Du lịch cộng đồng đang được du khách nồng nhiệt đón nhận tại Đồng Tháp |
Từ thực trạng du lịch trong và ngoài nước…
Sau thời gian tăng trưởng công nghiệp, nhiều quốc gia phải trả giá rất đắt cho việc tổn hại môi trường sống… Họ nhận ra, du lịch, ngành công nghiệp không khói mới là ngành dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tề bền vững. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều chuyển hướng sang phát triển du lịch và đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục, tiêu biểu như Nhật Bản, tăng trưởng trên 57% vào năm 2015.
Có thể nói, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nó tác động và liên quan mật thiết tới nhiều ngành nghề khác, muốn phát triển du lịch bền vững cần có sự thay đổi mạnh về nhận thức, tư duy và sự vào cuộc của xã hội, trong đó nhà nước đóng vai trò kiến tạo, xây dựng mục tiêu định hướng, lấy chủ thể người dân làm động lực chính.
Mặc dù có sự tăng trưởng đột biến từ 0,9% vào năm 2015 lên 26% trong năm 2016, nhưng vì nhiều lý do, du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là chậm phát triển so với các nước trong vùng. Có thể thấy điều này qua các số liệu sau: Năm 2016, Lào với 7 triệu dân đón gần 4 triệu lượt khách quốc tế; Campuchia có 15 triệu dân, đón gần 5 triệu lượt khách; Malaysia có hơn 30 triệu dân, đón trên 30 triệu lượt khách; Thái Lan có hơn 70 triệu dân, đón 32 triệu lượt khách; đảo quốc Singapore chưa tới 6 triệu dân nhưng lại đón hơn 19 triệu lượt khách… trong khi Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách.
Từ giữa năm 2016, du lịch Việt Nam đã có những chuyển động mạnh mẽ, khi lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì Hội thảo quốc gia bàn về phát triển du lịch tại TP. Hội An (Quảng Nam). Luật Du lịch Việt Nam được chỉnh sửa lần thứ 6 và đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh, trình Quốc hội ban hành. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý để du lịch Việt Nam đột phá đi lên, các cấp, các ngành và các địa phương cũng có nhiều biện pháp kích hoạt, khởi xướng…
Có thể nói, chưa bao giờ du lịch Việt Nam được quan tâm như vậy, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, từ việc quy hoạch tùy tiện, sản phẩm đơn điệu, bê tông hóa, xâm hại môi trường, tàn phá tài nguyên, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu, đến nạn chặt chém, chèo kéo, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông… Muốn phát triển du lịch thì không thể ăn xổi và thụ động, đầu tư du lịch theo kiểu “mì ăn liền” sẽ cho ra sản phẩm kém chất lượng, không đủ sức cạnh tranh và khó thu hút du khách.
Đến thay đổi nhận thức về du lịch trách nhiệm
Từ thực trạng phát triển du lịch trong nước và bài học về sự phát triển du lịch từ nhiều nước, tỉnh Đồng Tháp đã tìm hướng đi cho mình để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn song hành với nông nghiệp và hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Nhiều giải pháp đã được đề ra và thực hiện, trong đó có việc lãnh đạo tỉnh trực tiếp dẫn các đoàn khảo sát những mô hình hiệu quả, mời các chuyên gia thực tiễn làm diễn giả, chia sẻ kiến thức về du lịch cho các đối tượng riêng biệt, từ sở, ngành đến các huyện, thị xã; từ các đơn vị sự nghiệp, đến các đơn vị dịch vụ, người dân và doanh nghiệp. Tất cả cấp, ngành cùng lúc triển khai và kích hoạt nhiều hoạt động phát triển du lịch.
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, du lịch địa phương ngày càng khởi sắc và được sự đồng thuận cao trong chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân.
Nói đến phát triển du lịch những năm gần đây, người ta nhắc nhiều tới khái niệm “Du lịch Trách nhiệm”, đã được Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết của năm 2017 là “Năm quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững”. Theo đó, phát triển du lịch gắn với 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là loại hình du lịch lý tưởng, chủ động, từ nhà tổ chức và các đơn vị cung cấp cho đến khách hàng và người dân địa phương. Mỗi các nhân và tập thể đều có ý thức để thực hiện các phần việc của mình. Khái niệm này bắt nguồn từ thuật ngữ “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, thể hiện qua 4 nội dung chính: sản xuất không làm tổn hại môi trường, sản phẩm làm ra có ích cho xã hội, chăm lo đời sống nhân viên (văn hóa công ty) và chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng tại chỗ.
Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi thực thi dầy đủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình, trách nhiệm ấy còn lan tỏa đến cả du khách và người dân địa phương. Du khách không chỉ biết thụ hưởng các sản phẩm du lịch, mà còn làm ra các giá trị thông qua các hoạt động đóng góp lợi ích cho cộng đồng tại điểm đến. Khách du lịch sẽ cùng với chính quyền và người dân địa phương, tham gia góp sức trong các hoạt động: từ giữ gìn vệ sinh, tôn trọng văn hóa bản địa, tẩy chay các sản phẩm độc hại, đến việc tham gia trồng cây, làm đẹp thôn xóm, sửa đường sá, phổ cập kiến thức y tế, ngoại ngữ, tham gia các chương trình thiện nguyện…
Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp 2017 vừa diễn ra vào đầu tháng 1/2017 tại thành phố hoa Sa Đéc, đã được tổ chức triển khai theo xu thế trên và thu được kết quả rất khả quan, với trên 250.000 du khách đến du lịch trải nghiệm, góp phần định hướng cho phát triển du lịch trong thời gian tới.
Du lịch Cộng đồng (Community Based Tourism) trong đó có homestay, là sự cụ thể hóa Du lịch Trách nhiệm, là loại hình du lịch lấy người dân tại chỗ làm chủ thể, đã được Đồng Tháp chọn lựa, sau khi tham khảo thực tế, làm khâu đột phá để phát triển du lịch. Hiện loại hình du lịch này đã được triển khai có hiệu quả tại 7 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu và Thừa Thiên - Huế) với cam kết “6 E” (Engage - kết nối, Educate- giáo dục, Empower - nâng cao năng lực, Encourage- thúc đẩy, Earning- thu nhập, Enable - kích hoạt).
Các hoạt động du lịch cộng đồng homestay từ bình dân đến cao cấp tại nhiều địa phương đều có điểm chung sạch – thoáng - vệ sinh - bản sắc và với 5 không là: không ma túy, không cờ bạc, không rượu chè, không mại dâm và không karaoke.
Điểm khác biệt của du lịch cộng đồng homestay chính là cộng đồng cùng tham gia làm du lịch và cùng chia sẻ lợi nhuận, tùy khả năng đóng góp của từng hộ gia đình, không có sự tự cô lập, kín cổng cao tường, chiếm dụng không gian công cộng.
Đồng Tháp không bao cấp đầu tư mà chỉ hỗ trợ kinh phí tư vấn, các công trình chung và cho vay ưu đãi rồi trừ dần vào sản phẩm. Mọi thứ đều minh bạch và được quản lý theo thị trường và loại hình du lịch này đã đóng góp rất nhiều vào an sinh xã hội địa phương. Đặc biệt, khi triển khai làm du lịch cộng đồng, cuộc sống của người dân không bị xáo trộn, họ vẫn lao động, sản xuất theo truyền thống và tham gia vào các dịch vụ du lịch tùy theo khả năng của mình, góp phần tăng thêm thu nhập, giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn, cải thiện cuộc sống của cư dân địa phương
Mỗi người dân đều có thể tham gia vào ngành công nghiệp không khói bằng trách nhiệm công dân với những việc làm cụ thể. Du lịch Trách nhiệm là mô hình chọn lựa khôn ngoan của các quốc gia phát triển. Đồng Tháp sẽ tiên phong đột phá Du lịch Trách nhiệm để thực hiện khát vọng trở thành “Thủ phủ du lịch miền Tây”, trọng điểm du lịch vùng ĐBSCL trong 10 năm tới.
Một số điểm tham quan du lịch Homestay, vườn sinh thái được du khách ưa thích
Trên mảnh vườn có diện tích khoảng 3.000 m2, ngoài việc trồng các loại hoa, kiểng, ông Trần Thanh Hùng (phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc) còn nuôi thêm ếch. Chính việc kết hợp đặc biệt này mà cái tên “ngôi nhà hoa ếch” ra đời và chính thức khai trương vào ngày 8/1/2017, đúng dịp Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp năm 2017. Đây là điểm tham quan du lịch homestay hoàn chỉnh đầu tiên trên địa bàn TP. Sa Đéc, là nơi để du khách thư giãn, trải nghiệm cuộc sống người dân làng hoa.
Vườn sinh thái của lão nông Lê Văn Thành (ông Năm Phích) gần 90 tuổi, chủ vườn cây đặc sản rộng 3 ha ở cồn Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh) thuộc Làng Du lịch Tân Thuận Đông: đến đây, du khách sẽ ăn, ở, sinh hoạt và cùng thu hoạch các loại nông sản, đặc sản ở địa phương, được thưởng thức các món ăn đặc trưng miền sông nước do người dân chế biến phục vụ và cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Khu sinh thái Hương Quê tọa lạc số 662 - ấp Phú Long (xã Tân Phú Đông, TP. Sa Đéc) có diện tích hơn 1,2 ha, phục vụ vui chơi, giải trí và ăn uống các món đặc sản đậm chất miền Tây. Du khách đến với Khu sinh thái sẽ được tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức trái cây tại vườn; trải nghiệm bắt cá dưới mương, bơi xuồng thúng, xuồng ba lá để câu cá và cho cá ăn...
Điểm du lịch sinh thái Tám Sáng thuộc ấp Đông (xã Tân Bình, huyện Châu Thành) với diện tích hơn 2 ha. Đây là khu du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm thân thiện với môi trường. Đến với khu du lịch, khách tham quan sẽ được tham quan vườn trái cây, hồ sen, thưởng thức các món ăn dân dã…góp phần mở ra cơ hội phát triển du lịch cho địa phương với nhiều hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.