Ngân hàng - Bảo hiểm
Đồng hành cùng người nghèo trên cung đường phát triển
H.A - 18/03/2020 20:30
Tháng 3 này, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tròn 17 năm đi vào vận hành với vai trò đơn vị ủy thác duy nhất của Chính phủ thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Đến nay, NHCSXH đã tham mưu Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.

Một điểm đến, vạn tâm tình

Về mảnh đất khô cằn, đầy nắng và gió bão Hà Tĩnh, đến thăm các hộ vay vốn, càng thấm ý nghĩa của việc vận hành mô hình NHCSXH. Gia đình bà Nguyễn Thị Kim ở khối 3, phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh) là một ví dụ.

Hơn 10 năm được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Sổ vay vốn của gia đình bà Kim ghi kín đặc đến trang cuối, từ vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch, sản xuất kinh doanh... đến việc học hành của con cái.

3 lần xin vay vốn cho 3 người con học đại học với tổng số tiền 101,4 triệu đồng, đã trả 78 triệu đồng, con đường thoát nghèo của gia đình bà là cả quá trình chật vật. Bà Kim khẳng định, nếu Nhà nước không có chính sách cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi, buôn bán, gia đình bà không thể nuôi được 7 người con chỉ với hơn 1 mẫu ruộng.

Từ năm 2015 đến nay, các con của bà được vay vốn NHCSXH để học đại học, ra trường và có việc làm, đã giúp bà trả nợ ngân hàng, nuôi cô con gái út đang học đại học và sửa sang lại căn nhà để che mưa, che nắng lúc tuổi già.

Cái nghèo cũng đoạn tuyệt với gia đình bà từ đây.

Huy động sức mạnh để giảm nghèo

Trong bối cảnh Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm.

Các hiệp ước thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội, khi nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn. Do vậy, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng rộng, người nghèo sẽ ngày càng tụt lại phía sau.

Đón bắt những vấn đề này,  thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách, từ 3 chương trình cho vay vào năm 2003 khi mới hoạt động, đến nay, NHCSXH đã tham mưu Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng, nhiều lần nâng mức cho vay các chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế của người dân và ứng biến với những rủi ro.

Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011 - 2020) thực hiện Chiến lược Phát triển NHCSXH, sự ra đời của 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cùng với hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách trước đó, số hộ nghèo giảm mạnh từng năm (cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2%, tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều là gần 10%). Tuy nhiên, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là vùng lõi nghèo thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Vì vậy, khi 2 chương trình tín dụng chính sách bù lấp vào những khoảng trống này, đã góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu thoát nghèo bền vững. Tính đến tháng 1/2020, dư nợ cho vay hộ nghèo giảm không nhiều so với năm 2010, song cơ cấu cho vay hộ nghèo đã giảm từ 40,4% xuống còn 16,7% trong tổng dư nợ cho vay của NHCSXH. Dư nợ cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tăng mạnh với tỷ trọng dư nợ tương ứng là 15,4% (đạt 31.856 tỷ đồng) và 16,8% (đạt 34.749,7 tỷ đồng).

Với tổng dư nợ của NHCSXH đến thời điểm này đạt trên 209.000 tỷ đồng và hơn 6,5 triệu hộ thụ hưởng chính sách tín dụng từ NHCSXH, những thành quả hỗ trợ giảm nghèo trong năm 2020 của NHCSXH sẽ còn sáng rõ hơn. Đây là nền tảng để NHCSXH  bước tiếp trên con đường phát triển, phát huy vai trò, sứ mệnh của một ngân hàng chuyên biệt vì người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước.

Tin liên quan
Tin khác