Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.. |
Sáng 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2035 của 3 tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng.
Cụ thể, tại Nam Định, Chính phủ đề xuất sáp nhập Huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định. Cùng với đó là sắp xếp lại 25/36 đơn vị xã, phường thuộc thành phố Nam Định sau khi mở rộng.
Theo đó, Nam Định sẽ lập 2 phường mới trên nguyên trạng 2 xã (Nam Phong, Nam Vân). Sáp nhập 1 xã và 1 thị trấn để thành lập 1 phường mới. Đồng thời, có 7 phương án nhập nguyên trạng 3 xã, phường để thành lập 1 đơn vị xã, phường mới (tổng cộng 21 đơn vị).
Sau khi thực hiện 10 phương án nêu trên thì thành phố Nam Định mở rộng giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã (từ 36 đơn vị hành chính cấp xã tại thời điểm nhập huyện Mỹ Lộc còn 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 14 phường và 7 xã).
Ngoài ra, Nam Định cũng tiến hành sắp xếp 54/169 xã, phường của 7 huyện còn lại với 18 phương án khác nhau. Cụ thể, gồm 14 phương án sắp xếp 3 xã thành 1 xã mới; 4 phương án sắp xếp 2 xã và 1 thị trấn thành 1 thị trấn mới.
Sau khi thực hiện 18 phương án của 7 huyện nêu trên thì giảm 36 xã của 7 huyện (ngoài thành phố Nam Định mở rộng nêu trên).
Sau khi nhập Huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định và thực hiện 28 phương án thành lập, sắp xếp đối với 79/226 phường, xã, thị trấn thì tỉnh Nam Định giảm 1 huyện, còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã, từ 226 đơn vị hành chính cấp xã còn 175 đơn vị hành chính cấp xã.
Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, sau khi sáp nhập H.Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định tỉnh Nam Định dôi dư 56 cán bộ. Sau khi sắp xếp 79 phường, xã, thị trấn, sẽ dôi dư 1.060 người, 732 cán bộ, công chức và 328 người hoạt động không chuyên trách.
Số trụ sở dôi dư sau sắp xếp của Nam Định là 39 trụ sở, (cấp huyện là 09 trụ sở; cấp xã là 30 trụ sở).
Tại Tuyên Quang, Chính phủ đề xuất nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân của xã Hồng Lạc với Xã Vân Sơn để thành lập xã Hồng Sơn (mới) thuộc H huyện Sơn Dương.
Xã Hồng Sơn (mới) có diện tích tự nhiên 19,35 km2 (đạt 38,70% tiêu chuẩn); quy mô dân số 9.576 người (đạt 191,52% tiêu chuẩn).
Sau khi sắp xếp, tỉnh Tuyên Quang giữ nguyên 7 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện và 1 thành phố). Tỷ lệ đô thị hoá là 24,3%; giảm 1 xã, từ 138 đơn vị hành chính cấp xã (122 xã, 10 phường, 6 thị trấn) còn 137 đơn vị hành chính cấp xã (121 xã, 10 phường, 6 thị trấn).
Theo tờ trình của Chính phủ, sau khi sắp xếp, giữ nguyên trạng 6 trường học trên địa bàn 2 xã cũ (Hồng Lạc, Vân Sơn) để bảo đảm đáp ứng đủ trường học cho học sinh trên địa bàn. Đồng thời, nhập Trạm y tế X ã Vân Sơn với Trạm y tế Xã Hồng Lạc để thành lập Trạm y tế X ã Hồng Sơn.
Với tỉnh Sóc Trăng, Chính phủ đề nghị nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 1 với Phường 9 để thành lập Phường 1 (mới) thuộc thành phố Sóc Trăng. Phường 1 (mới) có diện tích tự nhiên 5,6 km2 (đạt 101,82% tiêu chuẩn); quy mô dân số là 17.474 người (đạt 249,63% tiêu chuẩn) .
Cùng với sắp xếp 2 phường thì tỉnh cũng đồng thời sắp xếp lại các khóm của 2 phường này. Kết quả giảm 3 khóm (từ 10 khóm còn 7 khóm).
Sau khi sắp xếp, tỉnh Sóc Trăng giữ nguyên 11 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện). Tỷ lệ đô thị hoá 24,05%; giảm 01 phường, từ 109 đơn vị hành chính cấp xã (80 xã, 17 phường, 12 thị trấn) còn 108 đơn vị hành chính cấp xã (80 xã, 16 phường, 12 thị trấn).
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.