Ba động lực cho tăng trưởng kinh tế
Tham gia buổi đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong một cuộc hội thảo có chủ đề “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 và đến năm 2020”, tổ chức ngày hôm qua (15/5) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã rất lạc quan khi nhấn mạnh rằng, có nhiều lý do để có thể “hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo”. Nhận định này được đưa ra sau khi Bộ trưởng viện dẫn tốc độ tăng trưởng 6,81% của kinh tế Việt Nam năm 2017 và con số tăng trưởng kỷ lục 7,38% trong quý I năm nay.
Tăng năng suất lao động là một trong 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay. Ảnh: Đức Thanh |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận rằng, để đạt được mục tiêu và hoàn thành tốt Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cũng như 5 năm 2016 - 2020, còn rất nhiều việc đã và tiếp tục phải làm. Trong đó, có 3 việc rất quan trọng cần phải làm nhằm hiện thực hóa những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng.
Đó là phải tiếp tục đổi mới thể chế, tăng năng suất lao động và phát triển khu vực tư nhân. “Cải cách thể chế là động lực mang tính nền móng, căn bản; nâng cao năng suất lao động là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng; còn phát triển khu vực tư nhân là động lực mang tính dài hạn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nâng cao tính linh hoạt, năng động của nền kinh tế, góp phần thích ứng tốt với những biến động quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn các động lực quan trọng này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm gần đây, công cuộc cải cách thể chế đã có nhiều “chuyển biến tích cực”, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Trong khi đó, việc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa XII đã thông qua nghị quyết coi kinh tế tư nhân là một động lực cho sự phát triển, theo Bộ trưởng, đã cho thấy “bước tiến đáng kể” về tư duy lý luận và quan điểm, đường lối kinh tế của Việt Nam, thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo động lực và sự yên tâm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật.
Còn việc tăng năng suất lao động, theo Bộ trưởng, nếu tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì Việt Nam có thể nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. “Đây là cơ hội ngàn năm có một của Việt Nam, nếu không tận dụng được, chúng ta sẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể có lại được cơ hội này”, Bộ trưởng khẳng định.
Ngoài 3 yếu tố mang tính động lực quan trọng trên, theo Bộ trưởng, còn rất nhiều nhân tố động lực khác để minh chứng cho triển vọng khả quan của kinh tế Việt Nam năm 2018 cũng như những năm tiếp theo, như kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lại nền kinh tế...
“Dư địa còn nhiều, vấn đề là làm thế nào để khai thác được các dư địa này một cách nhanh, hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Động lực lớn nhất nằm ở cải cách
Đã có sự đồng thuận rất lớn từ các chuyên gia kinh tế, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về các nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liên quan các động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay, cũng như đến năm 2020. Tương tự, các ý kiến cũng thống nhất với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rằng, vẫn còn “rất nhiều việc phải làm”.
Chẳng hạn, với câu chuyện cải cách thể chế, dù đã đạt được những kết quả tích cực trong cải cách thể chế, song ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu hỏi những kết quả đó đã đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp chưa, thì câu trả lời sẽ là chưa.
“Cải cách vẫn rất chậm, thậm chí là quá chậm. Năm ngoái, chúng ta đã đặt mục tiêu xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh, nhưng đến nay, mới hiện thực hóa được một phần rất nhỏ bằng quyết định của Bộ Công thương. Quy mô và phạm vi cải cách còn xa với kỳ vọng. Hiện nay, chúng ta mới ở giai đoạn xóa bỏ rào cản, chứ chưa nói đến chuyện tạo ra các động lực cho sự phát triển”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Thậm chí, nhắc đến câu chuyện Uber đã vào Việt Nam kinh doanh một thời gian và đã ra khỏi Việt Nam, song đến nay, các cơ quan quản lý vẫn đang “loay hoay bàn” về chính sách cho mô hình kinh doanh này, ông Hiếu cho rằng, “tích thích nghi và phản ứng chính sách của Việt Nam” còn quá chậm.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bày tỏ sự sốt ruột khi việc cải cách hiện nay mới là “tháo gỡ những cái chúng ta đặt ra để quản lý, kiểm soát, trong khi cần khuôn khổ chính sách mới cho tăng trưởng lâu dài”. “Tôi cho rằng, cải cách là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng”, ông Cao Viết Sinh nói.
Trong khi đó, mặc dù đánh giá rất cao việc Hội nghị Trung ương 5 đã có một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, song ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, điều quan trọng là làm sao để đưa nghị quyết vào cuộc sống, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế.
“Chúng ta cần có sự chuyển động tích cực hơn, có thể chế, chính sách để khu vực tư nhân phát triển. Chỉ riêng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, nếu cứ ‘khoan nhặt’ như hiện nay, mà không phải là ‘trên nóng, cả hệ thống phải nóng’, thì sẽ rất khó khăn, chứ đừng nói đến các chính sách kiến tạo cho sự phát triển dài lâu của doanh nghiệp”, ông Thắng bày tỏ.