Đầu tư
Đồng Tháp muốn thành lập Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười
Trúc Giang - 13/05/2022 16:36
Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười, tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, Khu kinh tế chuyên biệt... là các dự án Đồng Tháp đang muốn đầu tư.
Thành phố Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Cụ thể, ngày 13/5, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký ban hành Văn bản số 98/BC-UBND Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong báo cáo, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị với Trung ương nhiều dự án quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Cụ thể, đề nghị Trung ương chấp thuận chủ trương cho tỉnh thành lập Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười. 

Trung tâm này sẽ kết nối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; với ngành nghề chủ yếu là: cung cấp nông sản, thuỷ sản và đặc sản vùng Đồng Tháp Mười; sơ chế, chế biến và chế biến chuyên sâu nông sản, thuỷ sản nước ngọt, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh cung ứng tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.

Khi được chấp thuận, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo các ngành có liên quan lập dự án cụ thể (quy mô, diện tích, địa điểm, nguồn vốn…), trình cấp có thẩm quyền thông qua.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Trung ương đồng ý chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, nhằm tạo kết nối với tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (đang triển khai, dự kiến trong năm 2022 sẽ khởi công), rút ngắn được thời gian, cự ly vận chuyển hàng hóa, hành khách từ tỉnh Đồng Tháp đến các vùng kinh tế trọng điểm của Quốc gia là TP. HCM, Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tăng lợi thế cạnh tranh hàng hóa, kích thích kêu gọi đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và tỉnh Đồng Tháp.

Dự án phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Trên cơ sở chủ trương được chấp thuận, tỉnh tiến hành chuẩn bị phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư bằng hình thức phù hợp.

Cũng thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, Đồng Tháp kiến nghị đầu tư xây dựng tuyến đường N1 và xây dựng cầu Tân Châu (nối thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), trong giai đoạn 2022 - 2025.

Dự án phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, tuyến N1 có điểm đầu tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, điểm cuối giao QL.80 thuộc TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với chiều dài khoảng 235 km.

Dự án có tác động lớn đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối giao thông thông suốt, hoàn chỉnh theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đặc biệt thúc đẩy giao thương kinh tế các cửa khẩu Quốc tế với khu vực Tứ giác Long Xuyên nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Về giao thông thủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Trung ương quan tâm, triển khai đầu tư Dự án nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền giai đoạn 2023 - 2025.

Đây là tuyến đường thủy nội địa, rút ngắn cự ly vận chuyển từ sông Tiền qua sông Hậu và từ sông Tiền đến cảng Cần Thơ, góp phần làm giảm chi phí vận chuyển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, mục tiêu và thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng chính phủ; phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ hầng giao thông đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị chủ trương thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, quy mô khoảng 13.629 ha thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, để đối xứng với phía Campuchia.

Mục tiêu, định hướng phát triển Khu kinh tế chuyên biệt là: tập trung phát triển thành trung tâm công nghiệp xanh; công nghiệp công nghệ cao với các ngành liên quan đến chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp logistics và bảo quản sâu sau thu hoạch, cơ khí, chế tạo máy…; tập trung không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; khu chế xuất tập trung; khu công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển chuỗi ngành hàng nông nghiệp…

Mục tiêu hướng đến tạo không gian phát triển thuận lợi để kích thích tiềm năng, lợi thế đặc biệt của khu vực kinh tế biên mậu, góp phần hình thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng đầu nguồn sông Mekong, vừa giúp khơi thông tiềm năng không chỉ cho tỉnh Đồng Tháp mà còn mở ra cơ hội giao thương kinh tế của Vùng với các tỉnh bạn Campuchia.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng một khu công nghiệp năng lượng kết hợp với nông nghiệp; xem xét bổ sung nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Đồng Tháp vào danh mục phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, với tổng công suất giai đoạn 2021 - 2025 là 1.300 MW điện mặt trời. Đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải đáp ứng khả năng đấu nối, giải tỏa công suất nêu trên.

Kiến nghị chấp thuận nâng cấp cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông; cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) - KohRoKa (Prây-veng) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia...

Tin liên quan
Tin khác