. |
Điểm tựa cho nhà mạng
Theo số liệu của Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TT), kết thúc năm 2020, Việt Nam đã có hơn 1 triệu km cáp quang được triển khai đến 100% xã, phường trên cả nước, cung cấp Internet cáp quang tới 58,34% hộ gia đình với tổng số thuê bao đạt mốc hơn 15,6 triệu.
“Số thuê bao băng rộng gồm cố định và di động đã có sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ hai chữ số, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 15%/năm (băng rộng cố định), 22%/năm (băng rộng di động) và tiếp tục duy trì đà tăng ổn định trong những năm tới”, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cũng cho hay, Internet băng rộng của VNPT đã có sự tăng trưởng ổn định trong năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn khách quan như Covid-19 và đợt bão lũ miền Trung kéo dài. Cụ thể, doanh thu băng rộng của VNPT tăng 5,5%, thuê bao tăng 39%.
Còn Viettel hiện đã phát triển mạng siêu băng rộng với 360.000 km cáp quang đến hầu hết các huyện, xã và hiện nhà mạng này có khoảng 6 triệu thuê bao Internet cáp quang.
Ông Đỗ Minh Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, năm 2020, Internet cáp quang của Viettel đã có sự phát triển rất ấn tượng, góp phần rất lớn không chỉ về doanh thu, mà còn là nền tảng để Viettel cung cấp các dịch vụ như truyền hình, nội dung số khác.
Năm 2020 cũng ghi nhận sự gia nhập thị trường của MobiFone với dịch vụ ILL (Internet Leased Line). Đây là dịch vụ đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao, có cổng kết nối quốc tế riêng biệt dành cho các văn phòng, công ty có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ.
Viettel, FPT và VNPT đang là 3 đơn vị cung cấp mạng Internet cáp quang lớn nhất trên thị trường viễn thông Việt Nam, chiếm tổng thị phần lên đến hơn 92%. Trong năm 2020 tiếp tục diễn ra cuộc tranh giành thị phần của 3 ông lớn này với nhiều chiêu thức mới như tăng băng thông lên gấp 2 lần, giá không đổi, tặng kèm các gói dịch vụ truyền hình… tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt trên thị trường, đặc biệt là cuộc cạnh tranh giữa VNPT và Viettel.
Cơ hội và thách thức trong năm 2021
Dù thị trường Internet cáp quang đã tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng tiềm năng phát triển Internet băng rộng cố định của Việt Nam được đánh giá vẫn còn lớn khi tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định hiện chỉ đạt khoảng 17,2 thuê bao/100 dân, tương đối thấp so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (khoảng 23 thuê bao/100 dân).
Trong khi đó, Bộ TT&TT đang đặt mục tiêu rất lớn là tiến tới mỗi gia đình có một đường Internet cáp quang. Đề án chuyển đổi số quốc gia đã đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn dân, đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã. Tức là, số thuê bao Internet cáp quang vẫn còn dư địa hơn 10 triệu thuê bao. Cùng với đó là mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ.
Mặt khác, Internet cáp quang cùng với 5G đang được xác định là hạ tầng chiến lược quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra.
“Nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi doanh nghiệp để giúp họ sáng tạo sản phẩm, thì viễn thông đã trở thành hạ tầng sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế số. Không gian mới, sứ mệnh mới của viễn thông đã và đang dần hình thành”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tuy cơ hội, thuận lợi đang hiển hiện, nhưng thách thức đối với phát triển Internet cáp quang cũng không nhỏ, mà đối thủ trực tiếp chính là mạng 5G mới.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc Net Nam cho rằng, cứ mỗi lần một công nghệ mới xuất hiện lại có một cơ số doanh nghiệp viễn thông, Internet rời bỏ cuộc chơi, điều này đã được thực tế chứng minh. “Có 5G chắc chắn các ISP cố định bị ảnh hưởng lớn. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định có thể biến mất khỏi thị trường”, ông Bình chia sẻ và cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ cỡ nhỏ khi phải dịch chuyển thì dựa trên hạ tầng 5G của nhà mạng lớn, cùng phối hợp để phục vụ bài toán cụ thể cho từng nhóm khách hàng, từng bước dịch chuyển để trở thành nhà cung cấp dịch vụ tích hợp.
“Có thách thức, nhưng cơ hội lớn hơn nhiều. Mở ra rất nhiều mảng ứng dụng, dư địa cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định dịch chuyển”, ông Bình nhận định.
Còn ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu quan điểm, thực tế nhiều công nghệ ra đời nhưng không có công nghệ nào thay thế hoàn toàn công nghệ, dịch vụ khác trước đó. Ở các nước phát triển, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang. Dùng di động sẽ tốn, tốc độ và chất lượng trong nhà của wifi không thể bằng cáp quang, kể cả 5G. Những ứng dụng như xem tivi, video cáp quang sẽ tốt hơn. Hơn nữa, nhiều người dùng cùng lúc một hạ tầng cáp quang, chi phí sẽ giảm hơn.
“Mỗi một hình thức sẽ phù hợp với một khu vực, địa hình, nhu cầu. Ví dụ như ở nông thôn, khách sạn, nhà hàng, văn phòng doanh nghiệp sẽ vẫn phải dùng Internet cáp quang”, ông Thắng nói.
Có thể thấy rằng, hạ tầng băng rộng cố định rất quan trọng, bên cạnh công nghệ 4G và công nghệ mới 5G, Internet cáp quang sẽ không “khai tử”, mà sẽ phát triển song song cùng 5G vì nhu cầu thị trường về phục vụ sản xuất, kinh doanh, truyền dữ liệu chính trên băng thông rộng như cáp quang vẫn còn rất lớn. Tất nhiên, sự cạnh tranh cũng vì thế mà sẽ gay gắt hơn trong tương lai gần.