Thời sự
Đột phá trong công tác cán bộ
Bá Thư - 14/05/2018 11:44
Với hàng loạt vấn đề nóng, vừa căn bản, vừa cấp bách về công tác cán bộ được Trung ương thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, Hội nghị Trung ương 7 khép lại cuối tuần qua cũng đồng thời mở ra hy vọng, kỳ vọng về những thay đổi quan trọng, đột phá trong công tác cán bộ của Đảng.

Câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi gợi mở các vấn đề để Trung ương thảo luận rằng, đối với cán bộ, cần “chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực, hay coi trọng cả hai” đã nhắc nhở một thực trạng đau lòng thời gian qua, khi nhiều cán bộ được coi là có năng lực, nhưng lại biến chất, suy thoái, tự đánh mất bản thân, bòn rút tiền thuế của nhân dân, gây nguy hại cho đất nước.

Trong khi bối cảnh mới đòi hỏi ngày càng cao ở đội ngũ lãnh đạo cả về năng lực, trình độ, bản lĩnh để đưa đất nước hội nhập hiệu quả, bắt kịp tốc độ của đoàn tàu cách mạng công nghiệp 4.0 thì những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - kể cả ở cấp chiến lược, thực sự là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, làm tăng nguy cơ tụt hậu của đất nước.

.

Nhìn rõ những hạn chế, yếu kém đó, thời gian qua, Trung ương Đảng đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cho công tác cán bộ. Không chỉ quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm với tinh thần “không có vùng cấm”, Đảng, Nhà nước cũng trăn trở tìm giải pháp đổi mới, tạo đột phá cho công tác cán bộ. Nhiều ý kiến trách nhiệm, thực tiễn, trí tuệ được các đại biểu thảo luận, đóng góp cho Trung ương tại Hội nghị đã làm rõ hơn nhiều vấn đề về công tác đặc biệt quan trọng này của Đảng.

Đó là các giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát quyền lực thực sự hiệu quả, để quyền lực phải được “nhốt vào lồng thể chế”, giao quyền đi liền với giám sát, kiểm soát quyền lực, không để xảy ra lạm quyền, chuyên quyền.

Đó là các phương pháp, cách thức đánh giá cán bộ đa chiều, liên tục, “đặt hàng” theo sản phẩm, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc…, bởi khâu đánh giá cán bộ được xem là mấu chốt, là bước quan trọng hàng đầu để triển khai các khâu tiếp theo như lựa chọn, bồi dưỡng, sắp xếp, giao việc cho cán bộ.

Đó là chủ trương bố trí cán bộ làm Bí thư cấp ủy ở tỉnh, huyện không phải là người địa phương nhằm tránh tình trạng cán bộ duy tình, nể nang, tệ nạn chạy chức, chạy quyền, vun vén cho người nhà, người thân, tạo “cánh hẩu” để tư lợi.

Đó là Đề án cải cách tổng thể chính sách tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, trả lương tương xứng với kết quả công việc cũng được bàn tới như một giải pháp căn cơ trong chính sách cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, sáng tạo, vì dân.

Đặc biệt, để thực sự tạo chuyển biến trong công tác cán bộ, “từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm”, “chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ”, “phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ”,  xây dựng cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước  “thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại diễn văn bế mạc Hội nghị.

Đó là tín hiệu tích cực để có thể kỳ vọng, sắp tới, công tác cán bộ sẽ có những bước chuyển thực chất, đột phá, lựa chọn được những cán bộ thực tài, thực tâm, gương mẫu, bản lĩnh gánh vác trọng trách của đất nước.

Tin liên quan
Tin khác