Thông tin doanh nghiệp
Động lực tăng trưởng từ thực thi hiệu quả các FTA
Như Loan - 13/04/2024 20:17
Bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống, việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới vừa là yêu cầu, vừa là bước chuyển tất yếu của kinh tế Việt Nam.

Cùng “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” tìm hiểu và phân tích sâu hơn nữa nhằm thích ứng và phát huy thế mạnh của kinh tế Việt Nam. Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Hội trường Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới.

Liên quan đến FTA, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế đã chia sẻ một số vấn đề.

Thứ nhất, thực thi FTA đã tạo động lực, mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong 5 năm 2018 - 2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu tuy suy giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

Thứ hai, nhận diện được những rủi ro và thách thức. Việc tham gia và thực thi các FTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo đó là những rủi ro và thách thức, nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường, thách thức về bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế…

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế.

Thứ ba, thực thi hiệu quả FTA cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ. Trong thời gian qua, với việc chúng ta đang thực thi 15 FTA trong số 16 FTA đã ký kết, từ đánh giá những thành tựu và kết quả đạt được cũng như khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình thực thi FTA, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các Bộ, ngành liên quan cũng đã nhiều lần tổ chức tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và báo cáo Chính phủ về một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, chúng ta cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động.

Tin liên quan
Tin khác