Khánh thành Dự án Phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn TP. Cao Lãnh. |
Tăng trưởng kinh tế đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dù tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng và có nhiều điểm sáng. Trong đó, tăng trưởng GRDP ước đạt 3,41%, tuy tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2019 (6,54%), nhưng là mức cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 2,39%; ngành lâm nghiệp tăng 2,79%; ngành thủy sản tăng 1,15%, do nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước tăng và nhu cầu chế biến của doanh nghiệp chế biến vẫn tăng nhẹ. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,51% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm giảm 13,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/5/2020, có 205 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9 doanh nghiệp và tổng vốn điều lệ giảm 762.340 triệu đồng so với 5 tháng đầu năm 2019. Riêng khu vực dịch vụ chỉ tăng 0,65%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,45% của 6 tháng đầu năm 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 622,811 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, đã có 14.908 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 724 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Hùng nhấn mạnh, định hướng đúng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm gần đây đã phát huy vai trò, giúp ngành nông nghiệp của tỉnh vượt qua khó khăn, làm bệ đỡ và giúp giảm sốc cho nền kinh tế để duy trì tốc độ tăng trưởng khá, song song với đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích... Nhờ đó, Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh (PAR Index) tiếp tục xếp vị trí thứ 3 cả nước; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần đầu vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhiều giải pháp tích cực để kích cầu du lịch
Đến nay, một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch trọng điểm theo kế hoạch đã hoàn thành 100% và đưa vào khai thác, thu hút du khách. Các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn đã bổ sung dịch vụ, mở rộng hoạt động khai thác du lịch, chủ động nâng cấp hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô hoạt động.
TP. Sa Đéc đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung, Làng hoa Sa Đéc... Quan tâm, đầu tư thực hiện chỉnh trang đô thị, như Công viên Sa Đéc được đầu tư nhiều thảm hoa tươi, trang trí cụm tiểu cảnh cùng hệ thống đèn màu chiếu sáng xung quanh hồ và phun nước nghệ thuật giữa hồ bán nguyệt...
Song song đó, các tuyến đường cặp bờ kè sông Tiền, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ cặp sông Sa Đéc đã nâng cấp, chỉnh trang cảnh quan và hệ thống chiếu sáng, tạo điểm nhấn về du lịch sông nước.
TP. Sa Đéc cũng đã quy hoạch và đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng khu hoa viên, cây xanh, quầy hàng ăn uống, quà lưu niệm tại khu vực cặp sông Sa Đéc trước nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Đến nay, toàn Thành phố có 22 khách sạn, 35 nhà nghỉ, 44 nhà trọ, 2 cơ sở homestay. Trong đó, có 10 khách sạn đã được xếp loại, với sức chứa 875 khách du lịch/ngày.
TP. Sa Đéc định hướng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Tập trung xây dựng Làng văn hóa du lịch Hoa Sa Đéc gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tiếp xúc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố, huy động, khai thác tối đa các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư.
Đến nay, TP. Sa Đéc đã phát triển 8 điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận, đang khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả như các homestay Ngôi nhà Hoa ếch, Phong Le Vent, điểm tham quan Đài ngắm hoa, vườn hoa kiểng Hai Cao, điểm tham quan Làng Bột, điểm du lịch Cánh đồng hoa hồng, Happyland Hùng Thy, khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, điểm tham quan Trung tâm dịch vụ du lịch và trạm dừng chân bán hàng đặc sản...
Tại huyện Tháp Mười, đến nay đã hoàn thiện Đồ án Quy hoạch và Nâng cấp hạ tầng Khu du lịch Đồng Sen, trình tỉnh xem xét phê duyệt. Địa phương đang chuẩn bị đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường du lịch của huyện, như hạ tầng Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, đường Kênh Ba Tháp, đoạn Cụm dân cư Gò Tháp - đường Võ Văn Kiệt. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử như Bia Chiến thắng giải phóng Thanh Mỹ, Bia vụ thảm sát ấp Lợi An - Thanh Mỹ, Miếu bà Chúa Xứ - Đốc Binh Kiều, Đền thờ Đốc Binh Kiều (xã Trường Xuân), Bia Chiến thắng 307 - xã Mỹ Đông...
Tháp Mười sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về giá trị, ý nghĩa của các lễ hội truyền thống hàng năm như Lễ hội Bà Chúa Xứ, Thiên hộ Võ Duy Dương - Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều, lễ cúng Đình thần Đốc Binh Kiều tại xã Trường Xuân..., nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương gắn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao, quảng bá, thu hút khách du lịch. Đồng thời, đón các đoàn doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện để các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch tham quan, khảo sát những mô hình du lịch thế mạnh của huyện, xúc tiến đầu tư và liên kết xây dựng các tour, tuyến...
Khởi công và khánh thành nhiều công trình trên địa bàn TP. Cao Lãnh
Đó là những công trình chào mừng Đại hội Đảng lần IX nhiệm kỳ 2020 - 2025 của TP. Cao Lãnh vừa khai mạc vào trung tuần tháng 7/2020. Cụ thể:
Khởi công mở rộng đường Phạm Hữu Lầu, đoạn từ cầu Cái Tôm đến cống Tân Việt Hòa thuộc phường 6, gồm: san lấp mương lộ, nền, mặt đường chiều dài 1.600 m. Tổng mức đầu tư công trình 83 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là 18 tháng.
Khánh thành hệ thống thoát nước khu 500 căn, phường Mỹ Phú. Công trình nhằm giải quyết tình trạng ngập úng trong khu vực vào những ngày mưa lớn, với tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng.
Khởi công xây dựng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tú (giai đoạn II), gồm: khối phòng học chức năng (1 trệt, 2 lầu) và công trình phụ trợ khác, tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng.
Công trình cải tạo công viên thiếu nhi đã hoàn thành, gồm: lát bờ kè hồ nước, đường dạo công viên, trồng cây xanh... Đây là công trình thuộc dự án phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Từ ngày 27 đến 31/7/2020, TP. Cao Lãnh đã tổ chức thành công các lễ hội như Không gian Văn hóa TP. Cao Lãnh - Hội An 2020, Những ngày Văn hóa TP. Cao Lãnh - Hội An, giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa của Cao Lãnh và Hội An (Quảng Nam) và Lễ Giỗ 200 năm ông bà Đỗ Công Tường - hai vị tiền bối có công khai mở, thành lập chợ Cao Lãnh và vùng đất Cao Lãnh - thủ phủ Đất Sen Hồng ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, TP. Cao Lãnh cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01 của Tỉnh Ủy về phát triển kinh tế - xã hội, chủ động mở rộng không gian kinh tế, liên kết với các địa phương lân cận, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch. Ông Phan Văn Thương, Bí thư Thành ủy TP. Cao Lãnh cho biết thêm, phát triển hướng ra sông Tiền là định hướng chiến lược của TP. Cao Lãnh và cũng là khát vọng của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh và Thành phố. Tỉnh và Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thông thoáng, vận dụng linh hoạt các hình thức thu hút đầu tư để nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tận dụng lợi thế tuyến tránh Quốc lộ 30, đường Hồ Chí Minh…, từng bước hình thành các trung tâm dịch vụ chuyên ngành, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng đặc trưng, một số cụm công nghiệp và dịch vụ du lịch chất lượng cao…