Tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, tạo cú hích dây chuyền tới đơn hàng xuất khẩu thuộc các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, giày dép và điện tử.
Thời điểm này, các doanh nghiệp trên cả nước đã hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, họ có đơn hàng đến giữa năm, kéo theo lượng lớn lao động trở lại làm việc.
Công ty Bao bì ABB Harvest cho biết, hiện 400 lao động tại nhà máy đã trở lại làm việc để kịp giao đơn hàng đã ký trong quý II và quý III.
Phó giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Bao bì ABB Harvest, ông Nguyễn Anh Vũ thông tin, thời điểm hiện tại, Công ty đã đủ sản lượng để xuất khẩu cho những đơn hàng cần giao trong tháng 3 và tháng 4.
Cùng với ghi nhận lượng đơn hàng dần phục hồi, nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư nâng cấp thiết bị sản xuất và các hạng mục cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các nhà đặt hàng.
Cuối năm 2023, Tổng công ty Đức Giang - CTCP (Dugarco) hoàn thành đầu tư Trung tâm đổi mới sáng tạo (Dugarco Creative) với đầy đủ quy trình, từ thiết kế, nguyên phụ liệu, may mẫu, marketing, cho tới kết nối và đào tạo để phục vụ khách mua hàng tốt hơn. Việc đi đầu trong đổi mới sáng tạo, xây dựng và nghiên cứu phát triển mẫu của Đức Giang giúp doanh nghiệp nhanh chóng dịch chuyển sang làm hàng ODM (thiết kế và sản xuất sản phẩm dưới thương hiệu của một công ty khác) và OBM (sản xuất và bán sản phẩm dưới thương hiệu của chính mình), giảm dần gia công.
Trung tâm Dugarco Creative của Đức Giang là một trong những trung tâm phát triển mẫu hoàn thiện, chỉn chu và hiện đại bậc nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại khu vực miền Bắc. Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Dugarco, với những yêu cầu về đơn hàng trong bối cảnh mới, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mẫu là vấn đề sống còn.
Nhà máy Sợi Phú Cường cũng vừa thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi nâng cấp thiết bị, giúp doanh nghiệp tiến tới nâng cao công suất để cạnh tranh với các nhà máy khác.
Tín hiệu tốt hơn về đơn hàng cũng đến với TP.HCM - trung tâm sản xuất, xuất khẩu lớn nhất cả nước. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, khảo sát nhanh của Sở ghi nhận ngay sau Tết Giáp Thìn, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng, lực lượng lao động trở lại làm việc trên 90%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may và đồ gỗ đã có đơn hàng đến tháng 6/2024, có doanh nghiệp nhận đơn hết năm.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 84,74 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 44,42 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương kim ngạch tăng 7,28 tỷ USD).
Trong báo cáo vừa công bố, VinaCapital nhận định, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà phục hồi, qua đó trở thành tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Xuất khẩu tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ, là con số tăng trưởng rất ấn tượng.
Phân tích về các yếu tố hỗ trợ xuất khẩu trong tháng 1/2024, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường (VinaCapital) cho biết, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng máy tính và sản phẩm điện tử tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân chính giúp tăng trưởng trong tháng 1 ở mức cao.
Sau khi sụt giảm mạnh hồi đầu năm, doanh thu ngành PC (máy tính cá nhân) toàn cầu tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023. Cùng với đó, doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023, dù sự hồi phục không rõ rệt như ở mảng máy tính.
VinaCapital kỳ vọng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh trong những tháng tới.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do đó, sự phục hồi tiêu dùng của thị trường này có tác động rất lớn đến lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của nước ta. Thực tế, 2 năm qua, do Covid-19, nên các doanh nghiệp Mỹ phải cắt giảm đơn đặt hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này sắp kết thúc.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, sản xuất công nghiệp, thương mại đang tăng trưởng khá tốt, nhưng các tháng tới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, chính trị của thế giới, vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó dự báo.
“Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện hành”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ.
Ngoài ra, trước các rào cản thương mại mới liên quan đến quy định sản xuất các-bon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu, chế độ trách nhiệm giải trình… buộc các doanh nghiệp sản xuất phải thay đổi, tránh cảnh “có gì bán nấy” sẽ không bền vững.