Sáng nay (23/2), VCCI tổ chức Hội thảo phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp thực phẩm và hiệp hội. Có thể nói, hoạt động “mở hàng” này chứa đựng chỉ dấu tốt cho môi trường kinh doanh, khi hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được bãi bỏ, thưa ông?
Đây là điều mà doanh nghiệp đã chờ đợi nhiều năm nay, khi kiên trì kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Ông Vũ Tiến Lộc. |
Doanh nghiệp mừng nhất là Nghị định 15/2018/NĐ-CP mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành đầu tháng 2/2018, cho phép doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm, thay vì phải làm thủ tục công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp theo quy định an toàn thực phẩm như Nghị định 38/2012/NĐ-CP, rất tốn kém, mất thời gian, nhưng không có ý nghĩa trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điều quan trọng, “khoảng mờ” do những quy định không phù hợp tạo ra đã được bỏ đi, thủ tục hành chính được công khai rõ ràng đúng với tinh thần Chính phủ hành động. Doanh nghiệp không còn bất an khi phải tùy thuộc vào hành vi của công chức, không tiên liệu được chính kế hoạch kinh doanh của mình. Mối lo này lớn hơn rất nhiều chi phí họ phải bỏ ra để hoàn tất các thủ tục.
Với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, kết quả này thực sự có ý nghĩa vì họ trực tiếp chứng kiến những khó khăn, thậm chí cả sự phản đối rất lớn từ chính cơ quan được giao nhiệm vụ sửa đổi văn bản. Phải mất rất nhiều thời gian từ khi doanh nghiệp kiến nghị, phải có áp lực liên tục từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng phải chỉ đạo trực tiếp, Bộ Y tế phải thay cả lãnh đạo phụ trách việc sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP thì mới có được kết quả như hiện tại.
Rõ ràng, áp lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, cắt bỏ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không phù hợp đã làm nóng các bộ, ngành, nhưng không phải ngay lập tức có kết quả bởi những lợi ích đằng sau các thủ tục, các điều kiện này. Câu chuyện của Nghị định 15/2018/NĐ-CP có lẽ là điển hình về sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, kiên trì theo đuổi của doanh nghiệp, nhưng cũng là bài học cho các bộ, ngành trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Có thể nói, với những gì đang diễn ra trong việc thực hiện yêu cầu cắt giảm từ 30-50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương, năm 2018 sẽ là năm cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thưa ông?
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà doanh nghiệp quan tâm, trong đầu họ hiện tại là con số này, cắt giảm 30-50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Họ cũng đang tính toán các chi phí có thể tiết kiệm được nhờ việc cắt giảm trên, cũng có nghĩa sẽ có một khoản vốn dành cho đầu tư phát triển.
Điều quan trọng hơn nữa là niềm tin kinh doanh được xác lập. Cả giới khởi nghiệp cũng sẽ được kích thích bởi một môi trường kinh doanh thuận lợi, ít tốn kém và ủng hộ các sáng kiến, sáng tạo.
Nhưng doanh nghiệp cần là Nhà nước cắt thật, giảm chi phí thật, thể hiện từ việc sửa đổi văn bản đến thực thi theo đúng thông điệp của Chính phủ là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Những khó khăn trong việc ban hành được Nghị định 15/2018/NĐ-CP giai đoạn vừa rồi cho thấy mong muốn này không phải dễ thực hiện.
Phải thẳng thắn là vẫn có hiện tượng cơ quan nhà nước “đá bóng” cho nhau, nhiều phương án sửa đổi, cắt giảm thủ tục không thực sự có ý nghĩa thực tiễn... do các bộ, ngành chưa hành động đúng theo yêu cầu là sáng tạo, hiệu quả, chưa muốn dứt bỏ thói quen cũ. Như vậy thì Thủ tướng Chính phủ dù có 72 giờ một ngày cũng không thể giải quyết hết được.
Hơn nữa, khi các cơ quan quản lý nhà nước làm việc theo đúng trách nhiệm của mình, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những thay đổi thì doanh nghiệp sẽ yên tâm kinh doanh. Trong bối cảnh các cơ hội kinh doanh đang đến rất nhanh, nhiều cơ hội mới mẻ, cần sự nhanh nhạy và thậm chí cả liều lĩnh, dám làm thì sự an tâm, an toàn trong kinh doanh là yếu tố rất quan trọng.
Còn nhớ, một năm trước, cũng trước thềm năm mới, ông đã nói doanh nghiệp ứng trước niềm tin với Chính phủ. Còn hiện tại?
Chính phủ đã hành động và có những động thái tích cực, hiệu quả để củng cố niềm tin đó. Nhưng mọi việc vẫn chỉ là bắt đầu, cần sự nhất quán, đồng bộ trong cả hệ thống, từ các bộ, ngành đến từng địa phương.
Doanh nghiệp tiếp tục trông chờ nguyên tắc cái gì doanh nghiệp, người dân làm được thì Nhà nước không làm, như việc cung cấp dịch vụ công, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại...
Khi đó, mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh mới có thể đạt được.
Quan trọng là khi đó, sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh sẽ tăng lên nhờ chi phí kinh doanh giảm, quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch, chứ không chỉ là các yêu cầu hành chính. Từ đó, mục tiêu tăng tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội lên khoảng 41% sẽ thực hiện được.