Các nhà mạng đang cơ cấu lại sản phẩm,trở thành nhà cung cấp dịch vụ số để tăng trưởng trong giai đoạn tới |
Phía sau con số tăng trưởng đẹp
Nếu nhìn vào con số báo cáo thì ngành viễn thông là một trong những ngành hiếm hoi “sống khỏe”, tăng trưởng tốt trong dịch bệnh. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của cả 3 đại gia viễn thông về doanh thu đều khá sáng sủa.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Viettel đạt 128.600 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 19.900 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Còn VNPT tổng doanh thu đạt 26.503 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất toàn VNPT đạt 3.686 tỷ đồng, tương đương 48,2% so với kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, MobiFone cho biết, doanh thu phát sinh công ty mẹ đạt 15.551 tỷ đồng, hoàn thành 51,8% kế hoạch năm, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 2.038 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Thế nhưng, doanh thu nêu trên không chỉ thuần là doanh thu của mảng viễn thông, mà bao gồm nhiều mảng khác như doanh thu bán thiết bị, sản phẩm, dịch vụ số khác. Trên thực tế, ngành viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn khi dịch vụ truyền thống là thoại và SMS suy giảm, nhu cầu sử dụng dịch vụ xuống thấp.
“Diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của Viettel. 95% điểm bán tại TP.HCM và 80% điểm bán tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Thuê bao di động suy giảm do người dân giảm bớt số lượng sim và tiêu dùng viễn thông”, đại diện Viettel nói.
Còn theo MobiFone, thực hiện giãn cách xã hội nên người dân ở nhà nhiều và làm việc trực tuyến, do vậy dẫn đến các dịch vụ viễn thông cơ bản, đặc biệt là thoại bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhà mạng.
Ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Vinaphone cho biết, các khó khăn do Covid-19 từ 2 năm qua không những không giảm mà còn nhiều thêm. Cả nền kinh tế, đặc biệt là khách hàng, hộ khách hàng cá thể, đã phải chịu khó khăn suốt cả giai đoạn, nên nhu cầu cũng giảm nhiều. Nhà mạng cố gắng giữ được thuê bao không bị mất đi, doanh thu không bị âm đã là rất tốt.
Theo đánh giá chung của Cục Viễn thông, trong 6 tháng qua, thuê bao di động mới chỉ tăng 0,09% (hiện cả nước có 123,03 triệu thuê bao); thuê bao 3G, 4G tăng 5,78% (68,08 triệu); thuê bao Internet tăng 14,65% (đạt 18,18 triệu thuê bao). Việc thuê bao di động tăng trưởng chậm cho thấy thị trường đã bão hòa và dịch chuyển từ thoại, SMS sang data đang rất mạnh mẽ.
Trên thực tế, ngành viễn thông hiện vẫn phụ thuộc lớn vào việc khai thác hơn 123 triệu thuê bao di động, thị phần gần như đã được định hình nên các nhà mạng hiện nay chỉ có thể cải thiện kết quả kinh doanh bằng việc tối đa hóa các giá trị gia tăng trên các thuê bao hiện có. Cùng với đó, sự cạnh tranh quyết liệt về thị phần khiến các doanh nghiệp viễn thông phải liên tục triển khai các gói ưu đãi, giảm giá cước viễn thông, đồng thời phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thực sự là một thách thức không nhỏ. Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống cũng bị ảnh hưởng lớn bởi sự phổ biến của các ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí.
Chiến lược mới của các nhà mạng
Để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này, ngay từ đầu năm 2021, Tập đoàn VNPT đã có những hành động cụ thể như điều chỉnh chính sách động lực, cơ cấu lại sản phẩm, tổ chức kinh doanh các sản phẩm hiện có, nâng tốc độ các gói cước di động. VNPT cũng đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng là các tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng, hiệp hội; tiếp tục triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về chuyển đổi số.
“VNPT phải chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ. VNPT phải là một tập đoàn công nghệ hàng đầu Quốc gia, tiên phong trong việc nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết.
Cùng với việc xác định trở thành đầu tàu cung cấp dịch vụ số cho chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức ở nhiều lĩnh vực, VNPT còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái cho hàng triệu gia đình tại Việt Nam.
Với Viettel, từ năm 2018, nhà mạng này đã nhận thấy cần phải thay đổi, bởi viễn thông truyền thống đang giảm sút, thế giới đã chuyển sang một hướng đi mới là dịch vụ số và rất nhiều công ty không phải viễn thông nhưng lại rất thành công như Alibaba, Facebook, Amazon… Họ dựa vào nền tảng viễn thông, khách hàng viễn thông, nhưng lại cung cấp dịch vụ của họ.
Viettel đã xác định phải chuyển dịch từ nhà khai thác viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số để thực hiện được sứ mệnh “kiến tạo xã hội số”. Viettel đã hình thành nên 6 lĩnh vực chủ đạo để kiến tạo xã hội số gồm: hạ tầng số; giải pháp số; nội dung số; tài chính số; an ninh mạng và nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Đến nay, cả 6 lĩnh vực này của Viettel đã vận hành và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho xã hội.
Còn MobiFone trong định vị chiến lược mới của mình cũng đã xác định trở thành một trong những doanh nghiệp số đi đầu tại Việt Nam, nhà cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số, nội dung số. Theo đó, MobiFone phát triển dựa trên chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, đi đầu phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ mạng di động 5G; xây dựng và phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; triển khai các công nghệ mới có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Big Data và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR); phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ chính phủ số, chính phủ điện tử; xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ dẫn dắt các doanh nghiệp khác chuyển đổi số.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông