Ngân hàng - Bảo hiểm
Đột phá chính sách tín dụng
Ngọc Quyết - 14/11/2015 10:10
“Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giúp người dân thiếu vốn sản xuất, kinh doanh được tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn rất nhiều, các Tổ chức tín dụng đang triển khai mạnh mẽ Nghị định này vào thực tiễn” đó là khẳng định của ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông). Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 25/7/2015 thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đột phá

Nghị định 55 nâng mức cho vay vốn không có tài sản bảo đảm được tăng lên, gấp 1,5 lần cho đến gấp đôi so với trước đây. Đối tượng được vay vốn cũng sẽ được mở rộng hơn. Các hợp tác xã, mô hình sản xuất lớn, liên kết ứng dụng công nghệ cao cũng sẽ được khuyến khích khi Nghị định mới triển khai.

“Nghị định mới gỡ được nút thắt trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Tách bạch trách nhiệm cho vay và hạn mức được vay cũng được tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết.

Ông Lịch cho biết thêm, Nghị định mới đã tách bạch hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định do hoạt động cho vay của ngân hàng chính sách đã được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác của Chính phủ. Bên cạnh đó, đối tượng cho vay, cũng được mở rộng. Trước chỉ khu biệt là ở nông thôn, nhưng giờ ở cả thành phố nhưng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được vay vốn. Chính sách mới có tác động tích cực thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Còn ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch UBND Thái Bình cho biết, tại Thái Bình, tổng doanh số cho vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 đạt 37.491 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến 30/6/2015 đạt 12.624 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so năm 2010, chiếm 41,4% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, với trên 247.633 cá nhân, hộ sản xuất. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay  nông nghiệp nông thôn bình quân giai đoạn 2010 – 2014 đạt 20,5%/năm.

Việc ra đời Nghị định số 55 sẽ tạo một cú hích đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng nông thôn. “Đây cũng là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tăng sức đầu tư vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới”, ông Giang nhấn mạnh.

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã sẵn sàng nguồn vốn để triển khai Nghị định mới. Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, để triển khai tốt Nghị định 55, Agribank đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong hàng đầu của mình về đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn trong hệ thống ngân hàng.

Vị Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết thêm, tính đến nay có 3,8 triệu hộ gia đình, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang còn dư nợ tại Agribank với số tiền hơn 426.000 tỷ đồng, chiếm 73,1% tổng dư nợ của Agribank (tổng dư nợ đến nay của Agribank là hơn 585.000 tỷ đồng).

“Riêng từ khi thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ (từ 2010 đến 2015), Agribank đã giải ngân cho gần 5,4 triệu lượt khách hàng với tổng số tiền 982.000 tỷ đồng (số khách hàng còn dư nợ đến nay là trên 2 triệu khách hàng với dư nợ trên 181.000 tỷ đồng). Đây là bằng chứng thuyết phục nhất chứng minh sự nhất quán trong việc xác định nhiệm vụ đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Agribank”, ông Vượng nhấn mạnh.

Nông dân hào hứng

Do tác động của việc đô thị hóa nên người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố vẫn sản xuất nông nghiệp là chính nhưng không được tiếp cận chính sách theo Nghị định 41. Nghị định mới đã bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn vẫn được thụ hưởng chính sách tín dụng.

Tiếng là sống ở thị trấn nhưng gia đình anh Nguyễn Như Phượng ở tổ 9, thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng (Thái Bình) thu nhập của cả gia đình trông vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lợn, gà.  Với Nghị định 41, anh Phượng không ở trong diện được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50 triệu đồng, vì sống ở khu vực thị trấn, nay theo Nghị định mới anh đã được tiếp cận vay vốn. “Tôi rất vui khi biết theo Nghị đinh mới mình sẽ ở trong diện được vay vốn không cần tài sản bảo đảm lên tới 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Số tiền này có thể giúp tôi xây dựng chuồng trại, con giống, góp phần nâng thu nhập cho gia đình”, anh Phượng hồ hởi cho biết.

Một điểm mới quan trọng trong Nghị định 55 là các quy định về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là những nội dung phục vụ cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với các chính sách này thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ yên tâm với vai trò đầu mối thực hiện mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

“Công ty của tôi chuyên sản xuất trứng sạch, lợn hữu cơ theo chuẩn của Nhật Bản. Nghị định mới là cơ hội để giúp công ty tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, mở rộng mô hình chăn nuôi”, ông Nguyễn Đại Thắng, giám đốc Gông ty trang trại Bảo Châu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết....

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ là một hệ thống chính sách đồng bộ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Nghị định có thể nói là một trong các giải pháp đột phá, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp....

Tin liên quan
Tin khác