Tiêu dùng
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng vì sức mua hàng Tết 2021
Thế Hoàng - 05/02/2021 09:40
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2021 đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2021 đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2020.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2021 đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Sở dĩ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng cao, bởi tháng 01/2021 là thời điểm trước Tết Nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, doanh thu của mảng du lịch lữ hành tiếp tục giảm sâu 62% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ ăn uống cũng sụt giảm 4,1% do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận 378,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức  và giảm 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác tháng 01 ước tính đạt 50,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng mức và tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

Theo đó, về nguồn cung hàng hóa: công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...

Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.

Một số địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình Bình ổn thị trường. Có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong đó có 26 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình Bình ổn thị trường.

Lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá thực hiện Bình ổn thị trường nói riêng dịp Tết Nguyên đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào. Ước lượng hàng hoá tham gia Bình ổn thị trường tại các đại phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Tại một số tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.

Tin liên quan
Tin khác