- Chỉ định thầu một số gói thầu Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
- Đưa vào khai thác 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm nay
- Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Gia tăng sức ép triển khai thu hồi vốn nhà nước
- Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Phiên họp toàn thể thứ tám của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 |
Đất rừng, đất lúa bị chiếm dụng tăng
Chiều ngày 4/7, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ tám, thẩm tra chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2022), trong đó xác định sơ bộ đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.532 ha, đất rừng phòng hộ là 110 ha, đất rừng sản xuất là 1.436 ha.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đến nay, các con số trên đã có một số biến động.
Cụ thể, đất lâm nghiệp tăng 317,94 ha (đất rừng phòng hộ tăng 28,1 ha, đất rừng sản xuất là 285,23 ha và đất rừng đặc dụng tăng 4,62 ha). Đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 5,23 ha.
Nguyên nhân thay đổi diện tích các loại đất trên được giải thích tại báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải chủ yếu là do phương pháp xác định trong từng bước khác nhau. Bên cạnh đó, hướng tuyến và ranh giới chiếm dụng để lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa được thực hiện trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu khả thi được cắm tại thực địa, nên đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu.
Tại báo cáo ngày 4/7 giải trình một số nội dung của Dự án, trong đó có thay đổi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, việc này ảnh hưởng rất thấp so với tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án và tác động không đáng kể đối với tổng mức đầu tư của Dự án.
Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án.
Cu thể, diện tích rừng đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng là 1.054,63 ha, bao gồm 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng và 802,91 ha rừng sản xuất.
Diện tích đất lâm nghiệp là 1.863,984 ha, gồm đất rừng phòng hộ 138,10 ha; đất rừng đặc dụng 4,61 ha và đất rừng sản xuất 1.721,23 ha. Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.721.96 ha.
Còn nhiều băn khoăn
Báo cáo tại phiên thẩm tra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề cập nội dung khiến đại biểu Quốc hội rất băn khoăn. Đó là, pháp luật về đất đai hiện hành không có quy định về trách nhiệm của Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất rừng phòng hộ đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất đối với dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất rừng trước khi quyết định đầu tư dự án, đã làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian chuẩn bị dự án.
Vì thế, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, để giảm bớt thủ tục và thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, thì việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trên thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan thẩm tra cần làm rõ cơ sở pháp lý việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung được thẩm tra hôm nay, vì cần nhất quán quan điểm là phải làm đúng luật.
Đại biểu Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng cho rằng, nếu thông tin như tại tờ trình thì dễ dẫn đến cách hiểu là Quốc hội làm khó Chính phủ, nên cần thống nhất quan điểm để tránh mâu thuẫn ngay trong chính hồ sơ.
Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15, thì diện tích các loại đất cần chuyển đổi là chưa rõ, nên mới có thêm bước này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh giải thích.
Liên quan việc giảm bớt thủ tục, một nội dung khác cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Cụ thể, Chính phủ kiến nghị dự án có sự thay đổi số liệu về diện tích so với số liệu tại nghị quyết này thì UBND cấp tỉnh có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh quyết định để triển khai thực hiện.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho rằng, kiến nghị này không phù hợp, bởi Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể tiếp tục ủy quyền.
Hơn nữa, đến giai đoạn này - giai đoạn báo cáo khả thi - thì số liệu phải rất rõ ràng rồi, vì thế, nên có giới hạn về mức độ thay đổi trong nghị quyết để không phải trình lại, ông Việt nêu quan điểm.
Cũng liên quan đến ủy quyền, Chính phủ kiến nghị trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, trường hợp phát sinh diện tích chiếm dụng rừng (do xây dựng khu tái định cư, khai thác mỏ vật liệu, nhu cầu đổ chất thải rắn xây dựng... để thực hiện dự án) mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, thì cho phép UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định.
Thường thì sai số rất ít, nên làm thủ tục từ đầu lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ mất nhiều thời gian, ông Ngân giải thích lý do kiến nghị nêu trên.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủy quyền thì cần có phạm vi, chứ không thể ủy quyền không hạn chế, vì nếu con số phát sinh lên tới vài trăm héc-ta thì ủy quyền là không thuyết phục, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế lo ngại.
Chỉ ủy quyền một cấp, không thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủy quyền cho hội đồng nhân dân tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ đồng tình với nhiều ý kiến trước đó.
Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói sẽ tham mưu lại để rút quy định về ủy quyền, dù trước đó, bộ này đã không đồng tình, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, nên phân cấp vì đây là một dự án cụ thể.
Phát biểu cuối phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, đây là vấn đề được đại biểu rất quan tâm, cần được xử lý thật thấu đáo và nhấn mạnh rằng, các đại biểu đều không đồng tình tiếp tục phân cấp.
Trong phiên họp tháng 7 (dự kiến diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nội dung được Ủy ban Kinh tế thẩm tra nói trên.
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định đầu tư với chiều dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần thuộc địa phận 12 tỉnh, thành phố, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Dự án có quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.
Tại phiên thẩm tra, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đến nay, nghiên cứu khả thi đã hoàn thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên lúc nào thì sẽ phê duyệt dự án lúc đó. Sau đó sẽ tiến hành các bước tiếp theo, lựa chọn nhà thầu và cố gắng triển khai vào cuối năm 2022.