Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Ảnh: Hữu Phúc |
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020, đến thời điểm công bố hết hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ đăng ký mở được tờ khai hải quan theo hợp đồng đã ký là 14.150 tấn. Lượng gạo còn lại đã ký hợp đồng giao trong tháng 4/2020 chưa đăng ký mở được tờ khai hải quan là 24.657 tấn (trong đó có 12.701 tấn nằm tại cảng chưa mở được tờ khai hải quan).
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn do không thể đăng ký mở tờ khai hải quan để xuất hàng, phát sinh nhiều chi phí (chi phí lưu container, lãi vay ngân hàng…); mất uy tín đối với khách hàng, thậm chí dẫn đến việc đối tác, bạn hàng quốc tế kiện vi phạm hợp đồng do chậm hoặc không thể giao hàng.
Xuất phát từ tình hình thực tế, trên cơ sở cân đối ưu tiên nguồn lúa gạo trong nước đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vượt qua khó khăn, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
Ngoài hạn ngạch 400.000 tấn theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, xem xét cho các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc xuất khẩu gạo với những hợp đồng đã ký và phải giao trong tháng 4/2020. Trước mắt, cho thông quan ngay với những lô hàng đã nằm tại cảng chờ xuất và có thể tính vào chỉ tiêu xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2020.
Cho mặt hàng gạo nếp (Mã HS: 1006.30.30 theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam) được xuất khẩu không theo hạn ngạch như hiện nay. Vì hiện tại diện tích sản xuất nếp của địa phương cũng nhiều (vụ Đông Xuân 2019-2020 là hơn 35.000 ha, Hè Thu năm 2020 là hơn 23.000 ha); trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chiếm rất ít do thói quen tiêu dùng của người dân thường là gạo tẻ.
Đồng thời, xem xét cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được phân phối mặt hàng gạo tại thị trường nội địa trong điều kiện mặt hàng gạo được điều hành xuất khẩu theo hạn ngạch như hiện nay, bởi thực hiện theo Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương về việc công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối mặt hàng gạo tại thị trường nội địa, trong khi việc xuất khẩu theo hạn ngạch đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tỉnh Đồng Tháp đứng thứ 3 cả nước về sản lượng lúa, mỗi năm sản xuất trên 3 triệu tấn, năng lực chế biến trên 3 triệu tấn gạo/năm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ xuất khẩu được 267.310 tấn, kim ngạch đạt 112 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; số còn lại chủ yếu cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngoài tỉnh trên 1 triệu tấn/năm.
Trong 03 tháng đầu năm nay, tình hình thị trường xuất khẩu gạo được thuận lợi do các nước tăng nhu cầu nhập khẩu lương thực đã giúp Đồng Tháp xuất khẩu ước đạt 58.295 tấn, kim ngạch ước đạt 24,2 triệu USD; tăng 30% về lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.