- PGS - TS. Phạm Hồng Long: Tạo "đòn bẩy" phục hồi thị trường khách quốc tế từ chính sách visa
- Cải thiện visa và phát triển kinh tế đêm: “Chìa khóa” để du lịch phục hồi
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra những điều Quảng Ninh cần làm ngay để du lịch bứt phá
- Miền Trung là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Ấn Độ
Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group. (Ảnh: NVCC) |
Sau 1 năm Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ ngành kinh tế xanh, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ với lượng khách nội địa năm 2022 vượt cả thời hoàng kim năm 2019.
Tuy nhiên, trái ngược với sự sôi động của thị trường nội địa, thị trường quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng, với 3,5 triệu lượt, khi mục tiêu là 5 triệu lượt. Điều này khác xa với suy nghĩ của nhiều người làm du lịch rằng, khách quốc tế đang ở ngay bên ngoài Việt Nam, chỉ chờ mở cửa là ùa vào du lịch như lò so bị nén, cách đây 1 năm.
Là người gắn bó hơn 20 năm với ngành du lịch, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Lux Group đã chia sẻ với phóng viên và độc giả của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn về 7 nỗi sợ của du khách và đưa ra những giải pháp, “hiến kế” mang tính đột phá để tăng tốc phục hồi ngành kinh tế xanh.
Chính sách visa gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp và du khách
Với thâm niên kinh doanh du lịch hơn 20 năm, xin ông phân tích những nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế vào Việt Nam chưa như kỳ vọng?
Theo tôi, năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng là do các thị trường nguồn vùng Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới khoảng 70% khách quốc tế giai đoạn trước dịch, chưa mở cửa; Nhật Bản, Đài Loan thì vẫn khá dè dặt.
Thị trường Ấn Độ, khách Trung Đông được trông đợi nhiều nhất lấp khoảng trống của khách Trung Quốc, nhưng do mới xúc tiến nên dù tốc độ tăng trưởng bình quân khá lớn (45%/tháng) nhưng chỉ đạt 137.900 lượt.
Xung đột Nga - Ukraina không chỉ khiến ngành du lịch Việt Nam không đón được khách Nga, chiếm 700.000 lượt khách trước dịch; mà còn ảnh hưởng tới thị trường xa như châu Âu do suy thoái kinh tế.
Song, nguyên nhân sự eo hẹp về thị trường chưa phải là yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng khách quốc tế ì ạch, hậu Covid-19. Bởi lẽ, nếu nhìn sang các nước trong khu vực đã cùng mở cửa du lịch với Việt Nam, cả Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có sự phục hồi ấn tượng.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước để bàn về thực trạng, giải pháp đưa du lịch Việt Nam sớm phục hồi như trước đại dịch, thu hút nhiều hơn khách quốc tế.
Năm 2022, ngành du lịch Thái Lan đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đón 11,8 triệu lượt khách quốc tế. Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam. Singapore đón 6,3 triệu lượt khách quốc tế (đạt gần 33% của năm 2019), trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 18,1%.
Bên cạnh đó, khách quốc tế vẫn chưa tới Việt Nam là do chúng ta truyền thông, quảng bá chưa tốt, xúc tiến yếu và giá cao hơn các nước trong khu vực tới 30%. Cùng với đó, hệ thống khách sạn, lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí cũng chưa mở hết do chính sách chưa ưu tiên hỗ trợ đối với ngành du lịch.
Đơn cử, trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch được hỗ trợ giảm giá tiền điện nhưng đến nay đã chấm dứt đợt “khuyến mãi”. Các gói hỗ trợ gần như các doanh nghiệp du lịch không có cách nào tiếp cận. Ngay cả với thông tin mới nhất là ngân hàng nới room tín dụng, mở cửa cho các doanh nghiệp thoát cơn khát vốn nhưng hầu như vẫn bỏ quên ngành du lịch bên lề. Không có khách, doanh nghiệp rơi vào vòng lẩn quẩn lỗ chồng lỗ.
Đặc biệt, chính sách visa gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp lữ hành và du khách. Du lịch là để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng những điều tuyệt vời, thả lỏng thân - tâm - trí. Du khách sẽ không lựa chọn những điểm đến khiến họ mất nhiều thời gian, công sức để được nhập cảnh. Ngược lại, chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó.
Xin ông chia sẻ rõ hơn về sự phiền hà của doanh nghiệp lữ hành và du khách như ông vừa đề cập?
Có thể nói, chính sách visa của Việt Nam chậm một nhịp so với mở cửa du lịch ngày 15/3/2022. Du khách không thuộc 13 quốc gia được miễn visa rất khó khăn lấy visa tại Đại sứ quán. E-visa thì mẫu và giao diện không thân thiện với mobile, chỉ mỗi tiếng Anh và tiếng Việt, giao diện website không chuyên nghiệp.
Visa on arrival gần đây mới lấy được sau mở cửa du lịch khá lâu, điều đó cho thấy, Việt Nam mở cửa chưa hoàn toàn dẫn đến việc vẫn phải đếm từng du khách như hiện nay.
Chính sách visa của Việt Nam chưa thân thiện và cạnh tranh so với các nước trong khu vực đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta như Thái Lan visa cho công dân 65 quốc gia, thời hạn lưu trú 45 ngày; Malaysia vàSingapore cũng tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực với 162 nước được miễn visa và các chính sách thị thực đặc biệt; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia…
Hiện nay, ngay cả những du khách thị trường mục tiêu như Tây Âu, Lux Group gặp khó khăn khi khách ở quá 15 ngày, họ sang thăm Campuchia rồi muốn quay lại nghỉ biển Việt Nam lại phải xin visa thực sự quá vô lý và làm khó du khách và doanh nghiệp. Đương nhiên, du lịch Việt Nam mất doanh thu chỉ vì vấn đề visa. Không ít du khách của chúng tôi đành cắt ngắn chuyến đi vì ngại làm visa.
Doanh nhân Phạm Hà cho biết, không ít du khách của Lux Group cắt ngắn chuyến du lịch tại Việt Nam vì ngại làm visa. (Ảnh: NVCC) |
Thực hiện chính sách visa thân thiện
Vậy theo ông, Việt Nam cần cải tổ chính sách visa như thế nào?
Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, miễn visa như họ hoặc mở rộng hơn nếu muốn cạnh tranh hơn. Cụ thể visa miễn 13 nước nên miễn 30 ngày, vào ra nhiều lần. Tiến tới mở rộng diện miễn visa các thị trường mục tiêu châu Âu, Úc New Zeland, Bắc Mỹ và châu Á như Ấn Độ.
Chúng ta miễn visa không làm gì cũng có thêm khách quốc tế đến từ các thị trường trong khu vực như BKK, Kualumpur hay Singapore cho những kỳ nghỉ phút chót, khách nghỉ hè muốn đi nhiều nước, vui đâu ở đấy và chơi đấy. Thu hút khách xa kết hợp nhiều nước tạo thành một hành trình khám phá Đông Nam Á.
Thực hiện visa thân thiện, lấy visa dễ dàng online, tại các sân bay thực hiện đón tiếp vip cho khách mua dịch vụ cao cấp visa fast track. Du khách cảm thấy chào đón và trả tiền khi xứng đáng.
Việt Nam cũng cần chính sách visa du lịch 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm để du khách hưu trí muốn an nhàn nghỉ ngơi tại Việt Nam, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và sống trọn vẹn tại Việt Nam.
Tương lai, cần miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam vì chúng ta coi trọng kinh tế du lịch, khách du lịch. Bởi, chính sách visa là đầu tiên và cụ thể nhất của kinh tế mũi nhọn du lịch nếu Việt Nam muốn thành quốc gia du lịch.
Các vấn đề thể chế chính sách, hoàn thuế VAT khách du lịch, mở toang cho việc tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng sản phẩm, phát triển những sản phẩm đặc trưng như ngủ đêm trên du thuyền vịnh Hạ Long, du ngoạn sông Hồng, Mekong làm du khách nhắc đến là nhớ.
Bên cạnh đó, cần tránh phục thuộc vào một vài nguồn khách như trước khia. Chú trọng nhân lực có chất lượng, truyền thông xúc tiến hiệu quả. Khách đến Việt Nam dễ dàng, đến vui hơn, giàu cảm xúc, hài lòng hơn, đáng nhớ khách sẽ đến nhiều hơn, quay lại thường xuyên hơn, đó là marketing “đỉnh của chóp” mà Việt Nam đang chưa tận dụng tốt.
Doanh nhân Phạm Hà cho rằng, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, miễn visa như họ. (Ảnh: NVCC) |
Gây thương nhớ cho du khách từ điểm chạm đầu tiên
Theo ông, làm thế nào du khách tìm đến Việt Nam đông hơn, ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn và quay lại nhiều lần hơn?
Hàng năm, mục tiêu gia tăng lượng du khách đến Việt Nam vẫn được đặt ra nhưng cần phải xác định được nhóm khách hàng mục tiêu để có các chiến lược thu hút phù hợp.
Nếu du lịch Việt Nam muốn đón khách có tiền, đi dài, ở lâu, như khách châu Âu, Úc, Mỹ vốn ưa chuộng thiên nhiên và du lịch trải nghiệm thì phải bảo vệ thiên nhiên, điểm đến luôn xanh, sạch, đẹp và văn minh.
Bên cạnh đó, phải kiến tạo quốc gia du lịch, khuyến khích mọi người làm du lịch một cách văn minh và hưởng lợi từ du lịch. Muốn đón khách nước ngoài, phải xóa bỏ tâm lý về bảy nỗi sợ khi đến Việt Nam mà du khách quốc tế vẫn truyền tai nhau gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải có thêm nhiều đường bay đến các thị trường mục tiêu. Quảng bá xúc tiến hiệu quả trong chiến lược quốc gia theo sự điều khiển của “nhạc trưởng” có tài, nên có văn phòng đại diện tại thì trường mục tiêu, điều hành bởi những người có năng lực.
Một bộ phim ăn khách có bối cảnh du lịch Việt Nam cũng sẽ tạo nên một lực hút với du khách quốc tế, do đó có thể mời các hãng phim lớn thế giới như Hoa Kỳ đến quay và làm phim tại Việt Nam.
Khi du khách đã đưa ra quyết định đến Việt Nam, cần khiến cho hành trình của họ dễ dàng hơn, miễn thị thực để họ được cảm thấy chào đón hơn. Điều này có thể học hỏi được từ quốc gia có lượng lớn khách du lịch như Thái Lan.
Trong tâm lý của bất cứ du khách nào, nếu cảm thấy vui sướng thì sẽ muốn ở lại lâu hơn. Muốn vậy, phải nắm được mong muốn của họ để tìm cách đáp ứng, khiến họ hài lòng. Trước hết, cần cho thời hạn visa 30 ngày hoặc lâu hơn thì khách sẽ dự định ở lâu hơn, nếu thấy vui.
Để du khách thấy vui, du lịch Việt cần tạo ra nhiều trải nghiệm mới. Khu mua sắm, đồ lưu niệm phải đẹp, có nhiều không gian cho khách tham quan, khu vui chơi giải trí được mở muộn, thí điểm một số casino, sân golf, khu đèn đỏ riêng có kiểm soát tốt.
Nhiều người đến Việt Nam cảm thấy có tiền nhưng không có gì để chi tiêu, thậm chí, có những chuyến đi nhàm chán tới nỗi chỉ đơn giản đi từ phòng ngủ ra thẳng máy bay. Muốn khiến du khách tiêu tiền đến đồng xu cuối cùng trước khi về nước như cách mà Hàn Quốc, Thái Lan đã làm được, cần tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị, kích thích sự hứng thú mua sắm của khách hàng.
Sự sáng tạo trong du lịch để tạo trải nghiệm mới du khách, tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh và đầu tư vào du lịch là những thứ cần được khuyến khích.
Và để khách quay trở lại sớm nhất, điều quan trọng là Việt Nam định vị mình là một điểm đến văn hoá hay thiên nhiên. Tôi cho rằng, nếu xác định mình là một điểm đến văn hóa hay điểm đến nghỉ dưỡng biển thì khách sẽ quay lại thường xuyên hơn. Điểm đến phải có nhiều trải nghiệm mới thú vị, cơ sở hạ tầng nâng cấp, thuận tiện hơn, vui hơn.
Phục vụ tốt du khách đã đến, họ sẽ hết các nỗi sợ như hiện tại. Khách hài lòng, họ sẽ trở lại và giới thiệu nhiều du khách khách đến trải nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Muốn khách sớm quay trở lại, du lịch Việt phải tạo được sự thương nhớ trong lòng du khách từ điểm chạm đầu tiên cho đến điểm chạm cuối cùng trong chuyến đi trước đó.
Doanh nhân Phạm Hà đề xuất tháo gỡ các nút thắt thể chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nhiều trải nghiệm du lịch mới cho du khách. (Ảnh: NVCC) |
Xin ông “hiến kế” cho các cơ quan quản lý nhà nước để tăng tốc phục hồi cho ngành kinh tế xanh?
Việt Nam cần thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn bằng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể.
Ngoài cởi mở chính sách visa, theo tôi, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng và ứng dụng số vào quản lý du lịch đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương. Liên bộ, ngành, cơ quan cần dùng số, và nói chuyện bằng con số, xoá bỏ ước lượng cảm tính trong các báo cáo, gây ra những ngộ nhận về thành công thực sự của du lịch.
Chẳng hạn, hiệu quả của khách quốc tế phải được xem xét đầy đủ cả về lượng ngoại tệ họ mang đến, chứ không chỉ dựa vào số lượt khách (nhiều, nhưng chi tiêu không đáng kể).
Cùng với đó, cần quản lý tốt các điểm đến bền vững: xanh sạch đẹp, không có rác và nước thải bẩn.
Ngoài việc xoá bỏ thành kiến về bảy nỗi sợ, đòi hỏi vai trò giám sát chặt chẽ của các địa phương, yếu tố quan trọng khác là khuyến khích mọi người làm du lịch một cách văn minh và hưởng lợi hợp pháp từ du lịch.
Cần tháo gỡ các nút thắt thể chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nhiều trải nghiệm du lịch mới như sông ngòi, biển đảo, bến du thuyền và du ngoạn cận duyên bằng du thuyền…
Cùng với đó, cần định vị thương hiệu du lịch quốc gia, quảng bá xúc tiến hiệu quả, quản lý điểm đến tốt, xanh, sạch đẹp và ứng dụng số vào quản lý vé điện tử. Chẳng hạn, cho phéo tàu vịnh Hạ Long liên thông Cát Bà đểtăng trải nghiệm, thu hút du khách ở lâu hơn. Hay dùng GPS để quản lý thay vì thuyền trưởng phải đến ký giấy trình tàu đã đến điểm đến đó trong vịnh.
Cần ban chuyên trách xúc tiến, chia nhỏ thị trường, thấu hiểu khách hàng, nói ngôn ngữ của họ. Những hình ảnh quảng bá phải được thực bởi chuyên gia và thống nhất những hình ảnh trải nghiệm, nói ngôn ngữ của khách, đáp ứng nhu cầu khách cần, muốn chứ không phải cái ta có.
Chúng ta hãy lấy khách du lịch làm trung tâm thỏa mãn họ. Việt Nam cần đột phát khâu xúc tiến vì hiện nay đang thiếu năng lực, hạn chế cơ chế tiêu tiền, không hiệu quả. Về lâu dài cần phải có Bộ Du lịch hay Bộ Kinh tế Du lịch và sáng tạo, có thực lực, thực quyền để phát triển kinh tế, đóng góp hơn 10% GDP và tạo ra hơn 2 triệu việc làm trực tiếp.
Đặc biệt, mỗi người dân đều có thể là một đại sứ. Từ nhân viên hải quan biết cười chào đón khách khi họ vừa đặt chân tới sân bay, đến người lái taxi biết từ bỏ lòng tham vặt để không “chặt chém”, hay một người dân bản địa không tuỳ tiện xả rác... tất cả đều sẽ góp phần kiến tạo nên quốc gia du lịch.
Tôi tin rằng, với thế mạnh sẵn có của đất nước, bằng một chiến lược phát triển dài hạn và khát vọng đón khách một cách tử tế, du lịch Việt Nam sẽ vượt xa mục tiêu 8 hay 10 triệu lượt khách quốc tế.