Vị trí cùa đồng nhân dân tệ không ngừng được nâng cao trong thời gian gần đây |
Tháng trước, Mỹ đã tuyên bố đánh thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu. Sau đó, Mỹ đã miễn thuế này đối với một số nước đồng minh, sau khi đạt được một số nhân nhượng qua thương lượng.
Về phần mình, Trung Quốc không phải là nhà cung cấp chính thép và nhôm cho thị trường Mỹ, song nỗ lực sản xuất của Trung Quốc có thể tạo áp lực đẩy giá thép và nhôm trên toàn cầu giảm xuống, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ. Do vậy, mục tiêu của chính quyền Mỹ là buộc Trung Quốc phải giảm mạnh sản lượng đối với các sản phẩm này.
Kịch tính hơn, Tổng thống Donald Trump còn quyết định đánh thuế với hàng loạt hàng hóa khác nhập từ Trung Quốc, với tổng trị giá tới 50 tỷ USD/năm. Nước này cũng siết chặt hạn chế đối với việc công ty nước ngoài mua cổ phần hoặc đầu tư vào công ty Mỹ, đồng thời cho biết khả năng đưa việc Trung Quốc xâm phạm sở hữu trí tuệ của Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hơn nữa, chính quyền Mỹ còn có động thái ngăn chặn công ty Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm tại Mỹ như công nghệ bán dẫn và truyền thông không dây 5G. Ông Trump đã ngăn chặn việc Công ty Broadcom (có trụ sở tại Singapore, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc) đấu thầu 117 tỷ USD để mua Tập đoàn công nghệ khổng lồ Qualcomm của Mỹ.
Tương tự, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ đã thống nhất coi Công ty Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc - là một rủi ro đối với an ninh quốc gia. Theo quy định mới, các công ty thuộc nhóm này không được cung cấp thiết bị cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng Internet tại Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chưa có hành động trực tiếp nào chống lại đồng nhân dân tệ, nhưng nếu nước này thấy xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc là mối đe dọa thì việc nhắm vào đồng tiền Trung Quốc có thể chỉ là vấn đề thời gian.
Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực nâng tầm đồng nội tệ của mình trên trường quốc tế. Nước này đã nới lỏng quy định để tạo thuận lợi hơn cho việc giao dịch thương mại bằng nhân dân tệ.
Nước này đã thành lập một mạng lưới ngân hàng thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ để có thể kết nối với các trung tâm tài chính trên toàn cầu. Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với hàng chục ngân hàng trung ương nước ngoài, với hy vọng nhân dân tệ sẽ trở thành một tài sản dự trữ mới trên toàn cầu.
Năm 2015, Trung Quốc đã đạt được thành công lớn, khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí đưa nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ để xác định giá trị tài sản dự trữ tổng hợp - quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Việc được tham gia giỏ tiền tệ SDR, sánh vai với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới là USD, bảng Anh, yên Nhật, euro, tạo cơ hội cho Trung Quốc nâng cao vị thế của nhân dân tệ.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã đưa ra loại hình giao dịch tương lai với sản phẩm dầu mỏ tính bằng nhân dân tệ. Việc này, theo các nhà quan sát, là thách thức trực tiếp đối với đồng USD.
Với tham vọng có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, Trung Quốc hướng tới mục tiêu phát triển nhân dân tệ thành đồng tiền hàng đầu của thế giới. Mỹ đã từ lâu hưởng lợi từ vị trí thống soái của đồng USD trong các thị trường tài chính cũng như dự trữ ngân hàng trên toàn cầu và nay Trung Quốc cũng muốn có được vị trí như vậy. Nếu sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ mà gây tổn hại cho đồng USD thì đó sẽ thực sự là điều tồi tệ đối với nước Mỹ.
Chắc chắn, một cuộc tiền tệ diễn ra song song với cuộc chiến thương mại sẽ là nguy hiểm, thậm chí là thảm họa. Ít nhất, các thị trường tài chính có thể bị bất ổn, hoạt động cho vay quốc tế có thể bị gián đoạn. Tuy nhiên, đáng tiếc là, những khả năng đó chưa chắc có thể làm nhụt chí Tổng thống Donald Trump - người đã tuyên bố “các cuộc chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng giành chiến thắng” sau khi có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc ông quyết định đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ vừa qua.