Đầu tư
Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế
Hà Nguyễn - 12/01/2022 08:48
Xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, Chính phủ sẽ dồn lực để làm sao đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5% và bắt đầu hành trình phục hồi kinh tế.
Sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô tại Công ty JAT.  Ảnh: Đức Thanh

Kịch bản nào cho kinh tế năm 2022?

Mục tiêu rất rõ ràng đã được đặt ra cho năm 2022, không phải chỉ thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, mà còn là quyết tâm của Chính phủ.

Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, cao hơn gấp 2,3-2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng 2,58% của năm 2020.

Để đạt mục tiêu này, một kịch bản điều hành đã được vạch ra. Theo đó, GDP quý I phải đạt mức tăng trưởng 4,9-5,4%; quý II là 5,4-5,9%; 6 tháng là 5,1-5,7%; tăng trưởng GDP quý III phải đạt được 7,5-8%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên mức5,9-6,4%. Nếu theo đúng kịch bản, quý IV đạt mức tăng trưởng 6,2-6,7%, thì cả năm, tốc độ tăng trưởng - tùy mức đạt được ở từng quý ở ngưỡng thấp hay ngưỡng cao - sẽ đạt 6-6,5%.

Kịch bản này chắc chắn không dễ dàng đạt được, bởi trên thực tế, năm 2021, tốc độ tăng trưởng theo từng quý ở mức khá thấp. Cụ thể, quý I đạt 4,72%; quý II là 6,73%; quý III tăng trưởng âm 6,02%; quý IV tăng trưởng 5,22%.

“Covid-19 tiếp tục là một ẩn số, giống như kinh tế năm 2021”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo vị này, nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất - kinh doanh, du lịch, dịch vụ quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, thì kinh tế sẽ phục hồi. Ngược lại, tình hình vẫn rất khó khăn, dù câu chuyện hiện thời đã khác năm trước nhiều, khi Chính phủ đã xác định chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt” với dịch bệnh và việc tiêm vắc-xin Covid-19 đã phủ rộng.

Trên thực tế, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức vào giữa tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi nhắc tới các rủi ro của kinh tế toàn cầu, cũng như của Việt Nam, đã nhấn mạnh trước tiên đến việc “dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp”.

Nghị quyết 01/NQ-CP cũng đã xác định rõ rằng, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng ngay từ đầu năm 2022. Nếu dịch được kiểm soát tốt, sẽ tạo cơ hội để khu vực dịch vụ phục hồi và đây là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Năm 2021, khu vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng trưởng 1,22% và đây là một trong những nguyên nhân “kéo” tăng trưởng kinh tế của cả năm xuống mức 2,58%, dù tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn đạt 4,05%; còn của khu vực nông, lâm, thủy sản là 2,9%.

Chính vì thế, trong kịch bản điều hành kinh tế năm 2022, ngoài sự phục hồi của khu vực công nghiệp - xây dựng và nông, lâm nghiệp, thủy sản, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,1-7% và 2,5-2,8%, thì khu vực dịch vụ phải đạt mức tăng trưởng 6,8-7,2%.

Đặt trọng tâm vào phục hồi sản xuất và dịch vụ

Dù nông nghiệp luôn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, song để nền kinh tế có thể phục hồi và bứt tốc, thì phải trông chờ vào hai khu vực sản xuất và dịch vụ. Thế nên, trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy tiêu dùng nội địa, triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanhh sản xuất - kinh doanh, nhất là trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Cần ưu tiên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có tác động lớn, có tính lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiện tại, ngoài các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng như huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công 100% trong năm 2022, thì nhiều kỳ vọng đang được đặt vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với các giải pháp thúc đẩy phát triển cả phía cung và phía cầu.

“Cần ưu tiên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có tác động lớn, có tính lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau”, đại biểu Trần Chí Cường của TP. Đà Nẵng phát biểu tại nghị trường Quốc hội

Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò “mang tính lịch sử” của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề cập việc tập trung hỗ trợ các lĩnh vực hạ tầng, các ngành kinh tế cơ bản, như nông nghiệp, vì đây sẽ là “bệ đỡ” vững chắc để phục hồi kinh tế.

Trên thực tế, dù đặt trọng tâm vào một số lĩnh vực, song Chính phủ xác định rất rõ, đó là “tận dụng mọi cơ hội” để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Do đó, ngoài các động lực đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh các động lực tăng trưởng mới, đến từ việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số…

Đây chính là cách để Chính phủ dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2022, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Tin liên quan
Tin khác