VN-Index tăng gần 18 điểm, lập đỉnh mới ở mốc 1.377,7
Tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên, đồng thời, xác lập kỷ lục điểm số mới – 1.377,7 điểm, tăng 17,85 điểm (+1,31%) so với hôm qua. Trong khi đó, chỉ số chung của sàn HNX và UPCoM chỉ tăng lần lượt 0,52% lên 318,7 điểm và 0,74% lên 90,22 điểm. Số lượng các mã chứng khoán tăng điểm đều áp đảo trên ba sàn.
Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp, cả ba chỉ số đều tăng điểm. VN30-Index nay cũng bật tăng trở lại gần 19,4 điểm lên 1.481 điểm. 22/30 cổ phiếu thuộc rổ VN-30 tăng giá trong khi bất ngờ đóng cửa trong sắc đỏ hôm qua.
Dòng ngân hàng cũng đã lấy lại sắc xanh sau vài phiên điều chỉnh. Trừ một vài cổ phiếu duy trì mức giá như hôm qua, phần lớn các mã ngân hàng đều tăng giá. Cổ phiếu VCB tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng (+4,3%) lên 108.500 đồng/cổ phiếu. VCB trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sức tăng của VN-Index hôm nay. Không chỉ vậy, Vietcombank cũng đã vượt qua Vingroup để giữ vị trí đứng đầu về vốn hóa thị trường với giá trị 402.413 tỷ đồng.
Ngoài Vietcombank, nhóm ngân hàng còn có TCB, CTG, MBB cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu kéo VN-Index tăng điểm. SHB cũng là đầu tàu của sàn HNX. MSN, HPG đều hồi phục tăng lần lượt 3,4% và 1,36% sau ba phiên giảm liên tiếp.
Ở chiều ngược lại, đà tăng của GAS đã chững lại. Cổ phiếu này đóng cửa giảm 1,28% và trở thành cổ phiếu ghìm chân thị trường nhiều nhất. Trên bảng xếp hạng vốn hóa, PV Gas đã lùi về vị trí thứ 9 sau khi giá cổ phiếu của Techcombank ghi nhận phiên phục hồi mạnh. Không riêng GAS, nhóm dầu khí cũng có ngày giao dịch ảm đạm do giá dầu điều chỉnh như PVD giảm 1,9%, PVC và PVT cùng giảm 1,7%. Đồng đô la Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tăng lãi suất vào năm 2023, sớm hơn dự kiến trước đó đã tác động đến giá loại hàng hóa này.
Một số nhóm các doanh nghiệp sản xuất cũng giao dịch khá tích cực. Cổ phiếu ngành thép đã hồi phục trở lại. Hai ông lớn trong ngành là Hòa Phát và Hoa Sen tăng lần lượt 2,0% và 1,4%. SMC hay TLH thậm chí còn tăng kịch biên độ.
Cổ phiếu mía đường tiếp tục giữ được đà tăng nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư sau khi Bộ Công thương đã có quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan với mức 47,64%, áp dụng trong 5 năm. Riêng Mía đường Kon Tum (KTS), Mía đường Lam Sơn (LSS) tăng kịch biên độ. Nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên cũng giao dịch khá tích cực.
Khối ngoại mạnh tay mua ròng trong phiên cơ cấu danh mục hai quỹ ETF ngoại
Khối ngoại giao dịch sôi động trong phiên hôm nay khi giải ngân thêm 2.312 tỷ đồng và bán cổ phiếu thu về 1.666 tỷ đồng, tương đương đã quay lại mua ròng 650 tỷ đồng. Trước đó, khối ngoại đã có hai phiên bán ròng nhưng giá trị cũng khá khiêm tốn.
Tổng cộng có 6 mã chứng khoán được khối ngoại giải ngân trên 100 tỷ đồng, gồm PDR, HSG, APH, VCB, STB, VHM. Trong đó, PDR, HSG, APH và HNG đều là những mã cổ phiếu được thêm vào danh mục của MVIS Vietnam ETF. Khối ngoại đã mạnh tay chi lần lượt 244 tỷ đồng mua cổ phiếu PDR vầ 210 tỷ đồng mua cổ phiếu HSG. APH và HNG cũng lần lượt được mua 169 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNM không liên quan đến kỳ đảo danh mục của hai quỹ ETF ngoại nhưng nhà đầu tư ngoại khác cũng chi tới 97 tỷ đồng mua thêm cổ phiếu ông lớn ngành sữa này. Ở chiều ngược lại, HPG lại bị khối ngoại bán mạnh hơn 301 tỷ đồng. Nhưng điều này không khiến cổ phiếu “vua thép” giảm.
Tình trạng “nghẽn” trên sàn HoSE vẫn xảy ra dù việc đặt lệnh chỉ khó khăn hơn ở sát thời điểm kết thúc phiên khớp lệnh liên tục (14h30p). Theo dự kiến, chỉ còn một tuần nữa, dự án hệ thống giao dịch do HoSE và FPT phối hợp thực hiện sẽ kết thúc giai đoạn kiểm thử diện rộng trên toàn thị trường. Kết quả giai đoạn kiểm thử toàn thị trường sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức.