Nhưng những dự án “i nhỏ” này (innovation) hiếm khi tạo ra lợi thế cạnh tranh. Để cạnh tranh, doanh nghiệp cần những đổi mới “I lớn” (Innovation), đó là những sản phẩm hoàn toàn mới với chính công ty và thị trường. Chúng quả thực nhiều rủi ro nhưng nếu né tránh chúng, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn đối với mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn.
Nghiên cứu của Viet Research chỉ ra rằng đổi mới sản phẩm không chỉ là yếu tố quan trọng giúp các công ty duy trì sức cạnh tranh mà còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Bằng cách liên tục đổi mới và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới, các công ty có thể tạo ra các dòng doanh thu mới, thu hút và duy trì khách hàng, và đạt được sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đầy thách thức.
Nếu như trong kết quả khảo sát năm 2023 của Viet Research cho thấy, có 79,2% doanh nghiệp đã thực hiện đổi mới sản phẩm, dịch vụ thì con số này đã tăng lên 83,5% trong năm nay. Các sản phẩm mới có sáng tạo đột phá sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ trên thị trường, đồng thời dễ dàng hơn trong thu hút sự quan tâm, chú ý và đáp ứng được nhu cầu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Hình thức đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ phổ biến của các doanh nghiệp là Nâng cấp và Tạo mới, có khoảng 86% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết lựa chọn hình thức này so với tỷ lệ 82% trong khảo sát năm 2023 cũng của Viet Research.
Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu của Viet Research tháng 4-5/2024 |
Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp cần có những dự án đổi mới sáng tạo nhỏ, tạm gọi là dự án i nhỏ (innovation), để liên tục cải tiến, nhưng chúng không tạo ra lợi thế cạnh tranh và cũng không đóng góp lợi nhuận cho tổ chức. Chỉ những dự án I lớn (Innovation) nhiều rủi ro cùng những ý tưởng hoàn toàn mới mẻ với chính doanh nghiệp hoặc thị trường mới có thể giúp doanh nghiệp xâm nhập những thị trường liền kề, tiếp cận các công nghệ mới và có thể tạo ra lợi nhuận cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa các dự báo doanh thu và mục tiêu tăng trưởng.
Theo nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và cách tân sản phẩm dịch vụ của Viet Research, số lần ra mắt sản phẩm từ những đổi mới đáng kể chỉ chiếm 14% nhưng lại mang tới 61% tổng lợi nhuận đến từ dự án đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp.
Tâm lý né tránh các dự án “I lớn” đến từ quan niệm rằng chúng quá rủi ro và lợi ích (nếu có) lại nằm quá xa trong tương lai. Rõ ràng là một doanh nghiệp dễ gặp nguy cơ thất bại nếu họ thực hiện đổi mới ngoài tầm những dự án nhỏ lẻ trong thị trường quen thuộc. Tuy nhiên, hoàn toàn né tránh những dự án lớn cũng sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Giải pháp ở đây là theo đuổi một quy trình kỷ luật, có hệ thống nhằm phân bổ các dự án một cách đồng đều trên thang đo rủi ro.
Đồ thị ma trận rủi ro là một trong nhiều công cụ có thể giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán này. Đồ thị cho thấy mức độ rủi ro của danh mục đổi mới sáng tạo sản phẩm. Để cân bằng danh mục đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần hình dung rõ những dự án của họ nằm ở đâu trên thang đo rủi ro. Ma trận rủi ro áp dụng một hệ thống tính điểm và định mức rủi ro đặc trưng để ước tính khả năng thành công hay thất bại của mỗi dự án dựa vào mức độ khó khăn đối với doanh nghiệp. Thị trường mục tiêu cũng như sản phẩm hoặc công nghệ càng ít quen thuộc thì rủi ro càng cao.
Ví dụ khi Mc. Donald’s thử nghiệm sản phẩm bánh pizza, họ giả định món ăn mới này khá giống với những món hiện tại. Vì vậy, họ nhắm vào nhóm khách hàng quen thuộc. Với giả định đó, pizza sẽ là một sản phẩm quen thuộc cho thị trường hiện tại và nằm ở góc bên trái dưới của ma trận rủi ro. Tuy nhiên dự án đó cuối cùng lại thất bại. Quá trình phân tích sau đó cho thấy việc tung ra sản phẩm này chứa nhiều rủi ro. Đó là, không thể nào nướng bánh pizza và chuyển đến tay khách hàng chỉ trong vòng 30 giây hoặc nhanh hơn. Do đó, đơn hàng này gây ra tình trạng trì trệ và vi phạm nguyên tắc giao hàng nhanh của Mc. Donalds. Phân tích còn cho thấy thương hiệu của công ty không cho phép họ cung cấp pizza. Dù nhóm khách hàng chủ chốt của họ giống với những người yêu thích pizza, nhưng khách hàng đến Mc. Donalds không phải để ăn món này!
Làm thế nào để Amazon có thể phát triển như vũ bão từ một công ty kinh doanh sách online nhỏ bé vào năm 1944 để trở thành một đế chế hùng mạnh như hôm nay? Apple hùng mạnh ngày nay bắt đầu từ một nhà để xe của Steve Jobs năm 1976. Câu trả lời nằm ở những đổi mới, cách tân liên tục không ngừng nghỉ một cách thông minh và đột phá mà các lãnh đạo Amazon và Apple đã liên tục dẫn dắt công ty trải qua.
Đổi mới, sáng tạo và cách tân liên tục các sản phẩm, dịch vụ là chìa khóa mở ra cánh cửa của sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh ngày nay. Không chỉ là một chiến lược mà còn là một triết lý, cách tân thúc đẩy sự tiến bộ và tạo ra giá trị đích thực cho khách hàng và cộng đồng. Tầm quan trọng của cách tân nằm ở khả năng đáp ứng linh hoạt với sự biến đổi liên tục của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Đối diện với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp cần phải tiến hành cách tân để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và quy trình làm việc mới, giúp họ tiếp tục tồn tại và phát triển
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề Cách tân để Phát triển tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 24/6/2024 trong khuôn khổ lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024 của Viet Research và Báo Đầu tư tổ chức với các bài tham luận của các chuyên gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu trong Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024, Top 10 Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong 12 ngành kinh tế chủ lực Việt Nam năm 2024.
Diễn đàn nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tế của những người tiên phong và xu hướng của đổi mới sáng tạo trong tương lai; đồng thời đánh giá những hiện trạng, thách thức và cơ hội liên quan đến đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.
Diễn đàn kỳ vọng sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều gợi mở, động lực và quyết tâm, nhất là khi thấy những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như GE, Apple, Amazon cũng đã phải rất quyết liệt thay đổi để tiếp tục thành công.