Ông Đinh Thế Anh, Phó Tổng giám đốc, Bộ phận Tư vấn giao dịch, Trưởng bộ phận Mua bán và Sáp nhập (M&A), KPMG Việt Nam |
Với sự suy giảm trong số lượng thương vụ và sự tăng cường việc bảo đảm tính khả thi về lợi nhuận, các doanh nghiệp và nhóm quản lý đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn phát triển. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn hiện tại, chúng tôi vẫn có những kỳ vọng tích cực trong tương lai tới…
Giai đoạn cuối năm 2022, thị trường M&A Việt Nam đã có nhiều tín hiệu cảnh báo về sự ngưng trệ trong thời gian tới, đặc biệt là số lượng thương vụ đến từ các quỹ tư nhân/mạo hiểm (PE/VC). Đến thời điểm hiện tại, thị trường M&A Việt Nam đang trải qua thời kỳ được coi là khó khăn nhất. Tổng số giao dịch M&A trên thị trường trong năm 2022 giảm 14% so với 2021. Sự suy giảm này tăng tốc từ sáu tháng cuối năm 2022 và bắt đầu gia tăng mạnh vào đầu 2023. Trong năm tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận số lượng giao dịch giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chỉ tính số lượng thương vụ đến từ PE/VC, con số này giảm 75% trong năm tháng đầu năm 2023.
Doanh nghiệp trong hầu hết các ngành hay các giai đoạn tăng trưởng đểu gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Quá trình kêu gọi vốn trong hai năm trở lại đây thường kéo dài do nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, yêu cầu nhiều thông tin, số liệu tài chính chi tiết để kiểm chứng cho luận điểm đầu tư của họ. Từ đó dẫn đến xác suất thành công của các giao dịch M&A trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày các thách thức chính của các thương vụ hiện nay, và đưa ra quan điểm của chúng tôi về thời gian tới.
Khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất là nhà đầu tư đang chuyển dịch khẩu vị đầu tư sang các mô hình kinh doanh sinh lợi nhuận bền vững.
Theo quan sát của chúng tôi, trước áp lực suy thoái và bất ổn kinh tế, phần lớn các quỹ PE/VC tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đang sinh lợi nhuận và bỏ qua các doanh nghiệp có lợi nhuận âm. Hoặc, tập trung danh mục đầu tư vào các danh nghiệp sẽ có lợi nhuận trong thời gian ngắn hơn. Các doanh nghiệp có điểm hòa vốn sau 3 - 4 năm nhận được ít sự quan tâm hơn doanh nghiệp sẽ đạt điểm hòa vốn sau 1 - 2 năm. Đây là bất lợi to lớn cho các doanh nghiệp có ý định gọi vốn, bởi nếu nhìn lại quý IV/2022, lợi nhuận ròng của công ty niêm yết trên HNX và HOSE giảm 30,4%. Sang đến quý I/2023, theo thống kê từ Công ty chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng tiếp tục giảm 50% (sau khi loại trừ nhóm ngân hàng và nhóm công ty trong hệ sinh thái của Vingroup) so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp, kèm theo một số thành phần chi phí vẫn giữ ở mức cao.
Điều này phản ánh bối cảnh chung mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt: khó khăn trong tăng trưởng doanh thu, biên lợi nhuận đang bị thu hẹp; các doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2022 nay càng khó để hồi phục trong năm 2023. Với tình hình kinh doanh trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp khó có thể thể thuyết phục nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng vượt trội, cũng như lợi nhuận trong tương lai.
Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong thương lượng về định giá doanh nghiệp. Thông thường, hai phương pháp phổ biến để xác định giá trị doanh nghiệp trong các thương vụ M&A bao gồm: phương pháp so sánh thị trường (market approach) – sử dụng hệ số định giá (valuation multiples) của các công ty, giao dịch tương quan, và phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) – dựa trên dự phóng dòng tiền tương lai.
Market approach thường được các PE/VC sử dụng vì đơn giản hơn phương pháp DCF. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, valuation multiples của các công ty niêm yết hiện đang giảm sút đáng kể. Theo Mirea Asset Securities, P/E của các công ty niêm yết đã giảm từ mức cao nhất 18x P/E vào tháng 4/2022 xuống còn 12x P/E vào tháng 4 năm nay. Trong khi việc đạt được thống nhất giữa các bên đối với valuation multiples có thể dễ dàng dựa trên nền tham khảo của các doanh nghiệp niêm yết, việc quyết định sử dụng kết quả kinh doanh trong thời điểm nào làm cơ sở cho định giá lại là bài toán khó mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đàm phán. Nếu sử dụng kết quả kinh doanh giảm sút của năm 2023 làm cơ sở định giá sẽ gây bất lợi cho bên bán.
Mặt khác, nếu định giá dựa trên một phần hoặc toàn bộ dự toán kết quả kinh doanh năm 2024 và rót vốn dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi (convertible loan) hoặc giải ngân dựa vào KPI sau thương vụ (earnouts), doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro cao kết quả kinh doanh 2024 sẽ không đạt dự tính khi nền kinh tế hiện chưa ổn định.
Theo kinh nghiệm thực tế chúng tôi quan sát thấy, sau khi nhiều doanh nghiệp đã có phán đoán chưa đúng về nhu cầu thị trường giảm mạnh hơn dự tính trong quý IV/2022 và quý I/2023; hầu hết các doanh nghiệp đã không còn tự tin với dự toán kết quả doanh cho năm tới. Tóm lại, việc đàm phán định giá, đặc biệt là việc sử dụng kết quả kinh doanh tại thời điểm nào làm cơ sở cho định giá, vẫn sẽ tiếp tục một khó khăn đối với các thương vụ M&A cho đến khi kinh tế vĩ mô phục hồi trở lại.
Việt Nam không phải là thị trường M&A duy nhất đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tại châu Á và Đông Nam Á, dòng vốn đầu tư đến từ các quỹ PE/VC giảm mạnh sau khi đạt đỉnh năm 2020 và 2021. Riêng châu Á, tổng giá trị giao dịch năm 2022 trong khu vực giảm 44% so với 2021 và ở Đông Nam Á, con số này lên tới 50% theo báo cáo Asia-Pacific Private Equity Report 2023 của Bain &Co.
Hầu hết các PE/VC hoạt động tại Việt Nam đều có với dòng vốn ngoại và quản lý danh mục đầu tư khắp Đông Nam Á. Vậy nên, khi các PE/VC tạm dừng rót vốn vào các cơ hội đầu tư trong khu vực trước những lo ngại về suy thoái kinh tế, áp lực lạm phát và lãi suất tăng cao và bất ổn địa chính trị; thị trường M&A Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo quan điểm của chúng tôi, sự suy giảm của dòng vốn từ PE/VC chắc chắn chỉ mang tính tạm thời và đang bắt đầu có thay đổi. Việt Nam luôn là điểm sáng thu hút đầu tư từ PE/VC dựa trên khả năng tăng trưởng cao của nền kinh tế so với khu vực, cũng như các ích lợi của Việt Nam trước xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vào tháng 4/2023 đã dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,5% cho năm 2023 và 6,8% cho năm 2024. Mức dự báo tăng trưởng là mức tăng cao nhất so với các nước Đông Nam Á. Trong ngắn hạn, khu vực xuất khẩu sẽ dần hồi phục do kinh tế toàn cầu tăng trở lại trong năm 2024 cũng như phục hồi tiêu dùng trong nước cũng sẽ là một động lực gia tăng quan trọng khác. Một khi PE/VC thấy được rõ hơn bức tranh phục hồi của tăng trưởng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư hơn.