Tâm điểm vẫn là cuộc chiến về giá cước
VNPT đã nắm gần một nửa thị phần Internet cáp quang và nửa còn lại dành cho Viettel, FPT, SCTV, CMC, NetNam, GDS, VTC...
“Từ đầu năm đến nay, VNPT phát triển mạnh mẽ thuê bao Internet, với gần 1 triệu thuê bao mới, trong đó phần lớn là Internet cáp quang. VNPT hiện có trong tay gần 4 triệu thuê bao cáp quang và sẽ còn phát triển hơn nữa”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho phóng viên Báo Đầu tư biết.
. |
Từ đầu năm đến nay, thị trường Internet tiếp tục chứng kiến cuộc cạnh tranh bằng giá giữa các nhà cung cấp. VNPT đang chiếm thị phần thuê bao Internet băng rộng lớn nhất thị trường, liên tục tung ra các chương trình tăng tốc dịch vụ, trong khi giá cước giảm rất mạnh.
Mới đây nhất, VNPT tung ra gói cước “Văn phòng Data” dành cho doanh nghiệp với giá cước ưu đãi trên 50% so với giá cước sử dụng đơn lẻ từng dịch vụ. Theo đó, các gói cước VP5, VP10, VP15, VP20 có giá cước tương ứng là 568.000 đồng, 768.000 đồng, 1.098.000 đồng và 1.268.000 đồng/tháng. Các gói cước có số lượng thành viên được miễn phí trong nhóm sử dụng dịch vụ tương ứng 5, 10, 15, 20 cán bộ - nhân viên trong doanh nghiệp. Sử dụng gói cước này, khách hàng sẽ tiết kiệm được đến 74% chi phí so với dùng dịch vụ riêng lẻ.
Hay như gói cước “Gia đình” “của VNPT gồm 6 gói cước là: GD0, GD2, GD3, GD4, GD6 và GD8, có giá cước tính theo tháng tương ứng là 235.000 đồng, 275.000 đồng, 298.000 đồng, 398.000 đồng, 498.000 đồng và 598.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, FPT cũng tuyên bố ra mắt gói dịch vụ Internet SOC có tốc độ 1 Gbps dành cho cá nhân và hộ gia đình, với giá cước hòa mạng là 2 triệu đồng và cước hàng tháng là 1,8 triệu đồng (chưa gồm VAT). Tốc độ khủng và nhiều ưu đãi đi kèm như các gói dịch vụ nội dung truyền hình, song với giá cước khá cao, gói cước chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Chính vì vậy, gói cước đã không phát triển gây “sốc” được như tên gọi của nó.
Ngoài các hình thức cạnh tranh thông thường như giá cước, chất lượng dịch vụ, thị trường Internet bắt đầu xuất hiện hình thức cạnh tranh mới. Theo đó, các nhà cung cấp đã bổ sung thêm những tiện ích mới vào gói cước.
Cụ thể, VNPT đã chính thức ra mắt “Giải pháp Internet an toàn”. Trong đó, ngoài các gói cước với tốc độ cao hơn, giá rẻ hơn, người dùng còn được cung cấp giải pháp bảo mật Fsecure đi kèm để tránh những rủi ro trên môi trường mạng Internet, như các vụ tấn công mạng, lây nhiễm các mã độc, virus nguy hiểm, hay trẻ em bị ảnh hưởng một cách vô tình bởi các nội dung xấu trên các trang chia sẻ video…
Trong khi đó, Viettel cũng vừa ra mắt dịch vụ Safenet giúp các khách hàng dùng dịch vụ Internet cáp quang kiểm soát được nội dung truy cập, tạo ra môi trường Internet đảm bảo cho con trẻ.
Đầu tư mạnh cho hạ tầng
Để vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường Internet cáp quang chỉ trong vòng 2 năm, VNPT đã mở rộng hạ tầng truyền dẫn quốc tế, một phần của kế hoạch phát triển mạng lưới theo phương châm “Chất lượng là số 1” được đặt ra trong thời kỳ tái cấu trúc.
Năm 2016, VNPT là một trong 2 đơn vị của Việt Nam tham gia đầu tư, bỏ ra 44 triệu USD để giành quyền sử dụng tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất châu Á hiện nay là APG (Asia-Pacific Gateway). Tuyến cáp quang APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps.
Dự kiến đến năm 2020, VNPT sẽ có tổng cộng 6 tuyến cáp quang biển quốc tế và 3 tuyến cáp quang đất liền.
Hai tuyến cáp quang biển quốc tế mới và nền tảng sẵn có đã giúp VNPT trở thành đơn vị có hạ tầng truyền dẫn mạnh, hoàn chỉnh nhất. Minh chứng nổi bật nhất là, trước các sự cố đường tuyến cáp quang biển từ đầu năm 2017 đến nay, nhà mạng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, VNPT đã mở các hệ thống cache (hệ thống lưu trữ dữ liệu) dung lượng lớn cho hệ thống máy chủ của các dịch vụ, website quốc tế sử dụng nhiều tại Việt Nam như Google, Facebook. Hệ thống cache này đã giúp VNPT cải thiện đáng kể tốc độ truy cập, vừa đảm bảo dịch vụ khi cáp quang biển quốc tế gặp sự cố.
Tuy nhiên, đại diện VNPT cho biết, chạy đua giảm cước không phải là hướng đi dài hạn. Với mức giá cước bình quân hiện chưa tới 200.000 đồng/tháng, dịch vụ Internet cáp quang đã phù hợp với phần lớn người sử dụng trong nước. Vì vậy, hướng đi ưu tiên trong thời gian tới của VNPT là nâng cao chất lượng dịch vụ và bổ sung tiện ích cho người dùng.
Còn đại diện Viettel cũng cho hay, đơn vị này vừa hoàn thành việc nâng băng thông miễn phí cho khách hàng trên toàn quốc. Đây là đợt nâng băng thông lớn nhất của Viettel từ trước đến nay, được tiến hành trên diện rộng và áp dụng cho toàn bộ khách hàng đang sử dụng cũng như khách hàng hòa mạng mới.