Viettel là nhà cung cấp được đầu tư xây dựng mạng cáp quang tại Dự án Tràng An Complex (số 1, Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Theo quy định, FPT, VNPT vẫn có thể cung cấp Internet khi khách hàng yêu cầu, nhưng họ phải trả phí cho Viettel. So sánh mọi lợi thế, dùng Internet Viettel “vẫn là lợi nhất” và 100% cư dân dọn đến dự án này chọn Internet của Viettel.
Đây là ví dụ cho thấy lệnh chống độc quyền Internet tại các chung cư của TP. Hà Nội là vô nghĩa và cuộc chiến Internet cáp quang vẫn vô cùng khốc liệt.
Viettel đã bắt tay với các chủ đầu tư dự án bất động sản để đầu tư xây dựng mạng cáp quang tại các dự án từ |
Thị phần thay đổi liên tục
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ thông tin và Truyền thông), năm 2016, thuê bao Internet băng rộng cố định (cả ADSL và cáp quang) tăng từ khoảng 7,7 triệu thuê bao lên hơn 9,2 triệu thuê bao, trong đó số thuê bao Internet cáp quang đạt 5,5 triệu thuê bao.
Hiện dẫn đầu về thị phần Internet là VNPT với gần 4 triệu thuê bao (gồm 1 triệu thuê bao ADSL), chiếm 41% toàn thị trường. Viettel, với 500.000 km cáp quang phủ đến 5.170 xã (tương đương 46% số xã trên toàn quốc) đang có hơn 2 triệu thuê bao Internet cáp quang.
Cả 2 nhà mạng trên đang chiếm khoảng 80% thị trường Internet cáp quang tại Việt Nam. Thị phần còn lại thuộc về FPT và các nhà cung cấp khác. Điều đáng nói là, năm 2014-2015, Viettel là nhà cung cấp Internet cáp quang có thị phần lớn nhất thị trường, nhưng năm 2016, vị trí dẫn đầu lại thuộc về VNPT. Điều này cho thấy tính chất quyết liệt trong cuộc so kè giữa 2 nhà cung cấp này.
Có xảy ra cuộc chiến về giá?
Cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet không chỉ dừng lại ở việc giành giật từng thuê bao trong từng ngõ nhỏ, từng căn hộ chung cư, mà còn là cuộc chiến về giá.
Theo tính toán của các nhà cung cấp, giá cước Internet cáp quang hằng tháng phải đạt 320.000 đồng/thuê bao mới bảo đảm để doanh nghiệp có lãi. Thực tế, ngoại trừ các thuê bao là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (trả cước dịch vụ hằng tháng từ 1 triệu đồng trở lên, tùy theo gói và nhu cầu sử dụng), cước dịch vụ này tại các gia đình hiện nay phổ biến ở mức 200.000 - 250.000 đồng/thuê bao/tháng.
Ông Tô Dũng Thái, Tổng giám đốc VNPT VinaPhone nhận định, năm 2017 sẽ là năm mà các nhà cung cấp Internet băng rộng sẽ phải cạnh tranh dữ dội trong bối cảnh doanh thu trung bình của một thuê bao (APRU) hạ thấp chưa từng có. Các nguy cơ phải đối mặt là thuê bao rời mạng và một số nhà mạng nhỏ, các nhà cung cấp kết hợp truyền hình hạ giá, phá giá.
Chạy về nông thôn
Cuộc chiến Internet cáp quang năm 2017 sẽ chuyển “mặt trận” từ thành thị về nông thôn. Đó là nhận định chung của các nhà cung cấp Internet cáp quang trong các cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Đại diện VNPT cho biết, năm 2017, VNPT tiếp tục đặt mục tiêu sẽ có thêm 1,2 triệu thuê bao Internet cáp quang mới. Để đạt được mục tiêu này, VNPT sẽ giảm giá dịch vụ và rút ngắn hơn thời gian đưa dịch vụ tới khách hàng. Theo kế hoạch, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cáp quang trên cả nước, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, mạng cáp quang của VNPT đã phủ sóng tới 93% số xã trên cả nước và dự kiến sẽ lên tới 97% trong năm 2017.
Còn Viettel, sau sự cố đứt cáp quang biển đầu năm 2017, đang nỗ lực lấy lại hình ảnh và khách hàng. Năm 2017, Viettel sẽ cung cấp các gói Internet cáp quang phù hợp với từng đối tượng khách hàng, giá cả hợp lý, phục vụ đông đảo người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Viettel đặt mục tiêu tăng 20-25% về thuê bao Internet cáp quang so với năm 2016 và nâng tỷ lệ xã phủ hạ tầng Internet cáp quang trên toàn quốc lên 70%.
Với những động thái trên, rất có thể, năm 2017, cuộc chiến trên sợi cáp quang giữa VNPT và Viettel sẽ “sang trang mới”.