởng.
Ông Phạm Đình Đoàn (thứ hai, bên phải) trong chuyến làm việc tại Tập đoàn Caterpillar (Mỹ). |
3.
Không doanh nghiệp nào, kể cả Việt Nam hay Mỹ và cả các doanh nghiệp toàn cầu muốn bỏ lỡ cơ hội lịch sử này. Song điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ các nguyên tắc của thị trường cạnh tranh quốc tế, dù có muốn hay không, dù có chọn làm ăn với đối tác ngoại hay chỉ muốn khu trú hoạt động bên trong biên giới Việt Nam.
“Chúng tôi xác định, giờ thế giới hội nhập không thể chỉ nhìn Việt Nam là Việt Nam, mà Việt Nam chính là thế giới. Trước kia, chỉ cần một ý tưởng lóe sáng có thể thành công, nhưng giờ, ngoài ý tưởng, doanh nhân cần có kỹ năng làm việc nhóm, cần lãnh đạo khiêm nhường, sẵn sàng lắng nghe nhưng không yên phận, cần ý chí, dám nghĩ lớn, làm lớn”, ông Đoàn chia sẻ.
Trong những cuộc giao lưu giữa các thế hệ doanh nhân Việt Nam gần đây, bài toán liên kết doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được đặt ra.
Nhiều năm trước, ông Đoàn đã đau đáu về việc này, đã bắt tay thực hiện nhiều kế hoạch, trong đó có cả việc nghiên cứu mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân, xây dựng liên minh bán lẻ giữa các doanh nghiệp nội, với mong muốn xây dựng những thương hiệu Việt để cạnh tranh với quốc tế.
Tuy nhiên, các kế hoạch dù ít nhiều được triển khai, nhưng chưa thành công, vì nhiều lý do, cả khách quan từ cơ chế, chính sách chưa thực sự đồng thuận, cả chủ quan về ý thức, trách nhiệm trong khai thác các mối liên kết, chung tay xây dựng thương hiệu chung.
Song, cạnh tranh quốc tế đã hiện hữu ngay tại thị trường Việt Nam, đòi hỏi liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh trong doanh nghiệp cũng hiện hữu. Nếu giải được bài toán tập hợp cùng nhau, liên kết để 1+1 không phải bằng 2, mà bằng 3, thậm chí là 1+ 1 = 11, thì không chỉ các doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi.
Ông Đoàn khẳng định, các doanh nhân như ông sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cả nguồn lực để thúc đẩy các mối liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam, tạo nên sức mạnh, song họ cũng cần được sự hậu thuẫn của cơ chế, chính sách.
“Nhưng dù thế nào, chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi làm việc này. Tôi xác định trách nhiệm từ thiện kiến thức, chia sẻ kiến thức miễn phí, để những kế hoạch khởi nghiệp của các bạn trẻ đỡ chông gai hơn, thành công nhanh hơn chúng tôi”, ông Đoàn nói.
Với ông và những doanh nhân thế hệ đầu tiên sau Đổi mới, khát vọng, lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt đang thúc đẩy các nỗ lực vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự phồn vinh của quốc gia độc lập, tự cường.