Cơ hội với công ty chứng khoán mạnh về vốn và thị phần
Từ ngày 02/11/2024, Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chính thức có hiệu lực.
Thông tư sửa đổi, bổ sung việc nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp: Nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định; Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định.
Như vậy, ngay từ đầu tháng 11, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thể mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định. Điều này sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các công ty chứng khoán, tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có lợi thế để thực hiện tốt dịch vụ này, mấu chốt là các công ty chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư ngoại khi nhà đầu tư không đủ tiền thanh toán cho giao dịch đã thực hiện.
Trong giai đoạn đầu, lợi thế sẽ nằm trong tay các công ty chứng khoán có bộ đệm vốn vững chắc và có thị phần lớn, đặc biệt là nhóm khách hàng tổ chức.
Thống kê của Báo Đầu tư Online trên 27 công ty chứng khoán quy mô lớn cho thấy, phần lớn các công ty đều gia tăng tài sản trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, 5 công ty chứng khoán đã tăng tổng tài sản lên hơn 50% so với hồi đầu năm như VIX (+100,5%), KAFI (+96%), ACBS (+92,2%), HSC (+82,7%) và ORS (+64,5%).
Dù vậy, những công ty chứng khoán có tổng tài sản cao nhất vẫn là những tên tuổi quen thuộc, nắm giữ thị phần chính trên thị trường. Hiện SSI đang là công ty có tổng tài sản cao nhất với 66.181 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2024. Tiếp theo là TCBS và VND có tổng tài sản trên 40.000 tỷ.
Lượng công ty chứng khoán có tổng tài sản trên 10.000 tỷ cũng đã tăng đáng kể so với đầu năm nay. Danh sách nguồn vốn trên 10.000 tỷ xuất hiện thêm một số tên tuổi mới như VIX, KIS, KAFI, ORS, BSC và DNSE.
Xét về vốn chủ sở hữu, hiện TCBS đang là công ty có vốn chủ sở hữu lớn nhất với 25.589 tỷ đồng cuối quý III/2024. Chỉ có 8 công ty có vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ, xếp sau TCBS lần lượt là SSI, VND, VPBS, VIX, SHS, VPS và HSC. Trong đó nổi bật là VIX khi vốn chủ sở hữu tăng đến 80% so với hồi đầu năm sau khi chào bán cổ phiếu thành công cho cổ đông hiện hữu vào hồi tháng 9/2024.
Áp lực cạnh tranh sẽ dâng cao hơn
Dù vậy không phải công ty chứng khoán đang có nguồn vốn cao thì sẽ chắc chắc có lợi thế.
Thông tư 68 quy định Hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu bằng tổng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền nhưng không vượt quá hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán. Điều này có nghĩa, những công ty chứng khoán hiện có tỷ lệ Cho vay margin/Vốn chủ sở hữu càng cao thì han mức nhận lệnh mua cổ phiếu sẽ càng thấp.
Theo quy định, các công ty chứng khoán không được phép cho vay ký quỹ quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Đến nay, sau giai đoạn margin tăng nóng, một số công ty chứng khoán đã gần chạm đến ngưỡng hạn chế, dư địa cho vay margin không còn nhiều.
Thống kê trên 27 công ty chứng khoán cho thấy, có 5 công ty chứng khoán đã gần chạm đến ngưỡng này. Trong đó, tỷ lệ Cho vay margin/Vốn chủ sở hữu cao nhất đang diễn ra tại HSC. Dư nợ cho vay margin của HSC cuối quý III/2024 ở mức 19.286 tỷ đồng, tăng gần 60% so với hồi đầu năm và gấp 1,92 lần vốn chủ sở hữu, tương đương dư địa cho vay margin của HSC chỉ còn hơn 800 tỷ đồng.
Ở Mirae Asset, dư nợ cho vay margin cũng đã tăng liên tiếp. Cuối quý III, con số này là 17.385 tỷ đồng, tăng 30% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay margin của MAS hiện đang ở mức 1,85 lần vốn chủ sở hữu. Các công ty chứng khoán cũng có tỷ lệ Dư nợ margin/vốn chủ sở hữu ở mức cao trên 1,5 lần là FPTS, KAFI và MBS.
Với tình trạng tỷ lệ căng cứng, các công ty chứng khoán sẽ phải gia tăng nguồn vốn, không chỉ để phục vụ cho hoạt động non-prefunding mà còn để đáp ứng tỷ lệ cho vay ký quỹ - mảng đang dần trở thành hoạt động đóng góp chính cho doanh thu.
Phân tích của VNDirect cho rằng, ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi khi phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn nhờ gia tăng thu nhập từ mảng môi giới khi thanh khoản gia tăng. Bên cạnh những lợi ích, còn có rủi ro tiềm ẩn như rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau T+2 sau khi mua. Do đó, các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ kí quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp.
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh dựa trên: 1) phí giao dịch; 2) tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua); 3) tổng giá trị vốn được ứng trước; và 4) chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Đối với yếu tố đầu tiên, mặc dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng tổ chức nước ngoài vẫn sẽ chỉ bị tính phí giao dịch. Đối với yếu tố thứ hai, khả năng cung cấp mức tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh. Yếu tố thứ ba sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt.
VNDirect tin rằng yếu tố thứ ba sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá năm lần. Tóm lại, các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.