Đầu tư
Đổi vận cho tuyến cao tốc về miền Tây
Anh Minh - 09/02/2015 07:56
Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I quy mô 2 làn xe vừa được tái khởi động cuối tuần qua sau hơn 5 năm bế tắc do không huy động được vốn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng phát lệnh thông xe 55 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Động lực mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam
Nối Vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình
Quảng Ninh khởi công dự án cầu Bạch Đằng 7.600 tỷ
Thanh tra 17 dự án BOT trên Quốc lộ 1A

Có khá nhiều điểm mới trong lần khởi động lại việc xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đoạn từ Trung Lương (Long An) đến Mỹ Thuận (Tiền Giang).

Nhà đầu tư Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được phép thu phí cả tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: Đ.T

Theo đó, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã không còn là nhà đầu tư tuyến đường cao tốc này nữa, mà thay vào đó là liên danh nhà đầu tư mới vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ định: Liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty cổ phần Hoàng An.

Ngoại trừ Thắng Lợi và Hoàng An, 3 nhà đầu tư còn lại trong liên danh đều là những cái tên rất nổi trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay. Trong đó, Tuấn Lộc vừa mua xong Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và đang đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên theo hình thức BOT; Yên Khánh là cổ đông lớn tại Cienco 1 và đang sở hữu quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; còn BMT là nhà sản xuất, cung cấp bê tông nhựa nóng lớn nhất phía Nam hiện nay.

Sở dĩ phải tiến hành kiểm tên, điểm năng lực để thấy rằng, số phận của Dự án Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chắc chắn sẽ tốt hơn so với thời chủ cũ.

Trước đó, Dự án từng được giao cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư xây dựng theo quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư lên tới 28.000 tỷ đồng. Sau 2 năm không huy động được vốn, nên đơn vị này phải xin trả lại Dự án. Đây cũng là lý do khiến tuyến cao tốc huyết mạch này bị đình trệ suốt hơn 5 năm qua.

Thay đổi thứ hai là việc quy mô Dự án đã được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí. Cụ thể, tuyến đường cao tốc này (dài 51,1 km) sẽ được “co lại quy mô” từ 4 làn xe xuống còn 2 làn xe thiết kế với vận tốc 80 km/giờ và 2 làn xe phụ thiết kế với vận tốc 40 km/giờ. Các tuyến đường nối với Quốc lộ 1 (dài khoảng 4,5 km) được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Hệ thống đường gom (dài 41 km) đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, Dự án sẽ có 4 nút giao khác mức liên thông, 5 nút giao trực thông, 38 cầu và hệ thống công trình kỹ thuật đồng bộ. Với quy mô đầu tư nêu trên, tổng mức đầu tư giai đoạn I, Dự án BOT là 14.678,3 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị là 6.751 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 2.550 tỷ đồng; dự phòng 2.639 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian thi công là 2.061 tỷ đồng...

Liên quan tới phương án tài chính của Dự án, Bộ GTVT cho biết, nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ đủ lớn của Nhà nước. Ngoài việc được thu phí chính tuyến, Liên danh nhà đầu tư được phép thu phí cả tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, với mức thu phí tại thời điểm bắt đầu đưa công trình vào khai thác đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 1.200 đồng/xe tiêu chuẩn/km, dự kiến 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng khoảng 18%.

Thời gian thu phí hoàn vốn được tính từ khi công trình hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào khai thác, dự kiến từ ngày 1/1/2019, trong đó đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 11 năm và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 20 năm.

Dự án sẽ xây dựng 1 trạm thu phí trên tuyến chính và 2 trạm trên tuyến nối Cai Lậy và Cái Bè để thu phí trên nguyên tắc tổ chức thu phí kín, kết nối với hệ thống thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương để phân chia doanh thu thu phí.

Được biết, Bộ GTVT sẽ giữ vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án; Dự án thành phần giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ do UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện. Bộ GTVT cũng đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long tổ chức quản lý Dự án với tư cách là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc Dự án Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi động lại sẽ góp phần từng bước hoàn thành tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các trục đường chính; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách; rút ngắn thời gian đi lại; phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư xây dựng trong khu vực, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.

Tin liên quan
Tin khác