Việc thi công một dự án điện gió rất khó khăn, phức tạp, với nhiều công đoạn khắt khe lại bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến tiến độ triển khai chậm hơn kế hoạch |
Làm ngày làm đêm cũng lo không kịp
Tập đoàn Tập đoàn HBRE cùng với đối tác hiện đang triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió với tổng công suất 370MW tại các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Hà Tĩnh. Ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn HBRE chia sẻ: Trong thời gian qua, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây rất nhiều khó khăn cho HBRE nói riêng và ngành điện gió nói chung.
Đơn cử như tại dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông, tỉnh Gia Lai, tập đoàn này đang thi công ngày đêm với 3 ca liên tục trong thời gian qua. Đến nay dự án đã hoàn thành 2/3 khối lượng lắp đặt tuabin và chỉ còn gần 1 tháng để hoàn thành xây dựng, thủ tục nghiệm thu và công nhận COD trước 01/11/2021 để được hưởng giá mua điện 8,5 UScent/kWh đối với điện gió trên đất liền theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thách thức không nhỏ của HBRE nói riêng và các nhà máy đang xây dựng nói chung.
“Là một doanh nghiệp điện gió, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với điện gió trên đất liền đến tháng 12/2022 và điện gió ngoài khơi đến tháng 12/2025”, lãnh đạo HBRE mong muốn. Đây là việc cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư điện đưa dự án hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thành xây dựng đóng điện kịp tiến độ; tránh nguy cơ phá vỡ phương án tài chính được phê duyệt nếu như có được hỗ trợ lùi thời hạn từ Chính phủ.
Cả năm qua, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận đã gửi đi không biết bao nhiêu kiến nghị về lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho điện gió. Ông Thịnh cho biết, ở Bình Thuận có 6 dự án điện gió, cơ bản đáp ứng tiến độ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang vướng chồng lấn quy hoạch titan. Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, có rất ít dự án có thể kịp tiến độ FIT. Giờ này, 106 dự án đăng ký COD chỉ một phần dự án hòa lưới.
Đến lúc này, ông Thịnh dự báo rằng trên phạm vi cả nước sẽ có “rất nhiều dự án sẽ bị bỏ lại sau lưng”, thiệt hại cho các nhà đầu tư sẽ là vô cùng lớn.
Là địa phương tập trung nhiều dự án điện gió với 19 dự án đã và đang thi công, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm: Chúng ta cần nhận thức được rằng việc đầu tư dự án điện gió rất khó khăn phức tạp, không đơn giản như đầu tư dự án điện mặt trời. Thời gian triển khai thực hiện dự án điện gió dài. Sau khi dự án được đưa vào danh mục quy hoạch nhà đầu tư phải thực hiện khảo sát đo gió thời gian tối thiểu là 12 tháng trước khi lập dự án đầu tư; sau khi dự án đầu tư được duyệt và huy đồng được nguồn vốn, việc hợp đồng cung cấp thiết bị thời gian cũng phải 1 năm. Thời gian thi công, vận chuyển và lắp đặt thiết bị cũng khoảng 1 năm (tổng thời gian bình thường khoảng 3 năm)…
Vì thế, ông Hà Sỹ Đồng bày tỏ ủng hộ việc lùi thời hạn áp dụng giá FIT đối với dự án điện gió đã thi công nhưng chậm tiến độ do Covid-19, để nhà đầu tư được hưởng mức giá ưu đãi theo Quyết định 39.
Lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho dự án bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 là cần thiết
Thời gian qua, nhiều địa phương có số lượng lớn dự án điện gió thi công cũng đã gửi văn bản kiến nghị lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án dở dang, chậm tiến độ. Với 6 dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết nhiều dự án có nguy cơ trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 1/11/2021. Do đó, tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.
Với 11 dự án đang thi công nhưng với tình trạng chậm tiến độ thi công, khó đảm bảo vận hành kịp thời hạn hưởng giá FIT, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng lùi thời hạn thực hiện cơ chế giá FIT đến hết 31/3/2022. Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công.
UBND tỉnh Gia Lai là địa phương kiến nghị mốc lùi thời hạn ngắn nhất, đến hết 31/12/2021.
Lý do được các địa phương đưa ra tương đồng với những gì các nhà đầu tư đã nêu. Đó là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn tới tiến độ cung cấp tuabin gió của nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ cộng với vận chuyển khó do giãn cách xã hội, hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao... nên rất nhiều dự án đều đứng nguy cơ chậm tiến độ vận hành.
Ông Mark Hutchinson, đại diện Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) chia sẻ: Với sự chậm trễ đáng kể của nhiều dự án điện gió trên bờ ở Việt Nam, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu đã đề nghị Chính phủ lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió. Các biện pháp cứu trợ liên quan đến COVID-19 đã được đưa ra cho nhiều ngành công nghiệp khác ở Việt Nam nhưng chưa áp dụng cho ngành điện gió và chúng tôi mong muốn Chính phủ cung cấp một số biện pháp cứu trợ tốt hơn trong việc lùi thời hạn áp dụng giá FIT.
“Thời hạn tính giá FIT điện gió nên được lùi lại. Nhưng chúng tôi cũng hiểu những mối quan tâm của Chính phủ vì chúng tôi muốn đảm bảo sự công bằng. Tất nhiên Covid-19 đã ảnh hưởng tới các dự án theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, những gì chúng tôi đề xuất là lùi thời hạn áp dụng giá FIT thêm 6 tháng đối với các dự án nếu họ đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, đã đặt hàng và nhập khẩu tuabin gió về Việt Nam với đầy đủ hồ sơ thông quan để chứng minh điều đó”, ông Mark Hutchinson kiến nghị.