Mua lại mảng kinh doanh điện thoại từ LG Electronics là con đường giúp Vingroup nhanh chóng đưa VinSmart tiến ra thị trường thế giới |
Nghĩ về nhau…
Khi cánh cửa của năm 2020 gần khép lại cũng là lúc cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đón nhận tin VNPay trở thành start-up kỳ lân thứ hai của Việt Nam sau VNG, theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 từ Google, Temasek và Bain & Company dành cho khu vực Đông Nam Á.
Với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, VNPay được định giá 1 tỷ USD. Cùng với 12 start-up trong khu vực, VNPay là một trong những start-up dịch vụ thanh toán, tài chính nhận rót vốn lớn trong năm 2020 trên toàn khu vực, góp phần giúp tổng lượng vốn đầu tư vào các start-up fintech Đông Nam Á đạt mức kỷ lục 1,7 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2019.
Thông tin này ngay lập tức đánh thức kỳ lân đầu tiên của Việt Nam được gọi tên 6 năm trước - VNG.
Kỳ lân này đã trải qua lần thổi nến thứ 16 một cách rất đáng nhớ với chủ đề “Nghĩ về nhau”. Ngoài việc chứng kiến đại dịch đáng nhớ trong lịch sử hiện đại của thế giới năm 2020, mỗi người VNG dành thời gian suy ngẫm chuyện của riêng mình.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, kiêm CEO VNG |
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, kiêm CEO VNG cũng có tâm tư. Chưa lúc nào ông thấy “đế chế” VNG mà ông cùng các cộng sự gây dựng lại trở nên nhỏ bé như thế. “Có những thay đổi vượt khả năng kiểm soát, khống chế, mà con người VNG bất lực, không làm gì được, ngay cả các nước phát triển nhất cũng bất lực, không xử lý hoàn toàn được”, ông Minh chia sẻ.
Với sự nhỏ bé của quốc gia, cá nhân, trước thách thức lớn đến từ thiên nhiên, sự phức tạp của thế giới hiện đại, cách duy nhất để vượt qua là đoàn kết, đồng lòng và nghĩ về những người xung quanh của mình.
VNG khởi nghiệp với các game thủ trẻ, đầy nhiệt huyết và đã thành “ông lớn” với hơn 3.000 người, 11 văn phòng trên 5 quốc gia; sản phẩm chính thức có mặt ở trên 100 quốc gia. Những sản phẩm của VNG đang có hàng chục triệu người dùng tại Zalo, ZaloPay, ZingPlay, Zing MP3…
Sau 16 năm, VNG đang mạnh dạn bỏ đi giới hạn của thị trường Việt Nam để hướng tới thách thức của thị trường toàn cầu, đặt ra một khát vọng mới cho 5 năm tới. Vào năm 2023, sẽ có 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới (thanh toán, trí tuệ nhân tạo) và 320.000 khách hàng doanh nghiệp...
Theo ông Minh, đó là những con số “điên rồ”. Nhưng điều quan trọng hơn là trên chặng đường 5 năm tới, thậm chí dài hơn thế, VNG sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời, những câu chuyện đáng để tự hào và những khoảnh khắc không thể quên khi cùng nhau đón nhận thách thức mới.
Có rất nhiều thách thức đến từ lĩnh vực kinh doanh mới, vốn không phải là sân chơi của VNG. VNG không còn là một start-up năng động, tốc độ và trẻ trung nữa. Thách thức nội tại lớn nhất của VNG lúc này là cân bằng được tầm vóc và bộ máy của một doanh nghiệp lớn với tinh thần và tốc độ của một đội ngũ khởi nghiệp.
Nhưng suốt chừng ấy năm, ông Minh vẫn giữ được ngọn lửa luôn cháy, vẫn nguyên cảm xúc mỗi khi nhìn thấy các sản phẩm mà VNG làm ra được hàng triệu người, hàng tỷ người đón nhận, sử dụng. Tầm ảnh hưởng tới cộng đồng là thành quả để ông khỏa lấp tất cả những cảm xúc khó chịu khác trong năm qua.
Bài học quan trọng mà VNG có được trong 5 năm qua là khi đang thành công và rất bận rộn với các sản phẩm hiện tại, thì vẫn cần quyết liệt và không ngần ngại thử nghiệm những sản phẩm và hướng đi mới. Xây dựng một tương lai “vô định” là một trải nghiệm rất đáng sợ, nhưng rất hứng khởi.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch, kiêm CEO VNG
Sau 15 năm phát triển, VNG bắt đầu cảm nhận rất rõ những giới hạn của sự phát triển. Muốn bước lên nấc thang mới, một số mảng kinh doanh của VNG phải có quy mô lớn hơn hiện tại nhiều lần. Kế tiếp, VNG phải tiến vào những mảng kinh doanh mới, những thị trường chưa từng làm. Tất cả đòi hỏi năng lực của con người VNG, từ công nghệ đến sản phẩm, kinh doanh, phải không ngừng được nâng tầm. Điều đó phụ thuộc vào đội ngũ kế cận, những người sẽ ngồi vào những chiếc ghế chủ chốt của VNG. Đây là chuyện quan trọng nhất mà VNG phải làm, thậm chí còn vượt trên chuyện xây dựng sản phẩm.
Ước mơ của ông Minh cũng là kỳ vọng của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT.
Ngọn cờ “Make in Vietnam” đã được giương lên trong năm qua. Trong khi chờ sự đồng lòng, chung sức của Nhà nước và các doanh nghiệp số để tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ, có sức cạnh tranh quốc tế, FPT phải tập hợp được nhiều anh em, nhiều doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn kế hoạch để xây dựng sản phẩm không chỉ ở Việt Nam mà phải vươn ra thế giới.
Lẻ tẻ từng việc, FPT đã ra thế giới, có sản phẩm đứng top thế giới, nhưng tổng thể vẫn là một cá thể nhỏ. Việt Nam cần có những sản phẩm đáng kể để phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn ra thế giới.
“Tôi không thấy một ai trên thế giới này có ý đồ phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi ở Việt Nam có 97% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đấy là khát vọng lớn của chúng tôi hôm nay”, ông Bình bày tỏ với giới truyền thông.
Chuyển đổi số hay xây dựng hệ sinh thái “Make in Vietnam” được ông Bình coi là cuộc cách mạng khó khăn, nhưng ông tin, không có lý do gì Việt Nam không đi được; chỉ cần có sự đồng tâm, đồng lòng là có thể làm được. Bằng chứng là, với kinh nghiệm vận hành và phát triển, FPT đã đi qua con đường nhiều chông gai, nhiều lúc muốn buông bỏ, nhưng cuối cùng, FPT đã vượt được khó khăn, đã đến với thế giới và được chào mời.
Cũng tại thời khắc đầu năm 2021, truyền thông thế giới loan tin Vingroup đang đàm phán mua lại LG Mobile - hãng điện tử Hàn Quốc. Thông tin chưa được đôi bên xác nhận, nhưng có những dấu hiệu cho thấy, lời đồn có thể thành sự thật nay mai. Hiện tại, công ty con VinSmart của Vingroup là đối tác ODM của LG và cũng là nhà sản xuất smartphone lớn tại Việt Nam (sau Samsung Electronics và Oppo). Nếu mua lại mảng kinh doanh điện thoại từ LG Electronics, họ có thể tạo ra một bước nhảy vọt đáng kể. Vingroup muốn tiếp quản bộ phận kinh doanh điện thoại LG tại Mỹ. Đây là con đường giúp họ nhanh chóng tiến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2020, LG vẫn chiếm 12,9% thị phần tại đây.
Dù mọi chuyện vẫn chưa được định đoạt, nhưng đi cùng với sự đau đáu cần vượt xa khỏi biên giới Việt Nam, thì việc Vingroup muốn các công ty của mình tiếp tục bổ sung vào danh mục các sản phẩm “đầu tiên” cho Việt Nam luôn hiện hữu. Điều này biến thành động lực để Vingroup tận dụng cơ hội trong khủng hoảng.
“Khủng hoảng luôn mang theo rất nhiều cơ hội và chúng tôi phải lựa chọn đúng, hành động nhanh nhất có thể. Chúng tôi muốn làm điều mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khác chưa làm được. Đó là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm của chúng tôi để phát triển một thương hiệu Việt mang uy tín thế giới”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định với giới truyền thông.
Những động thái nói trên hẳn dễ hiểu, bởi khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều kinh nghiệm và tìm đến các sản phẩm trên thị trường quốc tế, thì mỗi doanh nghiệp Việt, dù nhỏ hay lớn, đều nên hướng đến cuộc chơi toàn cầu. Điều quan trọng hơn là, khi phải so kè, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mỗi ngày, tinh thần tự hào dân tộc càng ngày càng được hun đúc trong tâm khảm của doanh nhân Việt.
Những cú sốc và tư duy vô địch
Không quá khi nói rằng, hầu hết những người tiên phong về công nghệ đang dẫn đầu thị trường. Trên thế giới cũng vậy.
Trong đại dịch Covid-19, có những doanh nghiệp tăng trưởng tốt vì những đợt cách ly xã hội hay phong tỏa tại các quốc gia trên thế giới như kinh doanh trò chơi trực tuyến, giao hàng trực tuyến, dịch vụ họp, thiết bị họp trực tuyến, y tế, dược phẩm…
Báo cáo e-Conomy SEA 2020 chỉ ra 5 lĩnh vực đang và sẽ dẫn dắt nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á, gồm thương mại điện tử, gọi xe và giao đồ ăn, du lịch trực tuyến, truyền thông số và các dịch vụ tài chính số cá nhân. Đó sẽ là những lĩnh vực cần những sản phẩm, dịch vụ mới để giải quyết những vấn đề còn ngổn ngang của xã hội, nền kinh tế trong nước.
Mặc dù không có công thức bí mật để thành công, nhưng có một điều cực kỳ quan trọng từ những câu chuyện của họ. Những người sáng lập doanh nghiệp hay khởi nghiệp thành công thường được ca ngợi là “siêu nhân”, nhưng họ chỉ là những người bình thường có tư duy, lối sống khác thường của một doanh nhân. Những câu chuyện truyền cảm hứng của họ về việc vượt qua nghịch cảnh, được thúc đẩy bởi lời hứa về sự giàu có, thịnh vượng, trách nhiệm với cộng đồng.
Đến giờ phút này, những bài học từ đại dịch ít nhiều đều giúp các nền kinh tế có thêm kinh nghiệm để phát triển hiệu quả hơn trong tương lai. Các doanh nhân đều thừa nhận, để thử thách bản lĩnh kinh doanh, luôn cần phải có một cú sốc, một cú choáng, để mọi người trên cùng thuyền, vào cùng thời điểm đó, nhận thấy rõ là có thể tạo ra sự thích nghi riêng, để tồn tại và nghĩ về nhau nhiều hơn.
Việc đối mặt với nghịch cảnh là một trong những yếu tố của cái gọi là “tư duy vô địch”. Những nhà vô địch thực sự trong cuộc sống, trong kinh doanh phải có những phẩm chất đặc biệt, như vui khi đối mặt với nghịch cảnh, nỗ lực hết mình để lao về đích. Tư duy này sẽ luôn truyền cảm hứng cho doanh nhân, không chỉ để nhận thức bản thân, mà còn để làm gương cho đội ngũ nhân viên.
Trong phần lớn sự nghiệp kinh doanh của những doanh nhân thành công, dù bị từ chối nhiều lần và trải qua vô vàn thử thách, họ vẫn yêu công việc kinh doanh của mình mỗi ngày. Sau đó, khi tạo ra được mô hình kinh doanh, các sản phẩm toàn cầu, họ vẫn mang suy nghĩ đó vào công việc hàng ngày và sử dụng nó để thúc đẩy nhân viên của mình. Nói cách khác, khi họ nhìn thấy đồng đội, họ trở nên mạnh mẽ, điều này làm họ thấy công việc của mình có ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống hơn.