Xứ sở của các loài hoa
Làng sinh vật cảnh Hồng Vân nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Nam. Nằm trong vùng ngoại thành và vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội, Hồng Vân hội tụ đầy đủ những nét đẹp yên bình của một làng quê ven đô với đặc trưng của nền nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là nghề trồng cây cảnh.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, đầu những năm 2000, người dân ở xã Hồng Vân phát triển mạnh nghề trồng cây cảnh. Năm 2008, làng Cơ Giáo và làng Xâm Xuyên được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Năm 2012, xã tiến hành dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ra đời năm 2014 là hạt nhân làm du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Năm 2018, xã Hồng Vân được UBND TP. Hà Nội công nhận là Điểm du lịch làng nghề và năm 2019 được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, đến nay đã được thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cuối năm 2022, Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
- Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội
9 tháng đầu năm 2023, xã Hồng Vân đón 150.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu từ du lịch đạt trên 6 tỷ đồng.
Cùng với những lợi thế về tự nhiên và nông nghiệp, xã Hồng Vân còn tổ chức nhiều sự kiện để mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách như: lễ hội hoa xuân, lễ hội tình yêu, đêm hội hoa đăng và đặc biệt là Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Với bề dày trầm tích văn hóa gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, hệ thống dấu tích như Chợ mới Ông già, Bãi tắm Nàng tiên hay Nhà bia Tiến sỹ Nguyễn Ý (thời nhà Nguyễn) đang được địa phương phục dựng và bảo tồn trên nền tảng khoa học và lịch sử.
Để tạo ấn tượng với du khách về điểm đến xanh, chính quyền xã Hồng Vân tích cực vận động nhân dân xây dựng lối sống xanh. Hệ thống hạ tầng đường thôn xóm được nâng cấp, mở rộng, trồng cây xanh, trồng hoa... nhờ các phong trào như: Chủ nhật xanh, “5 không 3 sạch”, tuyến đường nở hoa. Với 30 con đường hoa mang những màu sắc khác nhau, xã Hồng Vân được khách du lịch ví như “xứ sở của các loài hoa”.
Liên kết, tạo chuỗi tham quan đặc sắc
Ông Nguyễn Văn Phượng cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã Hồng Vân đã có nhiều thay đổi tích cực. Xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách; đưa kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo xã Hồng Vân cũng thẳng thắn nhìn nhận, do mới phát triển du lịch, nên địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vì điểm du lịch tại xã đang trong quá trình tiếp tục đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Hiện du khách đến địa phương chủ yếu tham quan trong ngày, ít khách lưu trú qua đêm, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp cũng chưa có nhiều. Do đó, xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện, thành phố cho phép khai thác điểm dịch vụ trên đất nông nghiệp.
“Hiến kế” cho xã Hồng Vân đẩy mạnh phát triển du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng: “Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, với chủ thể Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân cần liên kết với các làng nghề đặc trưng của các xã xung quanh như làng Chiếu hạt của xã Nhị Khê; làng Tranh tứ quý gỗ mít của xã Tô Hiệu, làng Túi vải thêu tay của xã Nguyễn Trãi, làng “Khoai tây” của Hợp tác xã nông nghiệp Hà Hồi... để tạo thành chuỗi tham quan đặc sắc, độc nhất vô nhị, khiến du khách nhất định phải đến Hồng Vân khi du lịch Hà Nội”.