Người mở rộng, kẻ thu hẹp
Nếu đầu năm 2022, chuỗi nhà thuốc Pharmacity có khoảng 800 cửa hàng, thì tính tới đầu tháng 12/2022 đã nâng lên 1.041 cửa hàng, tăng hơn 30% so với đầu năm. Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu vừa đánh dấu cột mốc 1.000 cửa hàng, tăng 150% so với đầu năm (năm 2021 mở mới 200 cửa hàng).
Mới đây, FPT Retail dự kiến góp thêm 225 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu). Nếu góp vốn thành công, FPT Retail sẽ nâng sở hữu từ 85,07% lên 89,83% vốn điều lệ tại Dược phẩm FPT Long Châu. Trong đó, vốn điều lệ của Dược phẩm FPT Long Châu sẽ tăng lên 450 tỷ đồng và tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Ngược với 2 chuỗi nhà thuốc Pharmacity và Long Châu, khi chạm mốc 529 cửa hàng vào tháng 10/2022, chuỗi nhà thuốc An Khang có dấu hiệu ngừng mở mới và đóng cửa một số cửa hàng. Tính tới đầu tháng 12/2022, chuỗi này chỉ còn lại 509 cửa hàng, giảm 20 cửa hàng so với đỉnh trong tháng 10/2022.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 23/11, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế giới Di động (đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang) cho biết, thời điểm này, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022, thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn, nên việc dừng lại là để phù hợp với tình hình thị trường.
Như vậy, hiện tại, số cửa hàng của chuỗi nhà thuốc Long Châu và Pharmacy đang gấp đôi số cửa hàng của An Khang. Trong khi đó, hai chuỗi nhà thuốc Long Châu, Pharmacy vẫn tiếp tục mở rộng, nên khoảng cách so với chuỗi An Khang sẽ tiếp tục được nới rộng.
Kẻ phát triển tập trung, người đầu tư dàn trải
Trong các đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail cho biết, chuỗi nhà thuốc Long Châu chính là động lực phát triển của Công ty trong thời gian tới. Trong đó, bà Điệp sẽ là người trực tiếp vận hành chuỗi Long Châu. Thực tế cho thấy, sau thành công với chuỗi FPT Shop, FPT Retail đã đầu tư thêm chuỗi nhà thuốc Long Châu và bắt đầu có lãi từ năm 2021.
Liên quan đến chuỗi nhà thuốc Pharmacy, ngoài cổ đông lớn là Mekong Capital, SK Group mới đây đã thông báo trở thành cổ đông lớn nhất khi sở hữu 14,5% vốn tại Maroon Bells - công ty sở hữu chuỗi nhà thuốc Pharmacy. Sau khi nhận thêm vốn từ các quỹ ngoại, Maroon Bells tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển và mở rộng chuỗi nhà thuốc này.
Trái ngược với hai chuỗi trên, câu chuyện đầu tư của chuỗi nhà thuốc An Khang có sự khác biệt, khi “ông chủ” liên tục đầu tư dàn trải. Giới đầu tư ví von, Thế giới Di động đã trở thành “cửa hàng tạp hoá” khi kinh doanh mọi mặt hàng với hệ thống chuỗi Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách hoá Xanh, Nhà thuốc An Khang, AVA Kids, AVA Sport…
Ngoại trừ chuỗi Thế giới Di động, các chuỗi phát triển mới sau này đều bộc lộ nhược điểm và kinh doanh gặp khó khăn. Trong năm 2020, công ty này âm thầm đóng cửa chuỗi Điện thoại Siêu rẻ kinh doanh các smartphone dưới 8 triệu sau 1 năm mở ra. Trong hơn 11 tháng đầu năm 2022, Công ty bất ngờ đóng cửa 375 cửa hàng chuỗi Bách hoá Xanh để giảm số lượng cửa hàng từ 2.106 về 1.731. Và mới đây nhất, việc thu hẹp số cửa hàng chuỗi nhà thuốc An Khang đã được thực hiện.
Tại buổi gặp nhà đầu tư ngày 23/11, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động bất ngờ cho biết, triển vọng ngành bán lẻ khá u ám và có thể kéo dài sang năm 2023. Điều này được giới đầu tư liên tưởng tới đánh giá triển vọng ngành thép của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát đầu năm 2022 và sau đó nhóm doanh nghiệp thép liên tục báo lợi nhuận giảm, đỉnh điểm quý III/2022, hàng loạt doanh nghiệp thép báo lỗ kỷ lục.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, vấn đề hiện tại của ngành bán lẻ không đến từ một quyết định, mà có nguồn cơn từ một chuỗi những yếu tố tác động như lạm phát, chiến tranh, rủi ro tỷ giá... và không ai có thể xử lý vấn đề này nhanh gọn. Ông Tài dự báo, khó khăn chỉ có thể kết thúc nhanh nhất vào cuối quý I/2023 và trong trường hợp tình hình thế giới vẫn bất ổn, nhiều khả năng tác động tiêu cực sẽ kéo dài đến quý III và từ quý IV trở đi mới “dễ thở hơn”.
Với những dự báo tiêu cực như vậy, Chủ tịch Thế giới Di động cho biết, năm nay lợi nhuận của Công ty dự kiến chỉ đạt 4.400 tỷ đồng, giảm 10% so với thực hiện năm 2021, kết thúc giai đoạn tăng trưởng nóng từ năm 2011 đến 2019, với lợi nhuận tăng trung bình 55,3%/năm. Có thể thấy, việc các chuỗi được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới không thể mở rộng đang phát đi tín hiệu kém tích cực cho Công ty trong bối cảnh ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sức mua suy giảm.