Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho yêu nước, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của quê hương luôn là động lực tinh thần to lớn, nuôi dưỡng ý chí, phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Khi còn học tại trường Thành Chung (Nam Định), đồng chí đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Chu Trinh nên bị đuổi học.
Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. |
Được dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Trung Quốc, qua các bài giảng và cuốn "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy, chỉ có theo đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc mới giải phóng được dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đã tự nguyện gia nhập tổ chức tiền thân này của Đảng. Đây là bước chuyển quyết định trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh.
Về nước, đồng chí được Kỳ bộ cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng (3/1928), Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng. Với chủ trương “vô sản hóa” do đồng chí đề xuất, phong trào cách mạng trong công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động phát triển mạnh mẽ.
Từ thực tiễn phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối những năm 20, thế kỷ XX, Nguyễn Đức Cảnh sớm nhận thức được sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Tháng 3/1929, tại số 5D, Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập, Nguyễn Đức Cảnh là một trong 7 đảng viên đầu tiên.
Giếng ngọc trong Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh. |
Tiếp đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đồng chí được cử vào Ban chấp hành lâm thời, trực tiếp chỉ đạo Công hội Đỏ. Ngày 28/7/1929, Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Đồng chí phụ trách tờ báo “Lao động”, tạp chí “Công hội đỏ”, kịp thời tuyên truyền phong trào công nhân đấu tranh theo đường lối của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng Đông Dương Cộng sản Đảng tham gia Hội nghị Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Về nước, trên cương vị Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, đồng chí tiếp tục chỉ đạo hoạt động của các tổ chức cộng sản và phong trào công nhân khu mỏ Hồng Quảng, Hải Phòng..., kiện toàn 14 chi bộ, phát triển các tổ chức Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên đoàn, Phụ nữ giải phóng và mở nhiều lớp huấn luyện, ấn hành tờ “Sao đỏ” của Tỉnh Đảng bộ…
Tháng 4/1930, đồng chí đã đón Tổng Bí thư Trần Phú về khảo sát phong trào công nhân Hải Phòng, đóng góp giúp đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng, năm 1930. Cuối tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương tăng cường cho Ban lãnh đạo Đảng Trung Kỳ cùng Xứ ủy tích cực hoạt động tuyên truyền, động viên quần chúng giữ vững tinh thần, bảo vệ cơ sở cách mạng, nhân dân.
Sáng mai (3/2), UBND TP. Hải Phòng và Liên đoàn Lao động Thành phố (chủ đầu tư) sẽ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng, huyện An Dương.
Dự án có diện tích sử dụng đất 30.402 m2, bao gồm các hạng mục: cổng chính, cổng phụ, nhà bảo vệ, ki-ốt dịch vụ, khu kỹ thuật, hồ sen, đền thờ, tả vu (soạn lễ), hữu vu (nhà trưng bày truyền thống), nhà bia, sân vườn tổng thể và hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Tổng mức đầu tư 110,233 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xã hội hóa. Dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành vào quý III/2018.
Ngày 9/4/1931, sau cuộc họp của Xứ uỷ Trung kỳ tại thành phố Vinh, đồng chí bị địch bắt. Tháng 4/1931, đồng chị bị giải ra Hoả Lò (Hà Nội). Mặc dù bị địch tra tấn hết sức dã man, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh vẫn hiên ngang, kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết. Không khuất phục được “tinh thần thép” của người cộng sản, bọn đế quốc quyết định tử hình đồng chí.
Trong thời gian bị giam trong xà lim chờ án chém, đồng chí tranh thủ từng giây phút để truyền lý tưởng cách mạng, tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo phong trào cho các đồng chí trong tù. Cũng trong những ngày này, đồng chí đã viết “Gia đình và Chủ nghĩa cộng sản”, viết tập “Công nhân vận động”, một trong những tài liệu mang tính tổng kết cao, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn công tác công vận của Đảng. Ngày 31/7/1932, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh anh dũng hy sinh tại pháp trường bên bờ sông Lấp, ở tuổi 24 đầy sức trẻ, hoài bão và ước mơ.
Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh đã đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh; tô thắm thêm truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Thái Bình. Lịch sử dân tộc và các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tạc ghi tấm gương Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiền bối kiệt xuất của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của cho thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng chục vạn người con Thái Bình đã lên đường đánh giặc, lập nên những chiến công xuất sắc, hơn 5 vạn người con đã anh dũng hy sinh, hơn 3 vạn người đã để lại một phần thân thể, góp phần giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tỉnh Thái Bình cùng 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trên 5 ngàn bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”...
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, Thái Bình đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2017, với mức tăng trưởng GRDP 11,12%, Thái Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đồng bằng sông Hồng. Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh cũng đạt nhiều khởi sắc, với sự góp mặt của nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Trường Hải, Lộc Trời, TH, Geleximco, Hòa Phát, KIC... An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Thái Bình đang vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là quê hương của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối kiệt xuất Nguyễn Đức Cảnh.n
(*) Tiêu đề bài viết do Báo Đầu tư đặt