Doanh nhân
Doanh nhân Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành, Giám đốc truyền cảm hứng và hạnh phúc Anphabe: Muốn ổn định phải dịch chuyển
Anh Hoa - 07/04/2024 09:32
Dù làm ở cương vị nào, hay công việc ra sao, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành, Giám đốc truyền cảm hứng hạnh phúc tại Anphabe luôn mong muốn tiên phong trong mọi lĩnh vực mình làm.
“Nếu chúng ta là người lãnh đạo hạnh phúc, hướng đến xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, thì chúng ta sẽ luôn có những tác nhân thay đổi để từ đó cùng nhau xây dựng và nhân rộng văn hóa hạnh phúc”.

“An tâm” giữa sóng biến động

Mới đây, khi chia sẻ nhận định về xu hướng nhân sự tại Việt Nam trong 10 năm qua, bà Thanh Nguyễn nhận thấy có một dịch chuyển đáng chú ý. Đó là, 3 mong muốn bất biến trong muôn vạn biến của người đi làm tại Việt Nam là thu nhập, ổn định và cân bằng. Trong đó, nhu cầu ổn định ngày càng gia tăng, nhất là sau giai đoạn sa thải phổ biến như năm qua.

Theo bà Thanh Nguyễn, nếu trước đây, ổn định là ở nguyên một chỗ, gắn bó thật lâu với một công ty, thì bây giờ, ổn định là dù công việc thế nào, thì vẫn có thu nhập ổn để lo cho bản thân và gia đình. Ổn định cũng từng được hiểu là “không có thay đổi quá lớn”, thì bây giờ được định nghĩa là trạng thái vững vàng bất chấp bất ngờ, thậm chí là biến cố.

Cách hiểu mới phù hợp với xu hướng thực tế và những biến đổi trên thị trường nhân sự Việt Nam vài năm gần đây. Cách gia tăng tính ổn định của người đi làm Việt Nam cũng khác xưa khá nhiều.

Theo dữ liệu của Anphabe, hiện có tới 57% nguồn nhân lực tri thức tại Việt Nam có công việc thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư. Họ tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế dưới nhiều hình thức, như làm tự do, làm thêm bán thời gian, start-up riêng, đầu tư, bán hàng online…, để có thêm thu nhập từ nhiều nguồn và thêm “an tâm” giữa sóng biến động.

Ngoài ra, có 56% doanh nghiệp đặt ưu tiên nâng cao năng lực nguồn nhân sự. Điều này cho thấy, cho dù có phải sa thải, thì nhân viên cũng dễ có cơ hội ở nơi khác.

“Việc làm thêm các công việc tự do phù hợp, ngoài tạo thu nhập, còn là cách để người đi làm tiếp cận những kiến thức và xu hướng mới, nhờ đó không bị lạc hậu trước những thay đổi. Vậy nên, muốn ổn định trong mọi tình huống thì phải dịch chuyển”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.

Khởi nghiệp lần 5 để “cứu thế giới béo”

Chính bản thân bà Thanh Nguyễn cũng đang thể hiện phương châm muốn ổn định thì phải dịch chuyển. Dù đang giữ vị trí Giám đốc điều hành, Giám đốc truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, nhưng hơn một năm qua, bà trở nên nổi tiếng trong cộng đồng ăn kiêng, giữ gìn sức khoẻ, sắc đẹp với dự án khởi nghiệp thứ 5 của mình là Ăn Ngon Eo Thon.

Bà Thanh Nguyễn thông tin, Dự án vừa cán mốc 1.000 người có cơ thể hình chiếc bánh mì lấy lại được eo thon. Đây là cột mốc cực kỳ ý nghĩa với start-up non trẻ, mới hoạt động hơn 1 năm như Ăn Ngon Eo Thon.

Từ 1.000 người tham gia nói trên, có khoảng 10%, sau khi tự thân trải nghiệm, muốn được nhận nhượng quyền (franchise) mô hình Ăn Ngon Eo Thon để cùng bà “cứu thế giới béo”. Thế nên, trong một năm qua, bà Thanh Nguyễn còn là cố vấn giúp khoảng 100 người khởi nghiệp. Có những người rất thành công, thành công hơn cả bà, và bà gọi là đồng sáng lập, cộng sự cùng chia sẻ lợi nhuận và cùng định hướng chiến lược. Tuy nhiên, cũng không ít người dừng cuộc chơi sau vài tháng hồ hởi.

Từ đây, bà Thanh Nguyễn rút ra vài điều giúp Ăn Ngon Eo Thon thành công. Đầu tiên, không làm chỉ vì thích, bởi để làm được điều mình thích, thì người sáng lập phải làm vô vàn điều không thích, những điều không ai muốn làm.

Sau 10 năm rực rỡ ở vị trí lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp ngàn người mơ ước, bà khởi nghiệp và cũng trải qua thất bại lớn. Tuy nhiên, thất bại quá khứ giúp bà đủ khiêm nhường để biết rằng, nên là “tờ giấy trắng” trong start-up mới để học hỏi, quan sát; muốn đi nhanh thì phải học gấp đôi, gấp ba.

Để có một năm thành công của Ăn Ngon Eo Thon, bà Thanh Nguyễn đã thử nghiệm bao nhiêu ý tưởng, thất bại cũng không thiếu, nhưng ngã đâu thì đứng dậy ở đó. “Chưa làm hoặc mới gặp khó mà tâm trí đã bị đánh gục, thì 100% là thất bại”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.

Nếu ở Anphabe, cứ vài năm lại có một cuộc “đại cải tổ” mô hình kinh doanh, thì với Dự án Ăn Ngon Eo Thon, trong một năm có tới 4 lần nâng cấp quy trình huấn luyện để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất. Cứ mỗi khi đạt tới một cột mốc mới, bà lại nhắc bản thân quay về lại như chưa bắt đầu để có được góc nhìn đúng đắn nhất cho giai đoạn tới.

Bà kể, hồi trẻ bà rất háo thắng, làm gì cũng quyết phải có thành tựu, thích được ghi nhận và cũng muốn định vị bản thân theo ý nghĩ đã làm việc gì thì chắc chắn phải giỏi và xuất sắc hơn người khác. Nhưng qua thời gian, điều đó đã thay đổi. Bà không thích đối đầu hay cạnh tranh với bất kỳ ai như xưa, bởi bà nhận ra, chiến thắng bản thân mới là điều khó nhất. Điều bà tự hào là thời gian đã tôi luyện bà thành một “chiến binh” rất giỏi trong chiến thắng bản thân.

Bà đúc kết lại vài mẹo để chiến thắng bản thân.

Đầu tiên, không có chỗ cho suy nghĩ tiêu cực, bởi suy nghĩ tiêu cực là cách nhanh nhất để “đánh gục” bản thân.

Thứ hai, không ngừng học hỏi. Chừng nào nghĩ là mình đã biết hết, thì lúc đó bắt đầu tụt lùi.

Thứ ba, luôn chăm chỉ trong mọi việc. Lười biếng là kẻ thù lớn nhất của thành công và hạnh phúc.

Thứ tư, không tham gia những “trận chiến” không cần thiết, vì nó có thể mang lại chiến thắng cho “cái tôi”, nhưng lại là một “thảm bại” về năng lượng tích cực.

Thứ năm, chiến thắng bản thân cũng có nghĩa là chấp nhận và yêu thương con người thật của mình, không dằn vặt so sánh bản thân với những khuôn mẫu được nhào nặn bởi xã hội.

Bà có thể làm việc 14-16 tiếng một ngày mà lúc nào cũng cười. Khi không còn phải làm việc chỉ vì cơm áo gạo tiền, dù tại môi trường nào, bà luôn chọn làm những gì có thể chạm được đến nhiều người, nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp, nhiều thế hệ... theo những cách tích cực và bền vững.

Là người mẹ hai con ở tuổi 45, mê ăn ngon mặc đẹp, có kiến thức dinh dưỡng bài bản và kinh nghiệm quản trị dày dặn, giờ bà tự hào là nữ CEO hiếm hoi có vòng eo 58.

“CEO thì không hiếm, nhưng CEO siêu bận rộn ở tuổi này mà có được vòng eo và vóc dáng như mình thì chắc ít”, bà Thanh Nguyễn hồ hởi.

Nhờ Ăn Ngon Eo Thon, bà đã giảm 6 kg, giảm 14 cm bụng dưới, trẻ ra 12 tuổi sinh học và sau đó luôn duy trì cân nặng cùng tỷ lệ cơ, mỡ lý tưởng, bất chấp lịch công tác, tiệc tùng và du lịch dày đặc. Cùng với đội ngũ huấn luyện viên chuyên nghiệp, bà đã chuyển đổi vóc dáng thành công cho chồng, con gái, nhiều bạn bè và rất nhiều huấn luyện viên, trong đó chủ yếu là các giám đốc và quản lý, doanh nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng bận rộn, nhưng mê khỏe đẹp.

“Trung bình, chúng tôi giúp khách hàng bỏ đi 7-12 kg mỡ, 8 -15 cm vòng eo và tất cả đều có thể thấy được rãnh bụng 1”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.

90 ngày với Ăn Ngon Eo Thon không chỉ mang lại thành tích đáng ngạc nhiên, mà còn truyền cho huấn luyện viên nhiều kiến thức dinh dưỡng phong phú và thói quen khoa học để duy trì kết quả bền vững. Thế nhưng, huấn luyện viên mê chương trình nhiều hơn thế, vì giúp họ tháo bỏ được cơ số “niềm tin giới hạn” để thực sự trở thành những tấm gương của sự thay đổi tích cực. Cũng chính vì thế, huấn luyện viên mới đến với Ăn Ngon Eo Thon chủ yếu qua truyền miệng do người cũ giới thiệu.

Ngoài nhóm huấn luyện viên kỹ thuật đã lên tới vài chục người phục vụ học viên đến từ 30 nước, Ăn Ngon Eo Thon đang từng bước vươn mình trở thành một mô hình kinh doanh toàn cầu với cả trăm đối tác tại các thị trường Mỹ, Canada, Australia, Pháp, châu Âu, Singapore.

Truyền cảm hứng hạnh phúc

Trở lại với nghề chính gắn bó cả thời thanh xuân, bà Thanh Nguyễn vẫn miệt mài gây dựng danh tiếng của mình trong vai trò dẫn dắt đội ngũ tại Anphabe. Thời gian trôi qua, Anphabe trở thành đối tác chiến lược độc quyền của các tên tuổi hàng đầu trên thế giới như Linkedin, Workplace by Meta.

Anphabe được thành lập vào năm 2011. Bà và các cộng sự đã tìm ra sứ mệnh của Anphabe là đồng hành cùng các doanh nghiệp nhằm xây dựng nơi làm việc hạnh phúc và tốt đẹp hơn, đồng thời truyền cảm hứng tới hàng triệu người đi làm, giúp họ nhận ra và tận hưởng các giá trị trong công việc và cuộc sống.

Vị trí giám đốc hạnh phúc, với bà, rất đặc biệt. Nó không chỉ là một chức danh. Đó là một sứ mệnh, là trách nhiệm, niềm vui để truyền cảm hứng hạnh phúc, làm cho mỗi người đi làm trở nên hạnh phúc hơn, mỗi người lãnh đạo hạnh phúc hơn, cùng nhau tạo ra một Việt Nam hạnh phúc và văn minh hơn.

“Tôi tin, giá trị lớn nhất mà một người đi làm thực sự hạnh phúc là khi họ cảm nhận được ý nghĩa công việc mình làm. Từ đó, họ sẽ là người làm gương và truyền cảm hứng cho mọi người để hướng đến những giá trị cao hơn cho doanh nghiệp và xã hội”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.

Với bà, bất cứ người lãnh đạo nào đều có thể trở thành giám đốc hạnh phúc trong chính tổ chức của mình. Tuy nhiên, trước hết, người lãnh đạo đó phải là người thực sự hạnh phúc.

Bà định nghĩa, một người có được hạnh phúc đích thực trong công việc là có sự gắn kết với công việc, nỗ lực tự nguyện tạo ra giá trị cho những người xung quanh ngay cả khi không được yêu cầu và cam kết gắn bó lâu dài cùng tổ chức. Đặc biệt, người lãnh đạo phải tạo ra một môi trường làm việc giúp nhân viên có điều kiện và cơ hội được nuôi dưỡng, tỏa sáng, cống hiến, gắn bó, yêu thương.

“Lãnh đạo một tổ chức phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên, hướng dẫn và tạo môi trường để mỗi nhân viên trở thành phiên bản tốt hơn của chính họ trong công việc”, bà Thanh chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác