Thời sự
Đồng Tháp: “mổ xẻ” những chỉ số còn thấp trong PCI
Công Minh - 05/04/2013 12:14
UBND tỉnh Đồng Tháp đã gặp gỡ các ngành và địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp để tìm giải pháp tối ưu hóa những chỉ số thành phần trong PCI.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Mặc dù vươn lên dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 nhưng khi đi sâu phân tích, Đồng Tháp vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để tiếp tục tối ưu hóa những chỉ số thành phần trong PCI nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã gặp gỡ các ngành và địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Vĩnh Tân khảo sát tại Công ty TNHH 01 thành viên Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên

Giữ vững “phong độ”

Trong nhiều năm liền, Đồng Tháp luôn giữ vững “phong độ” khi nằm trong top 5, đặc biệt năm 2012 vươn lên vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI. Kết quả trên cho thấy chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp” đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp khi đến tạo lập và phát triển sản xuất, kinh doanh tại đây.

Nếu xét trong 09 chỉ số thành phần trong PCI thì Đồng Tháp có 05 chỉ số đứng trong tốp 10 tỉnh, thành của cả nước, đáng chú ý phải kể đến tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh với 7,17 điểm: điểm số cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan khẳng định, trong thời buổi kinh tế khó khăn thì mọi cơ hội của doanh nghiệp đều rất đáng trân trọng. Trong suốt quá trình chỉ đạo, điều hành của mình, ông Hoan luôn nhấn mạnh, tỉnh không xem doanh nghiệp là đối tượng để quản lý mà chính là đối tác để đồng hành, vai trò của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở sự đóng góp cho an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động mà còn là nhà tư vấn kinh tế, góp ý cho tỉnh trong xây dựng chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn đã và đang gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Chính sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh đã tạo niềm tin và động lực để các doanh nghiệp phát triển.

“Mổ xẻ” những chỉ số còn thấp trong PCI

Đồng Tháp nắm giữ vị trí “quán quân” trong giai đoạn kinh tế khó khăn và doanh nghiệp đang phải chống chọi với những tác động tiêu cực, trái chiều của kinh tế thị trường để duy trì sản xuất, kinh doanh. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp rất cần sự giúp sức của chính quyền, chính vì vậy không được bằng lòng, tự mãn với những kết quả vừa đạt được – ông Hoan chia sẻ. Đây chính là cách để tiếp tục giữ vững, phát triển sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư và cũng để duy trì những giá trị hiện có.

Tuy đạt được thứ hạng cao nhưng điểm số năm 2012 lại thấp hơn năm trước 3,27 điểm. Cùng với đó là Đồng Tháp cũng không nằm trong nhóm tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Trong 09 chỉ số thành phần, ngoại trừ chỉ số tiếp cận đất đai có sự tiến bộ về điểm số thì còn lại đều giảm, đáng lo ngại là thiết chế pháp lý giảm gần 02 điểm so với năm 2011.

Chia sẻ vấn đề này, tiến sĩ Võ Hùng Dũng – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, thiết chế pháp lý là chỉ tiêu khó thực hiện mà cả nước đang loay hoay tìm ra giải pháp. Cùng với thiết chế pháp lý, vấn đề đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp cũng rất đáng quan tâm và cuộc đua giữa các địa phương hiện nay cũng nằm ở 03 chỉ số này, ông Dũng khẳng định.

Đây chính là 03 “nút thắt” của PCI Đồng Tháp - ông Nhị Văn Khải, Giám đốc Sở Công Thương thể hiện sự đồng tình. Năm 2012, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh cũng như các địa phương trong khu vực đều đạt thấp, đặc biệt là các chỉ tiêu về doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn thông tin pháp luật, dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh, sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại và các dịch vụ có liên quan đến công nghệ.

“Hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại ở những thị trường nước ngoài, tiếp tục tìm kiếm đối tác là các doanh nghiệp thương mại lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để đưa hàng hoá của tỉnh đến với các hệ thống phân phối tại các đô thị trong cả nước” - ông Khải đề xuất.

“Thành lập bộ phận giải quyết thủ tục hành chính liên thông tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh đối với các dự án ngoài ngân sách” - ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ nêu giải pháp để hỗ trợ dịch vụ cho nhà đầu tư.

Để giải quyết hiệu quả các vấn đề về lao động, trong năm 2013, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề hơn 11.000 lao động cho các doanh nghiệp. Hàng loạt vấn đề như: tăng cường phổ biến thông tin, tư vấn chính sách, pháp luật cho người lao động, xây dựng và phát triển hệ thống thị trường lao động, nâng cao chất lượng tuyển dụng và giới thiệu việc làm, tổ chức nhiều hơn các phiên giao dịch việc làm để tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động v.v. đang được ngành Lao động, Thương bình và Xã hội hướng đến nhằm cải thiện chỉ số về đào tạo lao động.

Mục tiêu nằm trong nhóm rất tốt

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Lê Vĩnh Tân, thứ hạng không phải là điều cốt yếu mà phải thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp với cách điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Để làm được điều đó, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Vĩnh Tân cho rằng, các cơ quan nhà nước phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để có thái độ phục vụ phù hợp, thành lập nhóm nghiên cứu về chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm phát hiện những “lỗ hổng” trong quản lý và kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh một cách bài bản, có giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp trong chuyến tham quan Chi nhánh Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tại Đồng Tháp

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan thì đặc biệt chú ý đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và xem đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc đổi mới lề lối làm việc cũng phải được quan tâm và tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, không tiếp cận doanh nghiệp theo kiểu chờ đợi mà phải chủ động đến doanh nghiệp để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn.

Với tinh thần cầu thị và không tự bằng lòng với những kết quả đạt được, tỉnh đã và đang tìm ra những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và “khơi thông” bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, xứng đáng với sự tín nhiệm của doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác