- Doanh nhân Mai Hữu Tín: Đã là người Việt thì sẵn có tấm lòng với Đất Việt
- Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược T&T Group: “Tinh thần doanh nhân dân tộc là một điều rất thiêng liêng”
- Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: Kết nối lịch sử và tương lai
- Nữ doanh nhân Thái Hương: Tầm nhìn chiến lược về những tán rừng Việt Nam
Doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên, Chủ tịch HĐQT BLUSAIGON. |
Đi tìm điểm giao thoa của ba vòng tròn
Hình ảnh người ba dẫn con gái lên chương trình truyền hình để gọi vốn cùng lời dặn “làm chung phải chân thật, tự ái cho đúng chỗ” thực sự để lại nhiều ấn tượng với người xem. Nhưng kể lại chuyện này, người con gái trong hình ảnh trên - CEO BLUSAIGON Tôn Nữ Xuân Quyên thẳng thắn, đó là cách nói né đi, còn điều ba cô muốn nhắn gửi với con gái là “không sợ xấu hổ”.
Vốn là du học sinh ưu tú ngành tài chính - kinh doanh tại Đại học Brigham Young (Mỹ), sau khi tốt nghiệp, Xuân Quyên có nhiều cơ hội phát triển nếu ở lại đất nước này, nhưng cô chọn Việt Nam.
“Lý do cũng không có gì đặc biệt”, Quyên nói. Đại học Brigham có slogan là đến để học, ra đi để phục vụ. “Tại sao mình không chọn Việt Nam để phục vụ? Nếu ai cũng đi du học và trở về xây dựng đất nước, mang sản phẩm Việt vươn tầm quốc tế và tạo việc làm cho người Việt Nam thì sẽ tốt biết bao”, Quyên đã nghĩ như vậy.
Về nước không lâu, CEO 8x tình cờ biết đến sản phẩm cơm kẹp đang được bán tại Hà Nội. Một phần vì tò mò, một phần nhận thấy sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ tại TP.HCM, Quyên quyết định dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B).
Cửa hàng đầu tiên khai trương vào tháng 1/2012 mang theo rất nhiều kỳ vọng của một start-up trẻ khi doanh số bán mỗi ngày chạm mức 50 triệu đồng. Tuy nhiên, các tháng kế tiếp, doanh thu không còn được như trước, công ty thua lỗ...
“Nếu lúc đó dừng lại có lẽ sẽ tốt hơn, nhưng vì trách nhiệm với các khoản nợ, tôi phải tiếp tục”, Quyên nhớ lại. Mãi đến cuối năm 2018, khi trả hết các khoản nợ, Quyên chấp nhận chuyển nhượng Công ty cho đối tác với tâm thế rất vui vẻ.
Khi đang điều hành start-up ngành F&B, Quyên đã có xu hướng trở về với thế mạnh của gia đình - sản xuất nút áo từ vỏ ngọc trai (Công ty Tôn Văn). Dù vậy, cô không chọn kế nghiệp một cách đơn thuần.
“Tôi nuôi khát khao tạo ra một sản phẩm quà tặng vừa phát huy được tay nghề của người thợ, vừa khiến người điều hành và người thợ tự hào”, Quyên bộc bạch.
Ròng rã suốt nhiều năm nghiên cứu sản phẩm, tìm điểm chung của ba vòng tròn, năm 2019, BLUSAIGON đã ra đời với một mơ ước lớn lao - bút khảm ngọc trai sẽ trở thành “tặng phẩm quốc gia” của Việt Nam.
Ba vòng tròn của Quyên gồm: nhu cầu xã hội cần (mà bút thì ai cũng cần); điểm mạnh của mình (khảm trai là công việc của gia đình, có máy móc, có lợi thế nguồn cung vỏ trai, nhân sự lành nghề) và điều mình thích.
“Lớn lên với sự đẹp đẽ, lấp lánh của các loại vỏ ốc, ngọc trai, quan sát mô hình kinh doanh của gia đình hơn hai thập kỷ, tôi yêu thích ngọc trai và vỏ sò một cách đặc biệt”, Quyên kể.
Tính toán là vậy, nhưng thời điểm bắt đầu không hề dễ dàng. Rào cản lớn nhất là thói quen, tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt, nhất là ở phân khúc cao cấp. Ngay cả Quyên, do không có thói quen sử dụng hàng hiệu, trong 2 năm đầu, cô vẫn lúng túng trong các khâu thiết kế sản phẩm, trưng bày, làm website, vận hành, chăm sóc khách hàng... bởi “có những thiết kế mình thấy đẹp, nhưng khách không nghĩ vậy”.
Nâng tầm nghề khảm của người Việt
Dấu ấn của BLUSAIGON là tạo ra từng chiếc bút “không giống chiếc nào”, nhờ sự khác nhau của những đường vân, xà cừ trên lớp vỏ, nhưng điều khiến CEO Tôn Nữ Xuân Quyên luôn tự hào là mỗi chiếc bút được tạo ra từ sự kết hợp giữa công nghệ và thủ công (Craft - Tech).
- CEO Tôn Nữ Xuân Quyên
Thời điểm chưa làm chủ công nghệ, phôi gia công khoen bút hay dắt bút dù được đặt hàng ở nước ngoài, nhưng khi về đến Việt Nam vẫn có độ chênh lệch. 10 chiếc bỏ hết 5, 6. Do đó, sau khi nhận được 2 gói đầu tư từ Intracom Invest và Quỹ đầu tư Fibo Capital Việt Nam vào năm 2022, cô quyết định đầu tư một máy sản xuất tự động để làm chủ quá trình sản xuất toàn bộ linh kiện.
Tất nhiên, đó chỉ mới là phần thô. Để hoàn thiện, mỗi chiếc bút cần thêm 24 - 72 giờ, trải qua hơn 30 công đoạn như cắt, mài, ráp, khảm... hoàn toàn bằng thủ công của hơn 100 nghệ nhân lành nghề.
“Trước đây, khi nhắc đến hàng thủ công mỹ nghệ, phần đông người tiêu dùng thường nghĩ đến những món hàng kiểu giả sơn mài được bày bán ở các khu chợ, cửa hàng dành cho khách du lịch. Mong mỏi của tôi chính là thông qua những chiếc bút nhỏ bé, có thể góp phần thay đổi suy nghĩ đó”, nữ CEO nói. Cô nhấn mạnh, khi công nghệ kết hợp với thủ công mới thực sự là đỉnh cao, bởi thủ công chỉ nên tập trung vào sáng tạo, không nên làm những thứ lặp đi, lặp lại.
Với sự tinh tế gần như độc bản trong mỗi chiếc bút, cô khao khát và muốn biến bút khảm ngọc trai trở thành món quà tặng quốc gia.
“Tôi thường cùng ba tham gia với đoàn bác sĩ Nhật để mổ sứt môi, hàm ếch cho trẻ em Việt Nam. Mỗi lần như vậy, họ mong muốn mang quà tặng Việt Nam về Nhật để làm kỷ niệm. Nhưng tại thời điểm đó, chúng tôi không thấy được món quà đáp ứng mong muốn, nếu có, thì cũng rất cồng kềnh”.
Nhận thấy khoảng trống trên thị trường, cô cùng ba lên ý tưởng cho ra đời một thương hiệu bút có thể trở thành quà tặng quốc gia. Trong mỗi chiếc bút, cô sẽ kể những câu chuyện mang văn hóa Việt, tôn vinh tài hoa nghệ nhân Việt và bản sắc làng nghề truyền thống Việt Nam.
Bước đầu, BLUSAIGON đã giới thiệu bộ sưu tập bút mang hơi thở của các địa danh, câu chuyện lịch sử như Tả Thanh Thiên - lấy cảm hứng từ kiến trúc đài nghiên tháp bút thuộc khu di tích đền Ngọc Sơn.
Sắp tới, start-up này sẽ tiếp tục kể những câu chuyện rất Việt Nam như bộ sưu tập 18 đời Vua Hùng với 18 chiếc bút thể hiện những nét hoa văn mang biểu tượng của từng đời Vua Hùng hay chiếc bút kể về Nam Phương Hoàng Hậu.
Đặc biệt, đầu năm 2023, Công ty sẽ cho ra mắt dòng sản phẩm đặc biệt mang tên BLU-1997 với phiên bản NFT vô cùng độc đáo…
Hiện tại, đội ngũ thiết kế của BLUSAIGON không chỉ gồm những nhà thiết kế người Việt, mà còn có nhà thiết kế người Pháp, nhà thiết kế người Đức - một trong những nhà thiết kế cho thương hiệu bút Montblanc. Điều này sẽ giúp những sản phẩm của Công ty vừa kể được câu chuyện Việt Nam rất gần gũi và tinh tế, vừa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ của khách hàng quốc tế.
Phải làm tốt từ cái nhỏ nhất
Với BLUSAIGON, có thể sẽ mất nhiều năm, thậm chí 20 - 30 năm mới tạo nên một thương hiệu thực sự đẳng cấp của Việt Nam, nhưng điều CEO Tôn Nữ Xuân Quyên quan tâm hơn là sự kế thừa thế hệ.
Bởi, gia đình Quyên thường tự nhận là “gia đình trùm sò” - gia đình chuyên làm các sản phẩm từ vỏ sò, nhưng cô hy vọng, BLUSAIGON không chỉ là công ty “cha truyền con nối” mà trở thành thương hiệu được phát triển qua 4, 5 thế hệ… Một di sản được kế thừa và tiếp nối, đối với cô là sự khẳng định quý giá nhất.
Tất nhiên, đó là kỳ vọng tương lai. Giờ đây, khi ngẫm lại hành trình 10 năm khởi nghiệp, cô cho biết đã thấm nhuần nhiều bài học quý giá, đó là sự khiêm nhường và phải làm thật tốt từ những cái nhỏ nhất.
“Khi khởi nghiệp không tránh khỏi cảm giác phải đi một mình và rất cô đơn, nhưng đừng buồn vì sẽ sớm tìm được những người đồng chí hướng chia sẻ cả về vật chất và tinh thần”, Xuân Quyên tâm niệm.
Với Quyên, thành công nhất trong năm 2022 không đến từ kết quả kinh doanh, mà đến từ việc kết nối với các quỹ đầu tư và tái cấu trúc toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị cho mục tiêu IPO trong 5 năm tới.
“Tôi tin, nếu có đủ khát vọng, cả... dân tộc sẽ cùng giúp các bạn thực hiện ước mơ. Tới bây giờ, tôi không hoài nghi về con đường mình chọn. Khởi nghiệp có nhiều khó khăn, nhưng mang lại cho mình niềm vui lớn lao”, Quyên trải lòng.
Chị có nghĩ mình đang khởi nghiệp trong một lĩnh vực đầy thử thách, nhất là với sản phẩm bút cao cấp?
Đây là thử thách, song cũng là cơ hội. Bởi để bán sản phẩm tinh tế, bạn phải là người tinh tế. Thực tế này giúp tôi và toàn bộ nhân viên trở thành người kỹ tính và sâu sắc hơn.
Châm ngôn của chị trong kinh doanh?
Đừng quan tâm nhiều đến đối thủ, mà hãy phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình mỗi ngày.
Hành trình khởi nghiệp trong 10 năm qua cho chị bài học gì?
Phải thiết kế và duy trì bộ máy quy mô nhỏ thật nhuần nhuyễn và khác biệt, sau đó nhân rộng ra, thì sẽ dễ dàng hơn. Chưa có quy trình, chưa tạo được khác biệt mà làm lớn, thì chỉ nhân rộng thảm họa thôi.
Là con gái của một doanh nhân rất thành công, có bao giờ chị thấy áp lực vì chuyện đó?
Áp lực người kế thừa hoàn toàn không xuất hiện trong gia đình tôi.
Tuy nhiên, khi không có áp lực, tôi lại thấy mình sống không có mục tiêu, nên đã tự tạo áp lực cho mình từ nhỏ.