Chính sách “hạ tầng đi trước một bước” đang giúp Bình Định trở thành điểm sáng trong công tác thu hút vốn đầu tư. Ảnh: V.H |
Nút thắt
Miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, du lịch…, song nút thắt quy hoạch đang làm hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư.
Tại Khánh Hòa, thời gian qua, hàng loạt dự án được phát hiện triển khai không đúng quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, dẫn đến quy hoạch không đồng bộ, kết nối. Đáng nói là, hầu hết các dự án này đã được chủ đầu tư bán cho dân khi chưa hoàn thiện quy hoạch, khiến nhiều khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”…
Đơn cử, Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2009. Theo đó, 69 lô biệt thự trong dự án này chỉ cho phép có chiều cao 1 - 3 tầng, mật độ xây dựng 40%. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn tiến hành xây dựng các hạng mục cao 5 - 10 tầng, vượt mật độ xây dựng 100%. Vi phạm nghiêm trọng quy hoạch, phá vỡ cảnh quan đô thị, nhưng dự án này vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Cũng do nút thắt về quy hoạch, nên việc tái cấu trúc, chuyển dịch kinh tế chưa được thực hiện hiệu quả. Tại Quảng Ngãi, lĩnh vực du lịch dịch vụ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai do vướng mắc về quy hoạch.
Các dự án như Tổ hợp du lịch văn hóa di sản Lý Sơn, khu dịch vụ thương mại Châu Thịnh, tổ hợp dịch vụ thương mại và du lịch Biển Xanh Lý Sơn, khu khách sạn và dịch vụ thương mại An Hải… tại Quảng Ngãi đều gặp các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chồng lấn với phạm vi ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển…
Bước tiến quy hoạch
Mặc dù còn những vướng mắc nhất định, nhưng trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những bước tiến dài trong công tác quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, hội đủ các điều kiện địa lý và tự nhiên thuận lợi cho đầu tư phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không đến tất cả các vùng, miền trong cả nước và quốc tế, Quảng Ngãi đã dành nguồn lực đáng kể để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối.
Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài 139,52 km với tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Công trình giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các trung tâm kinh tế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp, khu kinh tế của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Cùng với đó, công tác đầu tư hạ tầng đô thị của Quảng Ngãi cũng cho “quả ngọt”. Đến nay, diện mạo các thị trấn, thị tứ, thị xã và đặc biệt là TP. Quảng Ngãi đã thay đổi rất lớn. Đức Phổ đã đẩy mạnh đầu tư kết cầu hạ tầng để được công nhận là thị xã. TP. Quảng Ngãi, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách, đã tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, góp phần tạo diện mạo khang trang cho đô thị.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn phát triển Vùng Duyên hải miền Trung từng nhận định, điểm hạn chế đối với sự phát triển kinh tế khu vực miền Trung chính là sự chồng chéo về quy hoạch, là tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết…
Những nút thắt về quy hoạch mà ông Thiên đề cập đã và đang từng bước được tháo gỡ, nhằm kích hoạt dòng vốn đầu tư vào miền Trung.
Kích hoạt tăng trưởng
Các dự án hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, đô thị, du lịch đang được xem là “đòn bẩy thép” để kích hoạt tăng trưởng của khu vực Nam Trung bộ.
Nằm ở vị trí trung tâm phía Nam của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó, TP. Quy Nhơn đóng vai trò liên kết đô thị hạt nhân, Bình Định được ví như “ngôi sao đang lên” trên bản đồ du lịch biển miền Trung. Thời gian qua, nhờ tập trung phát triển mạnh hạ tầng, Bình Định đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư. Đây cũng chính là chìa khóa để địa phương này bứt phá.
Điểm nhấn về hạ tầng đầu tiên của Bình Định chính là cây cầu Thị Nại - cầu nối biển dài nhất Việt Nam. Cây cầu không chỉ giúp giao thông trở nên thuận tiện, mà còn giúp Bình Định mở rộng cánh cửa phát triển du lịch cho khu vực bán đảo Phương Mai, nơi quy tụ những danh thắng nổi tiếng bậc nhất của Quy Nhơn như Eo Gió, Hòn Khô, đồi cát Phương Mai…
Tiếp đến, sân bay Phù Cát được đầu tư nâng cấp từ năm 2018 với tần suất 40 chuyến/ngày. Vừa qua, tỉnh Bình Định tiếp tục có thêm đề xuất mới về quy hoạch sân bay quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách quốc tế và ngược lại trong mối tương quan phát triển dịch vụ và dụ lịch vùng miền… Cùng với đó, Quốc lộ 19B nối liền từ sân bay Phù Cát dọc theo tuyến biển thông với Khu kinh tế Nhơn Hội đã giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, tạo điều kiện để Bình Định đón sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Theo định hướng chiến lược của Bình Định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ mang lại nguồn thu nhập, mà còn tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất và hạ tầng tại địa phương. Với hàng loạt dự án tỷ đô đã và đang được quy hoạch, triển khai, Bình Định đang từng bước đột phá, vươn lên thành “thủ phủ du lịch” của cả nước.
Đánh giá tiềm năng phát triển của Bình Định, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: “Bình Định sẽ là một trong những địa phương cất cánh mạnh nhất trong thời gian tới. Câu chuyện của Bình Dương, Quảng Ninh là của 10 năm trước; Bình Định đang đi sau và giai đoạn này chính là điểm sáng nổi bật cho Bình Định…”.
Cùng với Bình Định, Phú Yên cũng là một điểm sáng về quy hoạch của khu vực miền Trung. Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 hướng đến phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ, mới đây, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với 2 tập đoàn thiết kế, tư vấn về quy hoạch là Roland Berge (có trụ sở tại Đức) và Surbana Jurong (Singapore) để trao đổi về việc tư vấn lập quy hoạch của tỉnh. “Đây là những đơn vị tư vấn chiến lược hàng đầu có phạm vi hoạt động toàn cầu và chuyên môn sâu ở các ngành nghề, chức năng. Tại Việt Nam, các đơn vị này đã thực hiện tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương”, ông Phạm Đại Dương nói.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết thêm, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên gặp khó khăn do hạ tầng chưa hoàn thiện, đồng bộ. Trong điều kiện ngân sách có hạn, UBND tỉnh Phú Yên đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương kêu gọi đầu tư hạ tầng tại khu kinh tế này nhằm tạo động lực thu hút đầu tư.
Còn với Đà Nẵng, thành phố trọng điểm của miền Trung, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được địa phương trình lên Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Đà Nẵng đang tập trung mọi nguồn lực cho thời kỳ phát triển mới.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng muốn phát triển, thì phải mở rộng về phía Tây. Muốn vậy, phải sớm xây dựng các trục giao thông kết nối Đông - Tây và các đường vành đai. Cụ thể, kéo dài đường vành đai phía Tây đi qua Khu công nghệ cao Đà Nẵng tại điểm nối cao tốc La Sơn - Túy Loan và đường tránh Nam Hải Vân; quy hoạch tuyến đường cao tốc phía Tây từ đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) qua Quốc lộ 14B gần Trung tâm hành chính Hòa Vang và kéo dài đến biển…
Đặc biệt, Đà Nẵng cần phối hợp triển khai tốt quy hoạch vùng và các quy hoạch quốc gia trên địa bàn Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm phát huy thế mạnh của từng tỉnh, thành phố; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các kế hoạch, nội dung liên kết; khắc phục tình trạng thu hút đầu tư chồng chéo giữa các địa phương.
Đặc biệt, miền Trung sở hữu 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển đã được thành lập của cả nước. Cùng với đó, miền Trung đóng vai trò là cầu nối quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên trong hội nhập, thông qua việc kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.