Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019. |
Phát triển thị trường trong nước được đẩy mạnh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, thương mại trong nước ngày càng được cải thiện, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ...là những dấu ấn của thị trường trong nước năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng 2,6%, đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2019 tăng 12,23%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 12 tháng đạt 3.996 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,0% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,15%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2020 ước đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 12,97% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức và giảm 59,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 534,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng mức và giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 ước gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 9,4%/năm.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định. Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ (Co.opmart: 90 - 93%, Satra: 90 - 95%, Vinmart: 96%...) và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Lotte, Big C: 90%, AEON, Citimart: 82 - 85%...).
Vụ Thị trường trong nước cho biết, năm qua, cung cầu hàng hóa về cơ bản được bảo đảm nhưng vẫn có những biến động do mất cân đối cục bộ (như việc tăng giá đối với mặt hàng thịt lợn, giảm giá đối với một số mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch rộ), còn thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng.
Công tác thông tin, dự báo còn hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất và tính đồng bộ về số liệu thống kê... nên còn có những khó khăn trong việc đánh giá tổng thể thị trường để chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời trước biến động khó lường của thị trường.
Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại còn ít. Hệ thống hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa (bao gồm cả kho lạnh) chưa theo kịp với nhu cầu phát triển.